Hàng giả ngập 'chợ' điện tử: Cần tăng cường quản lý!

26/07/2018 08:01 GMT+7

Việc hàng giả, hàng nhái được bán công khai trên các chợ thương mại điện tử (TMĐT) đang xảy ra khá phổ biến.

Theo quy định do Bộ Công thương ban hành từ năm 2014, chủ sàn giao dịch TMĐT hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 40 - 80 triệu đồng theo quy định về xử phạt hành chính trong sản xuất, buôn bán hàng giả. Thế nhưng thực tế vẫn còn nhan nhản hàng giả, hàng nhái bày bán công khai.
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT VN, cũng thừa nhận việc hàng giả, hàng nhái được bán công khai trên các chợ TMĐT đang xảy ra khá phổ biến. Bản thân người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn đặt mua vì giá thành rẻ, phù hợp. Điều này vô hình trung đã tiếp tay cho vấn nạn này càng lan rộng hơn.
Thậm chí Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) từ tháng 5 vừa qua công bố đã nhận được một lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại Lazada.vn. Vấn đề mà người tiêu dùng phản ánh chủ yếu liên quan đến chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm… Tuy nhiên, đến nay cơ quan quản lý dường như chưa có động thái nào trong vấn đề thanh kiểm tra hoạt động của trang này.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa thông tin, thực ra các trang TMĐT là một chợ trên mạng, xung đột lợi ích rất lớn. Chủ sàn muốn thu hút nhiều người vào chợ bán, muốn giữ uy tín cũng đòi hàng đúng chất lượng. Tuy nhiên, mặt khác họ lại phải chạy đua doanh thu. Nên không ít trường hợp giao cho bộ phận tuyển chọn lại có thể lơ là trong siết chặt hàng giả, hàng nhái bởi chính hàng giả, hàng nhái mới đưa đến doanh thu khủng cho DN. Tại Mỹ, nếu khách hàng phản hồi hàng hóa của Amazon bán là giả, hàng kém chất lượng, ngay lập tức Amazon đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường hay đổi hàng cho khách. Sau khi khách hàng phản hồi hài lòng rồi, Amazon mới truy trách nhiệm nhà sản xuất, xử lý công bằng theo luật thương mại. Song song đó, DN bị phạt số tiền rất lớn hoặc bị người tiêu dùng kiện ra tòa thì kết quả doanh thu của DN sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Thực tế, theo ông Đỗ Hòa, không khó để quản lý, giám sát hậu kiểm trong lĩnh vực TMĐT. Chủ sàn phải buộc người bán xuất trình các giấy tờ xuất xứ, có công cụ đánh giá uy tín từ người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng nhầm cây son giả trên chợ điện tử này, ngay lập tức họ báo cáo cho trang đó biết để chủ sàn phạt hay có hình thức nào đó. Tại châu Âu, cái nôi của những thương hiệu lớn, nếu phát hiện hàng giả bán qua các trang TMĐT, ngay lập tức trang đó bị phạt hoặc bị cấm hoạt động tại nước đó một thời gian nhất định. Ngoài ra, vai trò của Hội bảo vệ người tiêu dùng được coi trọng và phát huy nhiều hơn nữa.
“Nếu các cơ quan quản lý đặt vấn đề này ở mức độ nghiêm trọng, nguy cơ cao cho người dùng và ngành sản xuất trong nước thì không thể không có giải pháp”, ông Hòa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.