Đại biểu Quốc hội:

'Không thể chỉ dùng khẩu hiệu đi qua đại dịch mà phải có cơ chế bảo vệ người làm'

Mai Hà
Mai Hà
29/05/2023 16:14 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), y tế là môn kỹ thuật, không thể chỉ dùng khẩu hiệu để đi qua đại dịch mà phải có cơ chế để bảo vệ cho người làm.

Tham gia thảo luận về báo cáo giám sát phòng, chống dịch Covid-19 của Quốc hội chiều 29.5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng, dịch Covid-19 là phép thử cho thấy hiện trạng, thực lực của ngành y tế để có các giải pháp. 

‘Ngày xưa chiến thắng thì mừng công, bây giờ chiến thắng thì trảm tướng, thay tướng’ - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

PHẠM QUANG VINH

Muốn đóng góp để chống dịch cũng không dễ

Về huy động nguồn lực, theo bà Lan, dù có “nhiều doanh nghiệp, người dân có tấm lòng vàng muốn đóng góp, nhưng nói thật là đóng góp cũng không dễ. Ngay tại tâm dịch TP.HCM, cũng đã phải có lời khuyên cho các doanh nghiệp muốn đóng góp thì bằng hiện vật, vì bằng tiền chúng tôi không xài được”. Tất cả những dự đoán này sau đó đã thành hiện thực vì có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra, thành ra chúng ta đã tự làm khó mình.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng dẫn ra ví dụ nếu áp các quy định như hiện tại rất khó để thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có. “Ví dụ như vắc xin phòng, chống Covid-19 thử hỏi Chính phủ có mua được không với tất cả các quy định như bây giờ. Chúng ta có may mắn là ngoại giao vắc xin là đi xin và nguồn vắc xin của một công ty tư nhân thương thảo và ký được hợp đồng. Nhưng không phải lúc nào cũng may mắn như vậy, chúng ta phải làm sao cho nguồn lực có thể huy động được chính thức”, bà Lan nói.

Tuy nhiên, điểm vướng lớn nhất là cơ chế đấu thầu thì thảo luận vừa rồi chưa thấy điểm nào để gỡ rối. Đại biểu Lan cũng lo ngại nếu có dịch bệnh tương tự xảy ra sẽ tiếp tục thiếu, “dịch bệnh thì thiếu vắc xin, bây giờ bình thường thì các cơ sở y tế điều trị tiếp tục thiếu thuốc, thiếu thiết bị”.

Nhiều điểm nghẽn về chính sách, quản lý nguồn lực cũng được bộc lộ trong thời kỳ phòng chống dịch. Đơn cử khi thiếu vắc xin, theo đại biểu Lan, “báo chí nói ông nội, ông ngoại đi can thiệp để có vắc xin tiêm thì chúng ta lại không cho tiêm vắc xin dịch vụ để bớt gánh nặng cho hệ thống công lập”. 

Lúc cả cộng đồng sục sôi thiếu thuốc điều trị Molnupiravir, thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong việc cấp số đăng ký dù thuốc này có tác dụng ở nước ngoài. Dẫn đến tình trạng phải mua bán ngoài vòng pháp luật, đẩy giá, thiệt hại cho người dân rất nhiều.

Theo đại biểu Lan, báo cáo giám sát cần bổ sung cân bằng giữa xây và chống. “Đồng ý tiêu cực thì phải chống, nhưng chúng ta đã quan tâm đúng mức đến xây dựng, bồi bổ sao cho ngành y tế mạnh hơn để chống dịch và sau này hay chưa? Phần xây làm rất chậm nhưng chỉ tập trung chống, giống bệnh nhân thập tử nhất sinh, thay vì tập trung bồi bổ cho bệnh nhân thì chúng ta lại chỉ tập trung cắt phần hoại tử, cho dùng thuốc nặng, kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết”, bà Lan nêu.

Việc tìm ra các giải pháp để khi có dịch bệnh tương tự sẽ bảo vệ được người dân tốt hơn là cần thiết. “Y tế là môn kỹ thuật, không thể chỉ dùng khẩu hiệu để đi qua đại dịch mà phải có cơ chế để bảo vệ cho người làm. Tôi trong thành phần đoàn giám sát, tới nhiều địa phương chứng kiến rất nhiều người phải rơi lệ”, bà Lan nói.

Cần có cơ chế phân cấp hợp lý hơn

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Bí thư Quận ủy Q.1, TP.HCM) đề xuất cần nhìn về phía trước, việc cần làm là hàn gắn những vết thương, hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn. 

Đại biểu Châu đề nghị cần có cơ chế phân cấp hợp lý hơn, giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh, thành trong những trường hợp "chống dịch như chống giặc", khẩn cấp và không chồng lấn, để kịp thời trong phản ứng, giúp đỡ tốt nhất cho người dân, tránh trường hợp "nước xa không cứu được lửa gần".

Bà Châu cũng đề nghị cần rà soát, mở rộng để có những quy định vinh danh những hành động đột xuất, những nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ tài lực, vật lực, những tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp chắt chiu đóng góp ủng hộ cho các nguồn quỹ chống dịch, chăm lo cho hệ thống y tế hoặc các túi an sinh cho người dân.

"Có trạm y tế mà người dân không đến cũng như không"

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), thì bày tỏ lo ngại về hệ thống y tế tuyến cơ sở còn quá thiếu và yếu. Trạm y tế chỉ có mỗi một bác sĩ, có nơi chỉ có y sĩ, thậm chí nơi có bác sĩ thì lại là bác sĩ y học cổ truyền; được trang bị máy siêu âm nhưng lại đắp chiếu trùm mền do không ai có chuyên môn siêu âm... dẫn đến nhiều người dân vượt tuyến khám bệnh chịu chi phí cao. Bệnh cấp cứu cũng lên tuyến huyện hoặc tỉnh chứ không đến trạm y tế. Bác sĩ mới ra trường đa số không ai chịu về tuyến cơ sở làm việc, ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì, ổn định nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như hoạt động của hệ thống này.

Đại biểu này cũng kiến nghị nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở về trang thiết bị, cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ đội ngũ thầy thuốc để thu hút bác sĩ mới ra trường về tuyến cơ sở phục vụ, đủ sức hoạt động, giảm tải khám chữa bệnh cho tuyến trên, tạo lòng tin tưởng vào người bệnh.

Đặc biệt, nghiên cứu mô hình không có trạm y tế ở xã, phường, thị trấn nơi có trung tâm y tế trên địa bàn, lý do "có trạm mà người dân không đến cũng như không"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.