Hàng không Trung Quốc mời gọi phi công ngoại bằng lương khủng

18/08/2016 22:22 GMT+7

Trung Quốc cần thuê 100 phi công mỗi tuần, liên tục trong 20 năm tới để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng vọt. Đối mặt khả năng thiếu hụt phi công trong nước, các hãng hàng không treo bảng tuyển nhân viên với mức lương khủng.

Theo Bloomberg, cựu phi công hãng United Airlines, ông Giacomo Palombo, cho hay mình đang bị “tấn công” dồn dập mỗi tuần bằng nhiều lời chào mời sang Trung Quốc lái máy bay Airbus A320.
Hãng hàng không khu vực Qingdao Airlines (Thanh Đảo Airlines) đề nghị trả lương 318.000 USD/năm. Sichuan Airlines, hãng có tuyến bay đến Canada và Úc, thì hứa trả 302.000 USD/năm. Cả hai công ty trên đều cam kết sẽ lo hóa đơn thuế thu nhập của ông Palombo tại Đại lục. 300.000 USD hiện tương đương khoảng 6,69 tỉ đồng.
“Nếu thời gian quay trở lại, tôi chắc chắn để các hãng hàng không Trung Quốc vào tầm ngắm. Lương bổng nghe rất hấp dẫn”, ông Palombo, 32 tuổi, hiện là nhà tư vấn cho hãng McKinsey tại thành phố Atlanta (Mỹ) nói.
Nhà sản xuất máy bay Airbus cho hay du lịch bằng đường hàng không ở Trung Quốc sẽ tăng gần gấp bốn lần trong hai thập niên tới, biến nơi này thành thị trường sôi động nhất thế giới. Các hãng bay khởi nghiệp, những cái tên hầu như chưa được hay biết ở nước ngoài, hiện chào mời mức lương cao hơn 50% so với những gì các phi công cấp cao kiếm được khi bay cho Delta Airlines. Các hãng Đại lục cũng để những nhà tuyển dụng đến từ Mỹ và New Zealand toàn quyền “chọn mặt gửi vàng”.
Với vài lời mời làm việc hứa trả lương ròng 26.000 USD/tháng, phi công từ các thị trường đang phát triển, trong đó có Brazil, Nga có thể tăng gấp bốn lần thu nhập hiện có nếu đến Trung Quốc công tác, chủ tịch Dave Ross của hãng Wasinc International nói. Công ty Wasinc đang tuyển dụng cho hơn một chục hãng bay Đại lục, gồm Chengdu Airlines, Qingdao Airlines và Ruili Airlines.
Nhu cầu tuyển dụng phi công mới theo từng khu vực từ năm 2016 đến 2035. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tuyển đến 248.000 phi công mới Bloomberg
Ông Ross chia sẻ: “Khi tôi hỏi hãng hàng không: “Bạn cần bao nhiêu phi công?”, họ nói rằng “Ồ chúng tôi có thể tuyển tất cả những ứng viên bạn giới thiệu”. Nó gần như là không giới hạn”.
Các tân binh thích sống bên ngoài Trung Quốc sẽ nhận lương thấp hơn một chút, song được cung cấp các chuyến bay miễn phí để về quê thăm gia đình. Ngoài ra, trên bàn đàm phán tuyển dụng còn nhiều yếu tố khác: tiền thưởng, tiền làm thêm giờ và tiền trả khi hợp đồng kết thúc. Ross cho hay đầu năm nay, ông nhìn thấy phiếu lương hằng tháng của một phi công hãng Beijing Capital Airlines ghi số 80.000 USD.
“Tôi nhìn vào đó và nghĩ: “Ôi trời tôi đã đi nhầm nghề rồi”. Họ có thể sống như một ông hoàng”, Ross chia sẻ từ Vienna (Áo), nơi ông đang phỏng vấn các ứng viên tiềm năng cho Chengdu Airlines.
Mức lương trung bình cho phi công cao cấp tại các hãng hàng không lớn ở Mỹ, chẳng hạn như Delta, là 209.000 USD/năm, theo số liệu từ KitDarby.com Aviation Consulting. Một số hãng bay khu vực Mỹ thì trả 25.000 USD hay ít hơn, theo dữ liệu từ Hiệp hội Phi công, tổ chức đại diện cho hơn 52.000 phi công ở Canada và Mỹ.
Ngành hàng không đang bùng nổ ở Trung Quốc, nơi số hãng bay tăng 28% lên 55 công ty trong 5 năm. Đội bay nước này tăng hơn gấp ba lần trong một thập niên, theo Báo cáo Thống kê Ngành công nghiệp Hàng không Dân dụng. Các hãng bay giá rẻ vốn đang tăng số lượng thì ưu ái cho những loại tàu bay một lối đi, chẳng hạn như A320 - mẫu có thể chở 180 khách. Số hành khách Đại lục tăng 11% trong năm ngoái và các hãng đang lên kế hoạch cung cấp thêm nhiều chuyến bay để đáp ứng nhu cầu. Vì thế, họ cần thêm phi công.
Sichuan Airlines tổ chức đợt tuyển dụng phi công ở Miami (Mỹ) vào tháng 2.2012 Bloomberg
Chào mời bằng bảng lương hậu hĩnh là lựa chọn duy nhất cho những cái tên mới xuất hiện, vì họ vẫn còn độ nhận diện thương hiệu nhỏ và bảng ghi hiệu quả hoạt động hạn chế, Liz Loveridge, người phụ trách tuyển dụng Trung Quốc tại Rishworth Aviation ở Auckland, cho biết. Các hãng bay Đại lục đang trả lương cho nhân viên mới cao hơn gấp 5 lần so với một số đối thủ tại châu Á.
“Họ không thể thu hút nhân sự thông qua những cách khác. Họ cho rằng tiền là phương án duy nhất”, Loveridge nói.
Gói thu nhập hấp dẫn phần nào là cách mà nhà tuyển dụng bù đắp cho một trong những vấn đề lớn nhất của họ: Bộ máy quan liêu của chính phủ. Để bắt đầu làm việc ở Trung Quốc, phi công ngoại quốc có thể mất đến hai năm sau khi nộp đơn xin việc.
“Đó là các loại giấy tờ, giấy phép lao động, nhập cư, giấy khám sức khỏe. Họ nói rằng họ muốn tuyển phi công, những chẳng có nhiều nguồn tài nguyên”, cô Loveridge cho hay. Khoảng 30.000 phi công đang lái máy bay cho hãng Air China, China Eastern Airlines và khoảng một chục công ty đối thủ, trong khi chỉ có 2.200 phi công nước ngoài có giấy phép. Mỹ, Hàn Quốc và Mexico là những nước có nhiều phi công đến Trung Quốc làm việc nhất. Có một phi công ngoại tại đây là người Zimbabwe.
Dù được hứa trả lương cao, đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương Richard Laig của hãng tư vấn Mango Aviation Partners cho biết: “Không có nhiều phi công nước ngoài thật sự muốn đến Trung Quốc. Có nhiều nơi khiến họ cảm thấy thoải mái hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.