Hàng không gặp khó ở đường bay ngách

06/09/2023 08:00 GMT+7

Nhiều đường bay ngách phát triển rất nhanh nhờ các hãng hàng không mới gia nhập thị trường, song lại gặp rào cản khi hạ tầng sân bay nhỏ, hạn chế, chậm được nâng cấp, mở rộng.

Trước khi có các hãng bay mới gia nhập thị trường, đường bay ngách vốn là phân khúc thị trường bị bỏ ngỏ. Các đường bay trục chính thường được các "cựu binh" tập trung hơn, do nhu cầu cao sẵn có, yếu tố slot lịch sử, không cần đầu tư quá nhiều vào công tác phát động thị trường.

Hàng không gặp khó vì sân bay nhỏ - Ảnh 1.

Bamboo Airways mới khai thác đường bay Hà Nội - Cà Mau đã phải tạm dừng do đặc thù hạn chế của hạ tầng sân bay

T.N

Sân bay nhỏ, cơ hội lớn 

Nhiều hãng bay ở các nước châu Âu hay Mỹ, nơi có nhiều sân bay nhỏ, xa các thành phố lớn đã khai thác rất thành công phân khúc đường bay ngách. Đây cũng là “con đường” quen thuộc mà các hãng hàng không tư nhân mới của Việt Nam lựa chọn khi cất cánh bay.

Tiêu biểu như Vietjet, gia nhập thị trường cuối năm 2011 với đường bay chính TP.HCM - Hà Nội. Trong 2 năm đầu tiên, hãng liên tiếp mở các đường bay ngách kết nối các địa phương với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tới cuối năm 2013, hãng này đã có 11 đường bay nội địa, khai thác khá tốt những chặng bay ngắn như: TP.HCM - Hải Phòng; Liên Khương - Vinh; Hà Nội - Huế; Hà Nội - Buôn Ma Thuột…

Bamboo Airways ngay từ ngày đầu tiên cất cánh cũng lựa chọn thị trường ngách để đột phá, với tham vọng liên kết các vùng du lịch, kết nối giao thương, lấy thị trường ngách làm “bàn đạp” để hiện thực hóa mục tiêu chiếm 5% thị phần nội địa ngay trong 2 năm đầu. 

Thực tiễn cho thấy, bay tốt ở các thị trường ngách giúp cho hãng hàng không này nhanh chóng đạt được thị phần lớn hơn con số mục tiêu đã đặt ra. Có những thị trường ngách trở thành “thương hiệu” của Bamboo Airways như Quy Nhơn, Đà Lạt, Côn Đảo và gần đây nhất là Điện Biên, Cà Mau...

Không chỉ các “tân binh” chuộng khai thác đường bay ngách, thời điểm phục hồi sau đại dịch, các hãng hàng không đều chuyển hướng tập trung khai thác các đường bay ngách để “cứu” doanh thu. Vietnam Airlines trong vòng 5 tháng mở tổng cộng 22 đường bay ngách.

Không chỉ đem lại lợi nhuận cho các hãng hàng không, các đường bay thẳng kết nối các sân bay nhỏ thực tế đem lại những lợi ích to lớn cho kinh tế địa phương, kích cầu du lịch, giao thương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

Hàng không gặp khó ở đường bay ngách

Theo thống kê của ngành hàng không, một sân bay nhỏ với hơn 1 triệu hành khách hàng năm khi được quản lý hợp lý có thể tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp về lợi nhuận cho các hãng hàng không và nhà đầu tư thông qua việc khai thác các chuyến bay; tạo nguồn thu từ thuế cho Chính phủ, tạo việc làm trực tiếp cho lao động địa phương. Đồng thời, tạo ra giá trị kinh tế gián tiếp giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động, ngành kinh tế như du lịch, thị trường bất động sản...

Hàng không gặp khó vì sân bay nhỏ - Ảnh 2.

Các đường bay thẳng mới đã giúp giao thông Côn Đảo nâng cao cả về năng lực và chất lượng dịch vụ, góp phần đưa kinh tế, xã hội của địa phương bước sang trang mới

T.H

Cần có cơ chế “trợ lực”

Đường bay ngách, sân bay nhỏ, ngoài đem lại lợi ích to lớn cho kinh tế và diện mạo hạ tầng giao thông địa phương, còn có vai trò không nhỏ đối với đời sống xã hội trong vùng được hưởng lợi từ tiện ích sân bay. 

Tuy nhiên, nhiều đường bay ngách vắng khách mùa thấp điểm, sân bay nhỏ không đủ điều kiện để khai thác tàu bay lớn, quá tải mùa cao điểm khiến các hãng hàng không không tối đa hóa được lợi nhuận dù nhu cầu hành khách cao, dẫn tới trung bình chung cả năm các hãng đều phải bù lỗ lớn, khó đạt được điểm hòa vốn khi mở các đường bay ngách.

Thực tế, sau thời gian ồ ạt mở đường bay ngách, các hãng hàng không đều phải tạm dừng khai thác các chặng ngắn, ít khách khi không gồng được lỗ. Có những chặng bay như Hà Nội - Cà Mau vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách, vừa có ý nghĩa, giá trị về giao thương, kinh tế, văn hóa với địa phương. Tuy nhiên, Bamboo Airways mới đưa vào khai thác từ 30.4 - 25.7 đã phải tạm dừng do đặc thù hạn chế của hạ tầng sân bay.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, hãng vẫn có chiến lược phủ rộng mạng bay, nhất là các đường bay ngách tới các tỉnh, thành, địa phương vùng sâu, vùng xa, “vũng trũng” trên bản đồ bay để đẩy mạnh thông thương cũng như giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khai thác không có hiệu quả, chuyến nào cũng lỗ thì không thể cố gắng duy trì cho dù các tỉnh có kêu gọi các hãng mở đường bay.

Thực trạng này đặt ra vấn đề cần có thêm “trợ lực” mới để các hãng hàng không duy trì các đường bay ngách. Trong đó, vai trò của các địa phương có yếu tố quyết định.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương đang có các cảng hàng không nhỏ, công suất trên dưới 1 triệu hành khách/năm cần coi việc hỗ trợ để các hãng bay duy trì khai thác đường bay ngách là sự đầu tư cho không chỉ hạ tầng giao thông, mà còn bao gồm cả chi phí cơ hội cho khả năng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương, đặc biệt là hiệu quả to lớn trong lĩnh vực thu hút đầu tư, kích cầu du lịch.

“Đường bay kết nối địa phương với các trung tâm kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế sẽ có tác động rất tích cực đối với sự phát triển của địa phương đó.

Chỉ khi các cơ quan chức năng, các địa phương nhận thấy giá trị hiện hữu này của các đường bay và vào cuộc đầu tư một cách quyết liệt như một giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế thì các đường bay mới phát huy hiệu quả, các hãng hàng không mới nhìn thấy triển vọng để bù lỗ trong ngắn hạn, hướng tới khai thác có lãi trong trung và dài hạn”, đại diện Bamboo Airways nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.