Hạn chế dùng tiền mặt trong mùa dịch

10/02/2020 07:19 GMT+7

Nhiều người lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa dịch vụ trong thời điểm dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona chủng mới (nCoV) lây lan.

Ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng thanh toán giao dịch trong thời gian dịch đang diễn ra.

Không “cách ly” tiền mặt

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định NHNN không hề có chỉ đạo các NH “cách ly” tiền cũ, đưa tiền mới để hạn chế lây nhiễm vi rút nCoV như một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin gần đây. Giao dịch tiền mặt hiện nay còn cao nên các NH cần phải đáp ứng lưu thông, giao dịch tiền mặt không bị gián đoạn. Tuy nhiên, NHNN yêu cầu các NH tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, giảm bớt các giao dịch, hạn chế đến những nơi đông người.
Trước đây tôi cũng đã sử dụng các phương tiện thanh toán trên nhưng vẫn có thói quen để tiền mặt trong ví, tuy nhiên đến nay thì ít hơn vì phải thay đổi, sử dụng tiền mặt càng ít càng tốt để phòng bệnh
Phượng (Q.3, TP.HCM)
Theo quy định, khách hàng không được đeo khẩu trang khi giao dịch với NH, nhưng trong mùa dịch, NHNN đã chỉ đạo các NH cũng như khách hàng đến giao dịch được đeo khẩu trang, trong một số trường hợp cần thiết kiểm tra mới phải tháo khẩu trang.
Để ngăn chặn vi rút nCoV lây lan qua tiền mặt, vào tuần trước, NH Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã sử dụng tia cực tím và lò sấy nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt. PBOC cũng bắt đầu thay thế các tờ tiền cũ bằng tiền mới được in, nhân viên được phép làm việc từ xa...
Theo kết quả nghiên cứu cách đây vài năm của Trường đại học New York (Mỹ), tiền giấy tiềm ẩn khoảng 3.000 vi khuẩn và nhiều loại vi khuẩn trong số đó có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Một số vi khuẩn được tìm thấy trên tờ bạc gây ra mụn trứng cá, gây viêm loét dạ dày, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng tụ cầu khuẩn ở người, một số loại vi khuẩn khác được phát hiện còn gây suy giảm sức đề kháng của con người.

Cơ hội tăng thanh toán không dùng tiền mặt

Thực tế, nhiều người cũng cảnh giác, hạn chế tiếp xúc với tiền bằng nhiều cách. Bà Thu Ngọc (Q.7, TP.HCM) cho hay hơn 10 ngày qua khi dịch nCoV bước vào cao điểm, bà đã giảm bớt việc đi chợ. Thay vì hằng ngày như trước thì nay mỗi tuần chỉ đi 2 lần, mỗi lần mua dự trữ cho vài ngày. Gia đình bà cũng hạn chế đi siêu thị vào cuối tuần như trước và tích cực mua hàng qua mạng, mua ở cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà và thanh toán chuyển khoản qua NH.
Cũng trong tâm thế lo ngại tiền mặt là “ổ bệnh”, bà Phượng (Q.3, TP.HCM) cũng tăng cường sử dụng thẻ thanh toán hoặc ví điện tử nếu đi mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại. “Trước đây tôi cũng đã sử dụng các phương tiện thanh toán trên nhưng vẫn có thói quen để tiền mặt trong ví, tuy nhiên đến nay thì ít hơn vì phải thay đổi, sử dụng tiền mặt càng ít càng tốt để phòng bệnh”, bà Phượng cho biết.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo, cho hay lượng giao dịch thanh toán qua ví điện tử MoMo trong mùa dịch gia tăng hơn so với trước, đặc biệt là thanh toán tại quầy mua hàng. Đó có thể là cách khách hàng hạn chế tiếp xúc vật lý khi cầm tiền do lo ngại đây có thể chứa nhiều vi khuẩn lây lan nên gia tăng sử dụng ví điện tử thanh toán hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn. Ví MoMo hiện đã tích hợp hàng loạt dịch vụ phục vụ đầy đủ nhu cầu thanh toán 24/7 của người dân như giao dịch chuyển tiền và nhận tiền miễn phí; thanh toán tại quầy ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà hàng, hàng quán vỉa hè; mua vé xem phim, vé máy bay, vé tàu; thanh toán tiền điện, nước, phí chung cư, dịch vụ công, vay tiêu dùng, bảo hiểm...
Để hỗ trợ khách hàng, một số NH giảm phí thanh toán chuyển khoản như HDBank miễn phí thanh toán quốc tế cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị, y tế. Nhà băng này còn tư vấn khách hàng giao dịch trực tuyến, cũng như gia tăng thêm các tiện ích trên ngân hàng số - Di HDBank. Hầu hết các NH tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ NH điện tử Online banking, Mobile banking…, dịch vụ nộp thuế điện tử, dịch vụ nộp thuế hải quan điện tử 24/7, dịch vụ giao dịch qua fax… nhằm giảm thiểu các giao dịch trực tiếp trong thời gian này nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.
Theo Công ty CP Thanh toán Quốc gia VN (NAPAS), nhu cầu thanh toán chuyển khoản qua hệ thống liên NH 24/7 ghi nhận cao hơn so với rút tiền mặt. Vào thời điểm trước tết, chuyển tiền tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái cả về số lượng giao dịch và giá trị. Tốc độ giao dịch qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt qua máy POS, chuyển tiền nhanh liên NH 24/7, cổng thanh toán điện tử chiếm đến 90% giá trị giao dịch, phần còn lại là giao dịch qua ATM. Điều này hỗ trợ việc giảm tải cung ứng tiền mặt trong hệ thống ATM.
“Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì nhiều người đã biết các phương thức thanh toán không tiền mặt. Nhưng có thể không ít người lớn tuổi hay người dân ở vùng nông thôn, các tỉnh thành ở xa trung tâm thì chưa biết về các hình thức này. Do đó đây cũng là dịp nên đẩy mạnh truyền thông hơn để mục tiêu thanh toán không tiền mặt phát triển hơn”.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.