Hạn chế hàng quán phòng chống dịch, bạn trẻ ủng hộ, tìm cách ăn uống phù hợp

21/05/2021 18:58 GMT+7

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM phòng chống dịch Covid-19 , vào chiều 21.5, một số quán cà phê bắt đầu đóng cửa từ chối nhận khách thực hiện bán đồ mang đi. Còn các bạn trẻ cho rằng sẽ thực hiện đúng như quy định.

Chấp nhận bất tiện nhỏ của bản thân vì mục tiêu chung

Ngày 21.5, ngay khi biết  UBND TP.HCM triển khai những qui định phòng chống dịch như quán ăn uống nhỏ ven đường không phục vụ khách tại chỗ, chỉ bán mang về và giao hàng trực tuyến, Võ Văn Đạt (30 tuổi, đang làm việc cho một công ty Công nghệ ở Q.Tân Bình), cho biết : "Mình vẫn ra hàng quán gần công ty để ăn chung với đồng nghiệp cho vui. Tuy nhiên, do đã trải qua và quen với giãn cách xã hội từ lần dịch trước nên hôm nay nghe tin dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM cấm các quán ăn phục vụ tại chỗ, chỉ cho mang đi, mình cũng không bỡ ngỡ lắm".
“Sắp tới có thể mình sẽ về nhà ăn hoặc mua đem về công ty ăn cho an toàn. Mình ủng hộ chủ trương này của thành phố, ngừa bệnh hơn phòng bệnh, chấp nhận bất tiện nhỏ của bản thân để đạt được mục tiêu chung cho toàn xã hội”, Đạt nói.
 

Quán cà phê trên đường Trường Sa (Q.1, TP.HCM) thực hiện biện pháp giãn cách trước khi đóng cửa vào chiều tối nay

Nguyễn Thị Huệ Trinh (21 tuổi, kế toán viên tại một công ty công nghệ Q.Tân Bình) cho rằng đây là một quy định đúng đắn vì dịch bệnh đang rất phức tạp, gây nguy hiểm cho xã hội nên phải đẩy mạnh phòng chống để đảm bảo không lây lan. Quy định nhằm tránh tụ tập đông người nhưng cũng tạo điều kiện để những người buôn bán đảm bảo cuộc sống kinh tế ổn định ; vừa đáp ứng được quy luật cung cầu vừa có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Còn Phạm Đình Duy (30 tuổi, chuyên viên marketing công ty tại Q.Bình Tân) chia sẻ một lần nữa dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp, việc vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế lại được mọi người nói đến. Duy cũng quen với quy định bán hàng mang đi và thực hiện giãn cách nên việc này không cảm thấy quá bất tiện. Duy tin tưởng rằng khi mọi người cùng ý thức, chia sẻ với cơ quan chức năng, hy sinh một phần lợi ích riêng chắc chắn dịch sẽ được kiểm soát và đẩy lùi.

TP.HCM sẽ phạt quán ven đường nếu cho khách ăn tại chỗ trong dịch Covid-19

Quán cà phê đóng cửa sớm

Chiều nay tại quán cà phê Bili nằm trên đường Trường Sa (Q.1, TP.HCM), không khí buôn bán vẫn diễn ra như thường ngày. Tuy nhiên, mỗi khi khách đến, nhân viên của quán đều nhắc nhở rửa tay, đeo khẩu trang khi ngồi trong quán. Trên mỗi bàn cà phê, quán cũng trang bị nước rửa tay cho khách. Mặc dù chưa đến giờ thực hiện quy định phòng dịch nhưng các dãy ghế ở quán cũng được bỏ bớt, đảm bảo giữ khoản cách từng bàn với nhau.

Nước rửa tay ở quán cà phê

 
Anh Nguyễn Duy Biên, chủ quán cà phê Bili, nói thêm, khách hàng đã  được thông báo về việc đóng cửa nghỉ dịch lúc 18 giờ. Sau đó sẽ tùy tình hình ở địa phương sẽ tính phương án duy trì quán vừa bán vừa giãn cách trong thời gian tiếp theo.
Nguyễn Thị Thuỷ Tiên (23 tuổi, nhân viên quán Bili) cũng cảm thấy buồn khi nghe tin quán chuẩn bị đóng cửa vì lo không có  việc làm sẽ không có tiền trang trải cho các chi phí khác
“Tôi sợ quán nghỉ bán sẽ không có tiền trả tiền nhà trọ. Chỉ mong quán được bán giãn cách và thực hiện tốt biện pháp phòng dịch là được”, Tiên cho hay.
Ghi nhận tại con hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật (P.2, Q.3, TP.HCM) một số quán ăn đã bắt đầu dẹp bàn ghế, chỉ bán mang đi.
Còn tại quán cà phê lâu đời nhất TP.HCM, quán cà phê Cheo Leo, nơi giới trẻ thường xuyên lui tới, cũng đã hạn chế khách lúc 15 giờ 30.
Bà Nguyễn Thị Sương (chủ quán) cho biết đã thông báo hạn chế nhận khách đến quán ngồi lại. Đến nay và những ngày tiếp theo sẽ chỉ bán cho khách đến mua cà phê mang đi. Khoảng 17 giờ bà liên tục từ chối dù nhiều khách đến quán để uống cà phê.

Tối 21.5: Thêm 58 ca Covid-19 tại 5 tỉnh thành

Sáng 21.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo từ 18 giờ tất cả quán ăn uống nhỏ ven đường không phục vụ khách tại chỗ, chỉ bán mang về và giao hàng trực tuyến.
Ngoài ra cũng phải tạm ngưng các lễ hội, hội nghị, hội thảo, nghi lễ tôn giáo có 30 người trở lên. Việc tập trung 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học cũng bị cấm; người dân phải giữ khoảng cách tối thiếu 2 m nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện...
 
   
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.