TNO

Hàng không Trung Quốc: Thị trường ngàn tỉ USD

25/09/2016 16:08 GMT+7

(Tin Nóng) Mấy năm gần đây, bắt đầu lộ diện một “gã khổng lồ” vận chuyển hàng không khác mà chưa được giới truyền thông quốc tế quan tâm nhiều. Đó là các hãng hàng không Trung Quốc.

(Tin Nóng) Mấy năm gần đây, bắt đầu lộ diện một “gã khổng lồ” vận chuyển hàng không khác mà chưa được giới truyền thông quốc tế quan tâm nhiều. Đó là các hãng hàng không Trung Quốc.

Air China thời gian qua mở nhiều tuyến bay đến Mỹ - Ảnh: Reuters

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CACC) mới chính thức bật đèn xanh cho các hãng hàng không Trung Quốc khai thác các đường bay nối Bắc Kinh với các thành phố ở Mỹ, gồm New York, San Francisco và Los Angeles. Bây giờ trong nối kết hàng không Trung Quốc - Mỹ, số chuyến bay do phía Trung Quốc khai thác cao hơn 4 lần so với các hãng hàng không Mỹ, theo Centre for Aviation (CAPA), một công ty nghiên cứu, tư vấn hàng không quốc tế.

Đầu tháng 9/2016 qua, Air China, hãng Hàng không quốc gia Trung Quốc mở tuyến nối Thượng Hải với San Jose, bang California. Với đường bay mới này, Air China có tổng cộng 8 điểm đến Mỹ (từ Bắc Kinh đến New York JFK, Newark, Los Angeles, Honolulu, Houston, San Francisco, Washington D.C, San Jose) và 2 điểm đến tại Canada (Montreal, Vancouver).

Ngày 21.9.2016, Air China trở thành hãng bay đầu tiên của châu Á có đường bay thẳng đến Ba Lan (lâu nay hãng LOT của Ba Lan đã bay nối hai thủ đô Warsaw và Bắc Kinh). Hành trình bay từ Bắc Kinh đến Ba Lan là khoảng 9 tiếng và từ Warsaw trở về Bắc Kinh là gần 8 tiếng.

Không chỉ ồ ạt bay đến Mỹ, các hãng Trung Quốc còn ào đến Canada. Thành phố Vancouver nay được đến 5 hãng bay Trung Quốc phục vụ, gồm Air China, China Southern Airlines, China Eastern Airlines, Sichuan Airlines, từ ngày 25.7 là Xiamen Airlines và 30.12 có thêm Hãng Hàng không thủ đô Bắc Kinh. Hiện chỉ có 4 hãng hàng không Mỹ bay trực tiếp đến Vancouver, gồm American Airlines, Alaska Airlines, Delta Air Lines và United Airlines.

Không bao lâu nữa, thị trường Việt Nam sẽ là điểm đến của 6 hãng hàng không Trung Quốc, gồm ba gã khổng lồ Air China, China Southern Airlines, China Eastern Airlines và 3 hãng khu vực Hainan Airlines, Sichuan Airlines và Xiamen Airlines.

Các nhà phân tích chuyên ngành nhận định với sự phát triển vũ bão của các hãng hàng không Trung Quốc, những sân bay quốc tế tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đang trở thành những điểm trung chuyển mới trong việc nối kết hàng không châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu, hấp dẫn hơn những điểm trung chuyển truyền thống tại Đông Bắc Á như Tokyo, Hong Kong, Seoul.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của hãng Cathay Pacific giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2016, đẩy cổ phiếu của hãng hàng không 5 sao Skytrax này xuống mức “cổ phiếu hàng không ít được quan tâm nhất”. Sự bành trướng của các hãng Trung Quốc cũng khiến hai hãng lớn của Đài Loan là China Airlines và EVA Airways phải ra sức phát triển thêm các đường bay đến Bắc Mỹ, đồng thời tăng chuyến bay ở các đường bay sẵn có lâu nay. 

Các hãng bay của Trung Quốc còn khiến các hãng bay của Nhật phải ái ngại. Vào thời điểm lịch bay mùa đông 2014-2015, khi có 43 đường bay giữa Trung Quốc và Nhật thì các hãng hàng không Trung Quốc đã khai thác 41.

A321 của hãng tư nhân Juneyao Airlines - Ảnh: PlanespottersNet

Vận chuyển hàng không Trung Quốc phát triển mạnh là tin vui cho hai nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing, các nhà sản xuất động cơ máy bay, các nhà sản xuất trang thiết bị trong cabin máy bay... Và cũng là tin vui cho các sân bay, thành phố điểm đến đón nhận những chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc nay rất phong phú, không chỉ có những hãng quốc doanh mà còn cả những hãng tư nhân.

Với dân số hơn 1,6 tỉ người ngày càng thích bay nên không ngạc nhiên khi biết trong hai thập niên tới, Trung Quốc sẽ chi hơn 1 ngàn tỉ USD mua máy bay mới. Trung tuần tháng 9/2016. Boeing dự báo từ nay đến năm 2034, Trung Quốc sẽ mua 6.810 chiếc máy bay mới. Khoảng 3/4 số máy bay mới này sẽ là loại nhỏ, một lối đi có thể chở 90 - 230 hành khách và 1.560 chiếc là loại lớn. Đáng kể là 70% số máy bay mới dự kiến sẽ được các hãng mua để đáp ứng nhu cầu vận chuyển gia tăng chứ không phải thay thế máy bay cũ.

Một báo cáo của ngân hàng quốc tế Goldman Sachs với tựa “Cuộc bùng nổ du khách Trung Quốc” cho biết hiện mới chỉ có 4% công dân Trung Quốc có hộ chiếu, nhưng đến cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, số người Trung Quốc có hộ chiểu sẵn sàng đi du lịch thế giới sẽ vượt qua cột mốc 120 triệu của năm 2016 và đạt 220 triệu vào năm 2025.

Còn một nhà sản xuất máy bay khác cũng hy vọng bán được nhiều máy bay, đó là COMAC (Công ty Máy bay thương mại Trung Quốc). Hãng này đã nhận được đơn đặt hàng của 21 khách hàng Trung Quốc và nước ngoài mua 517 chiếc máy bay thân hẹp, một lối đi C919 có thể chở 158 hành khách. Theo kế hoạch đến năm 2020, Hãng hàng không Thành Đô sẽ là khách hàng đầu tiên khai thác thương mại kiểu máy bay này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.