Hàm răng 'tố cáo' sức khỏe của bạn

10/05/2016 10:51 GMT+7

Thông thường, các bệnh như ung thư, thiếu máu, tiểu đường khi mới manh nha có thể được phát hiện thông qua việc khám răng.

Bạn đang mang thai
Gần 40% phụ nữ phát triển bệnh viêm lợi khi mang thai. Sở dĩ có điều này là do việc gia tăng progesterone, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn, gây viêm lợi. Một số phụ nữ có một cục màu đỏ đậm trên nướu được gọi là một khối u mang thai hoặc u hạt sinh mủ. (Đây là loại khối u là hoàn toàn lành tính và sẽ biến mất sau khi sinh con).
Cắn móng tay có thể khiến răng không đồng đều và dẫn tới đau hàm, khó chịu - Ảnh: Shutterstock

Thói quen cắn móng tay
Không cần nhìn vào bàn tay, nhưng nha sĩ có thể phát hiện thói quen này. Dấu hiệu chỉ ra vấn đề này là răng nứt và bị mòn do liên tục gây áp lực lên răng, Keith Arbeitman, nha sĩ nổi tiếng tại New York (Mỹ) cho biết. Thói quen xấu này có thể khiến răng không đồng đều và dẫn tới đau hàm, khó chịu. Những người cắn móng tay thường sử dụng răng phía trước và về lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng mòn phần trên và răng hàm dưới.
Tật mút ngón tay
Bước qua độ tuổi 7-8, mà trẻ em vẫn còn mút tay sẽ dẫn tới những thay đổi đáng kể trong việc cắn, nhai hoặc vị trí của răng. Phần lớn có thể được điều chỉnh thông qua điều trị chỉnh hình răng hàm mặt, nhưng một số dấu hiệu có thể vẫn còn, như: răng nhô ra phía trước, và điều đó có thể ảnh hưởng đến hàm của trẻ, thậm chí về lâu dài cũng tác động cả đến việc phát âm.
Hôi miệng
Thông qua hơi thở, nha sĩ có thể xác định được bị bệnh tiểu đường hoặc dấu hiệu của suy thận, suy gan. Mặc dù đánh răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên nhưng miệng lại có mùi hôi, điều này có thể là dấu hiệu của các vấn đề dạ dày. Theo các bác sĩ, sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong dạ dày, tạo thành mùi hôi và đưa lên miệng.

Hôi miệng cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh gan hoặc thận, thậm chí ngay cả bệnh nhân tiểu đường có thể có hơi thở có mùi ẩm mốc như lên men. Nguyên nhân là do sự cân bằng vi khuẩn trong cơ thể bị phá vỡ, các vi khuẩn gây hại phát triển mạnh hơn vi khuẩn có lợi.
Nếu miệng có mùi hôi quá nặng có thể liên quan đến chứng trào ngược dạ dày hoặc viêm phế quản, viêm amiđan.
Chứng trào ngược dạ dày
Việc răng xuất hiện nhiều vết nứt là do axit trong dạ dày trào ngược qua thực quản lên miệng trong khi ngủ. Theo các bác sĩ, các cấu trúc cứng của răng ngập trong axit, có độ pH thấp và điều đó khiến men răng bị sói mòn. Để chống hội chứng trào ngược dạ dày, hãy hạn chế sử dụng các chất kích thích, tránh ăn no, uống nhiều nước có ga và tránh làm tăng áp lực xoang bụng.
Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm giảm lượng nước bọt, từ đó làm tăng thiệt hại men răng do axit.
Nhiễm trùng xoang
Theo cấu tạo của hệ thống xoang, xoang hàm liên quan mật thiết với xương hàm trên và răng hàm trên. Răng hàm trên số 3, 4, 5 có chân chui sâu tới mặt dưới của xoang hàm. Vậy nên, khi vì một lý do nào đó, những thay đổi trên răng cũng có thể dẫn tới tình trạng viêm xoang. Ví dụ như người bệnh bị chấn thương, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động… dẫn đến gãy xương hàm trên, gãy nền sọ dưới hốc mắt. Hoặc là các trường hợp bị răng sâu, chữa không đúng kỹ thuật gây nhiễm trùng gốc răng kinh niên.
Cũng có trường hợp, người bệnh bị dị vật rơi vào xoang hàm, khi nhổ răng bị gãy chóp gốc gây nên nhiễm trùng rồi dẫn đến viêm xoang.

 
 
Thiếu hụt vitamin
Sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể gây ra nhiều bệnh răng miệng, như sưng lưỡi và dễ bị chảy máu nướu răng. Nếu các góc của miệng có màu đỏ, đó có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B6. Ngoài ra, khi lưỡi sưng hoặc đỏ có thể là dấu hiệu của việc thiếu sắt. Ngược lại, nếu lưỡi nhợt nhạt có thể cảnh báo nguy cơ thiếu máu.
Căng thẳng
Răng bị mòn hay đau đầu vào buổi sáng có thể do thường xuyên nghiến răng. Đây là dấu hiệu thường thấy của việc căng thẳng. Khi nghiến răng nhiều, răng sẽ bị mòn và hàm bị đau. Nếu bạn ngủ một mình, nghiến răng sẽ không được phát hiện cho đến khi đi khám nha sĩ. Chứng đau nửa đầu có liên quan với bệnh nghiến răng phổ biến hơn ở phụ nữ. Điều đáng lo ngại nhất của bệnh nghiến răng nặng không thể mở miệng bằng mọi cách. Kiểm soát bản thân để tránh căng thẳng sẽ giúp làm giảm các triệu chứng nghiên răng.
Người bị tiểu đường thường gặp phải các vấn đề về răng miệng như chảy máu chân răng, viêm lợi - Ảnh: Shutterstock

Nguy cơ bệnh tiểu đường
Người bị tiểu đường thường gặp phải các vấn đề về răng miệng như chảy máu chân răng, viêm lợi, rụng răng do đường huyết tăng cao gây nhiễm trùng. Theo Prevention, không chỉ những người bị tiểu đường dễ mắc các bệnh về răng mà chính bệnh nướu răng cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết và thúc đẩy nhanh tiến trình biến chứng của bệnh tiểu đường.

Bị tiểu đường do ăn nhiều đường?

Khi nhắc đến bệnh tiểu đường, ai cũng nghĩ rằng mắc bệnh là do ăn quá nhiều đường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa đường và bệnh tiểu đường phức tạp hơn.

Có một vấn đề với rượu
Tất cả đồ uống có cồn đều tác động xấu đến men răng và có xu hướng làm khô miệng. Một miệng khô sẽ dẫn đến sâu răng, bởi nước bọt có tác dụng trung hòa các axit gây ra thiệt hại trong miệng.
Ngoài ra, nếu uống rượu mỗi đêm, miệng sẽ không thể tái cân bằng lại độ pH. Và axít sẽ làm mềm men răng, khiến răng dễ bị mòn. Ngoài tác động xấu đến răng, rượu còn có thể khiến hơi thở hôi.
Ung thư miệng
Các dấu hiệu đầu tiên của ung thư miệng có thể được nhìn thấy thông qua các dấu hiệu: chảy máu trong miệng không rõ nguyên nhân, xuất hiện đốm trắng, đỏ lốm đốm trong miệng, loét miệng.
Theo các chuyên gia, loét miệng có thể là dấu hiệu của việc cơ thể suy kiệt và hệ miễn dịch kém. Nhưng nếu loét miệng kéo dài thì cần phải được kiểm tra xem liệu đó có phải là ung thư miệng. Triệu chứng của ung thư miệng là vết loét lớn với đường viền màu đỏ hoặc trắng bao quanh, kèm theo chảy máu và cảm giác tê.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.