Hàn Quốc theo dõi các kỹ sư chip khi rò rỉ công nghệ ngày càng tăng

06/02/2022 14:21 GMT+7

Hàn Quốc đã chứng kiến 397 trường hợp rò rỉ công nghệ trong 5 năm qua.

Theo Nikkei, Hàn Quốc sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu về các kỹ sư chip để giám sát việc họ đi lại trong nước và ra khỏi đất nước, nhằm ngăn cản hành vi săn trộm của các công ty Trung Quốc và giữ cho công nghệ chủ chốt không lọt vào tay nước ngoài.

Biện pháp này là một phần của kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tập hợp bởi một số cơ quan chính phủ, bao gồm bộ công nghiệp và tư pháp, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Cục Tình báo Quốc gia. Chính quyền Seoul đặt mục tiêu kiềm chế một xu hướng đang trở thành vấn đề ngày càng lớn đối với những gã khổng lồ công nghệ như Samsung Electronics.

Nhân viên làm việc trong một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Hàn Quốc

chụp màn hình Nikkei

Kế hoạch kêu gọi việc lập danh sách những người có kiến ​​thức tiên tiến về 12 “công nghệ cốt lõi quốc gia” mà Hàn Quốc đặc biệt cạnh tranh, bao gồm pin, màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ, tàu và thép. Các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu sẽ được yêu cầu đăng ký bất kỳ nhân viên nào đáp ứng tiêu chí. Chính phủ sẽ theo dõi việc đi lại của những người trong danh sách này, một động thái mà Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết là để ngăn chặn các kỹ sư nhảy việc sang công ty đối thủ ở nước ngoài.

Cơ sở dữ liệu sẽ không giới hạn trong công dân Hàn Quốc. Kỹ sư nước ngoài làm việc tại các công ty Hàn Quốc hoặc công ty con địa phương của doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tham gia. Điều này có nghĩa là chính phủ Hàn Quốc có thể giám sát một công dân Nhật Bản làm việc dưới sự bảo trợ của một công ty Nhật Bản. Hiện chi tiết về phạm vi của các danh sách vẫn chưa được quyết định cụ thể. Chính phủ Hàn Quốc có khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ phía các công ty nước ngoài về việc áp dụng tiêu chí mới một cách tùy tiện.

Năm 2020, các công tố viên đã điều tra 112 người bị nghi ngờ vi phạm luật bí mật thương mại của Hàn Quốc do tham gia vào việc rò rỉ công nghệ ở nước ngoài, hầu hết những vụ việc này đều liên quan đến các công ty Trung Quốc. Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc đã phát hiện số trường hợp vi phạm ngày càng tăng. Đa số hoàn cảnh xảy ra vụ việc là do kỹ sư của các công ty lớn của Hàn Quốc chuyển đến làm việc cho đối thủ nước ngoài và mang theo thông tin nhạy cảm. Bên cạnh đó, còn có trường hợp do nhà sản xuất linh kiện tham gia vào dự án với các công ty như Samsung, vốn bán công nghệ tiên tiến cho người mua Trung Quốc.

Theo Nikkei, chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng hình phạt cứng rắn hơn đối với vi phạm luật bí mật thương mại, bao gồm cả án tù từ 3 năm trở lên nếu làm rò rỉ thông tin cho một công ty nước ngoài. Hiện những người vi phạm thường chỉ bị phạt tiền. Hàn Quốc cũng đang để mắt đến trường hợp rò rỉ công nghệ tiềm ẩn thông qua thương vụ mua bán và sáp nhập. Các công ty nước ngoài hiện phải trải qua quá trình sàng lọc khi nắm giữ hơn 50% cổ phần trong các doanh nghiệp Hàn Quốc sở hữu công nghệ tiên tiến. Chính phủ có kế hoạch giảm ngưỡng này xuống 30%. Ngoài ra, chính phủ sẽ bắt đầu trợ cấp 30% số tiền thưởng đặc biệt mà các công ty dành cho lao động có tay nghề cao để khuyến khích họ ở lại Hàn Quốc.

Nền kinh tế Hàn Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Cụ thể, chất bán dẫn chiếm 127,9 tỉ USD, tương đương khoảng 20% ​​tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vào năm 2021. Chính phủ đang lo lắng về việc mất nhân tài trong lĩnh vực chất bán dẫn, đặc biệt là khi các nhà sản xuất chip Trung Quốc nỗ lực thu hút kỹ sư có tay nghề cao để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Mối quan tâm của Hàn Quốc đối với rò rỉ công nghệ và vị thế trong ngành bán dẫn một phần bắt nguồn từ lịch sử của nước này với màn hình tinh thể lỏng (LCD). Màn hình LCD là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc sau chất bán dẫn trong suốt một thập niên trước. Thời điểm đó, Samsung và LG Display được xếp hạng là hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc như BOE Technology Group và TCL China Star Optoelectronics Technology đã bắt đầu mở rộng sản xuất vào giữa những năm 2010, với sự hỗ trợ của chính phủ. Việc gia tăng nguồn cung toàn cầu sau đó đã đè nặng lên các nhà sản xuất Hàn Quốc. Samsung phải công bố kế hoạch thoát khỏi mảng kinh doanh LCD, còn LG Display tuyên bố sẽ kết thúc hoạt động sản xuất trong nước.

Nhiều chuyên gia Hàn Quốc đang theo đuổi cơ hội mới ở Trung Quốc. Có hơn 50 người đang nghiên cứu công nghệ sản xuất mới tại BOE, hiện đã vượt qua Samsung và LG để trở thành nhà sản xuất màn hình LCD hàng đầu thế giới. Hơn 100 người Hàn Quốc cũng làm việc cho Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc.

Được biết, chính Samsung cũng từng thu hút các kỹ sư Nhật Bản từ những năm 1990 để có được bí quyết về chip và màn hình. Không ít công ty điện tử lớn của Nhật Bản vào thời điểm đó đã thu hẹp quy mô hoạt động và nhiều nhân viên xác định rằng chuyên môn của họ sẽ được đánh giá cao hơn ở Hàn Quốc. Giờ đây, lịch sử dường như đang lặp lại với Hàn Quốc. Mặc dù cơ sở dữ liệu và những nỗ lực khác của nước này có thể giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám, nhưng chúng có thể không đủ để làm nản lòng tất cả những người đang tìm kiếm mức lương cao hơn, hoặc thách thức lớn hơn ở một quốc gia mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.