Hạn lịch sử, điện vẫn tăng trưởng gần 11%

15/07/2016 11:22 GMT+7

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành công thương giữa tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho ngành điện lời khen ngợi vì đảm bảo điện cho phát triển kinh tế trong bối cảnh hạn hán nặng nề.

Thủ tướng cho hay, đợt ElNino vừa rồi được cho là kỷ lục trong một thế kỷ qua, đã tàn phá miền Nam Trung bộ, Tây nguyên nặng nề, ghê gớm. Trên thực tế, hai khu vực này vừa trải qua đợt hạn hán lịch sử, nhu cầu nước cho sinh hoạt, tưới tiêu thiếu trầm trọng. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà máy thủy điện dù không phải là công trình đa mục tiêu (thủy lợi - thủy điện) song đã ưu tiên nước cho sản xuất nên hàng chục nhà máy chạy cầm chừng, thậm chí nhiều lần phải ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tuy vậy, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, nửa đầu năm sản xuất điện tiếp tục được duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Nhu cầu phụ tải hai quý đầu năm tăng 1% so với kế hoạch nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung ứng an toàn, ổn định.
“Giá điện được giữ ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu chung về kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành điện đã điều tiết các hồ thủy điện lớn hợp lý để đảm bảo cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng đánh giá.
Trong khi đó, báo cáo của Tập đoàn điện lực cho biết, sản lượng toàn hệ thống trong tháng 6.2016 đạt 16,13 tỉ kWh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 sản lượng toàn hệ thống đạt 88,51 tỉ kWh, tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng 6.2016 ước đạt 15,65 tỉ kWh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 đạt 84,75 tỉ kWh, tăng 10,75% so với cùng kỳ. Trong tổng sản lượng điện sản xuất và mua 6 tháng, thủy điện chiếm 28,3%, tua bin khí chiếm 29,36%, nhiệt điện than đạt sản lượng huy động cao, chiếm 39,87% (trong đó Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 được khai thác vượt sản lượng so với kế hoạch, góp phần đáng kể đảm bảo cấp điện miền Nam).
Trong tháng 7, dự kiến phụ tải của hệ thống điện bình quân là 531 triệu kWh/ngày, công suất cực đại khoảng 28.690 MW nhưng EVN cho biết qua tính toán cân bằng cung - cầu điện năng, hệ thống điện hoàn toàn đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong hoàn cảnh hạn hán vậy mà điện vẫn tăng trưởng trên 12%, đủ cho phát triển kinh tế là rất đáng biểu dương”.
Nhiều dự án nguy cơ đói vốn
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực sớm có tính toán phương án sơ đồ điện 8 theo hướng ổn định, tránh việc chắp vá, điều chỉnh nhiều như sơ đồ phát triển điện 7 vừa qua.
“Cụ thể thế nào thì ngành điện phải tính toán cho ra các loại hình cần thiết, thủy điện bao nhiêu, điện than thế nào. Đừng để xảy ra tình trạng kinh tế phát triển nhưng không đủ điện cho sản xuất”, Thủ tướng yêu cầu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng biểu dương việc 6 tháng qua ngành điện đã đưa nhiều tổ máy hòa lưới quốc gia như thủy điện Lai Châu (thêm 400 MW), thủy điện Huội Quảng (260 MW) hay việc hoàn thành đóng điện các dự án lưới 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho, trạm biến áp 500 kV Pleiku 2… “Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của ngành đã hoàn thành 50% kế hoạch năm 2016”, Bộ trưởng ghi nhận.
Dù vậy, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận ngành điện đang gặp nhiều khó khăn như công tác đền bù giải phóng mặt bằng phức tạp, đặc biệt là với công trình lưới truyền tải 220 - 500 kV, và đáng lo nhất là tình trạng còn trên dưới 40 công trình xây dựng nguồn và hàng trăm dự án lưới còn thiếu vốn.
Do đó, Bộ trưởng Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn ưu đãi nước ngoài theo điều kiện của nhà tài trợ. Cùng với đó, ngành công thương đề xuất Chính phủ cho bổ sung các dự án điện vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi nhà nước đối với di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.