Thấy tôi trông ngóng, tỉ mẩn sửa soạn cho chuyến đi, một người bạn thắc mắc: “Tại sao ai được đi Trường Sa cũng có tâm trạng hào hứng, khác xa những chuyến đi thường thấy như vậy?”. Tôi suy nghĩ khá lâu cho câu hỏi này, rồi giải thích vì chuyến đi Trường Sa là “cơ hội ngàn năm có một”. Là PV, ai trong đời đều không muốn đi đến nơi lịch sử, thời sự vẫn đau đáu hằng giờ đó?  Bạn tôi gật gù, nhưng tôi vẫn thấy chưa hài lòng với câu trả lời đó của chính mình. Cho tới khi tôi trở về, tôi mới biết điều gì khiến tôi tự hào nhất khi được đến Trường Sa.

Biển xanh xa tít chân trời. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Với tính mê hải hồ, ngay từ thời đại học, tôi đã có những chuyến xê dịch và hầu như đã đặt chân đến các tỉnh, thành trên cả nước. Có lúc tôi đi cùng bạn bè, có lúc đi với gia đình và có khi tôi chỉ xách balo lên đường một mình.

Tôi từng thán phục cảnh núi non hùng vĩ và tán thưởng mùa hoa cải vàng khi “trekking” (đi bộ dài ngày - một hình thức du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời - PV) ở Lào Cai. Tôi đắm trong bầu không khí tươi mát, thoang thoảng mùi cà phê ở Gia Lai. Tôi cũng từng mê mẩn chạy dọc những bờ biển và dành hàng giờ ngắm biển những đêm hè lộng gió...

Nhưng đi Trường Sa thì khác.

Với Trường Sa, tôi thường nghĩ nơi ấy như một nơi chốn thiêng liêng của Tổ quốc.

Bình minh trên đảo xa. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Còn nhớ, có lần tôi ngủ gục trên giảng đường thì choàng tỉnh vì lời của một giảng viên: “Nếu các anh chị vẫn còn uể oải, chán nản với cuộc sống và giờ lên lớp của mình thì các anh chị hãy tự hỏi những người ở “đầu sóng ngọn gió”, những người đối diện chuyện tử sinh từng giờ, từng giây phút đang làm gì?”.

Câu hỏi bỏ ngỏ ấy, bao năm qua vẫn hiện hữu trong đầu tôi mỗi khi tôi đọc tin tức về Biển Đông, về Trường Sa, nơi mà rất nhiều câu chuyện, thông tin người dân Việt Nam quan tâm. Và ở đó, chắc chắn có câu chuyện của những người “đầu sóng ngọn gió”.

“Chuyến đi này sẽ rất khác”, tôi nhủ thầm.

Lực lượng tàu KN-290 trung chuyển các vị đại biểu đến thăm các điểm đảo

Chiếc tàu KN-290 sừng sững ở Cảng Lữ đoàn 125 Hải Quân. Xung quanh tôi, trước chuyến khởi hành, ai nấy tươi phơi phới. Tôi cũng hào hứng hệt họ vậy. Và điều khiến tôi ngạc nhiên khi biết tôi là một trong hai thành viên nhỏ tuổi nhất trong số hơn 200 đại biểu của đoàn công tác.

Có nhiều điều đầu tiên tôi được trải nghiệm khi đi Trường Sa. Và việc sống trên tàu, sinh hoạt cùng 17 người khác trong cùng một căn phòng nhỏ xíu cũng là một trải nghiệm đầu đời. Thoạt đầu, tôi tưởng mình sẽ khó thích nghi, nhưng thực tế phòng của tôi lại “vui không tưởng”.

Ai cũng có cá tính riêng, nếp sống riêng, nghề nghiệp riêng, vùng miền riêng... Chúng tôi bắt nhịp với lối sống của nhau khá nhanh và hay gọi nhau bằng nơi công tác mỗi khi không nhớ được tên họ. Những “nickname” như “Dì chiến sĩ”, “Chị ở Bệnh viện Quân y 175”, “Chị ở Bình Hưng Hòa”, “Chị ở Đài VOH”... í ới suốt chuyến hải trình.

Các đại biểu tập thể dục buổi sáng trên tàu KN-290. ẢNH: LONG HỒ

“Dì chiến sĩ” Nguyễn Thị Hiếu là giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử cho một trường THPT và tham gia chuyến công tác với tư cách thăm thân nhân đang thực hiện nghĩa vụ trên đảo Song Tử Tây. “Dì” Hiếu chia sẻ cảm xúc đầu tiên khi bước vào căn phòng 209 này là... lạ lẫm, bỡ ngỡ bởi chỉ toàn người lạ, có người là phóng viên, ca sĩ, bác sĩ, lãnh đạo UBND phường...

“Mình thấy nhỏ bé và sợ không biết có thể hòa nhập không. Nhưng, tiếp xúc rồi, thấy ai cũng thân thiện, chia ngọt sẻ bùi. Chị em chia sẻ với nhau từng miếng bông tẩy trang, từng miếng kem đánh răng. Câu nói của MC Nguyễn Hoàng Nguyệt Ánh khi tôi nửa đêm tỉnh giấc hôm say sóng: “Hiếu, Hiếu ơi, chịu khó ăn thêm chút xíu nữa đi. Uống nước nè Hiếu ơi! Ấm áp, thân thương vô cùng chứ không xa lạ gì”, “Dì chiến sĩ” cảm thán.

“Việc đoàn kết khi gặp hoạn nạn là điều ở cộng đồng nào cũng có. Nhưng tinh thần sống hài hòa đó của dân tộc Việt Nam là điều đáng tự hào. Chúng ta luôn biết cách để quên đi những khó khăn, sự khác biệt của mình để sống hòa hợp”, chị Hiếu nói.

Giao lưu văn nghệ về hành trình hướng về biển đảo quê hương. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

PV Đài VOH Trần Thị Thúy Vân là đồng nghiệp, sống cùng phòng với tôi. Còn nhớ ngày phụ trách chính đài phát thanh trên tàu, tôi bị say sóng, chị phải “lãnh” luôn phần việc đi in kịch bản và đọc kênh cho tôi đêm đó. Chị Vân cũng chia sẻ rằng đó cũng là lần đầu tiên chị chia sẻ cùng một không gian sống với nhiều người như vậy.

“Ban đầu mình khá căng thẳng, sợ không quen môi trường tập thể. Chưa kể, vì là PV, sợ việc tác nghiệp có thể ảnh hưởng mọi người. Nhưng rồi không biết từ lúc nào như có sợi dây gắn kết mọi người. Có thể đó là những lúc cùng nhau ngồi gọt trái cây, cùng chia nhau những gói vitamin, thuốc men...”, chị Vân kể.

Chính sự hài hòa của các thành viên là điều giúp tôi an tâm trong suốt chuyến công tác.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm với quân dân trên đảo Trường Sa lớn. ẢNH: LONG HỒ

Chúng tôi đã đồng hành như thế, cùng nhau đi qua những đêm dài lênh đênh trên biển. Những đêm đầy sao, chúng tôi ngồi trên boong tàu, ca những bài ca người lính. Những buổi diễn văn nghệ, chúng tôi quàng vai nhau, giương cao cờ đỏ sao vàng, yêu chung tình yêu đất nước, biển đảo.

Tôi thấy được nhiều điều từ chuyến đi Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Có thể đó là việc tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ của biển trời, của thiên nhiên nước mình: Trời trong vắt, nắng vàng, biển xanh.

Có thể là tôi hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình khi nhìn vào những ngọn sóng bạc nối đuôi nhau. Và ở đó có mộ phần của bao người chiến sĩ đã hy sinh... để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Giàn mồng tơi của các chiến sĩ ở đảo Núi Le B. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Tôi chứng kiến đời sống của các chiến sĩ ở những ngôi nhà nhỏ cheo leo trên các đảo, tứ bề chỉ thấy mỗi mênh mông sóng nước và hiểu thế nào là “đầu sóng, ngọn gió”.

Những chiến sĩ cầm tay ôm súng đứng gác đảo. Da họ đen sạm vì cái nắng và sự trần trụi của thiên nhiên. Tôi thấy vườn rau xanh mà các chiến sĩ phải tự ươm trồng. Thấy những chú chó mặt lúc nào cũng buồn rười rượi khi nhìn thấy người rời khỏi đảo.

Tôi cũng nghe và thấy những nỗi nhớ người, nhớ nhà, nhớ gia đình của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Những câu thơ của Tế Hanh trong bài “Tiếng sóng” văng vẳng trong đầu tôi những ngày trên biển:

Thế thì đi là để yêu nước hơn. Đi để thấy đất nước mình, còn rất nhiều thứ đẹp đẽ và cần gìn giữ biết bao nhiêu.

Khi tôi trở về đất liền, BTV Võ Tiến (Báo Thanh Niên điện tử), người đã kể về trải nghiệm chuyến đi Trường Sa của anh nhiều năm trước cho tôi nghe, hỏi: “Em có sờ, có chạm được vào điều đó chưa?”.

Tôi hiểu và đoán đúng ý anh Tiến. Hẳn nhiên đó là lòng yêu nước, tình yêu với quê hương, đất nước, lòng tự hào về biển đảo.

Và cao hơn tất thảy là trách nhiệm, sự thủy chung với Tổ quốc mình. Tôi ngẫm, cuộc đời chúng ta vẫn có nhiều nỗi sợ, ta sợ nghèo, sợ cái không biết, sợ chết…

Quân dân đảo Trường Sa lớn chào tạm biệt đoàn công tác số 9 – TP.HCM. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Trước khi sải cánh ra biển lớn, ta sợ mình không đủ năng lực, sợ mình sẽ không bảo vệ được những giá trị của mình. Những nỗi sợ, nỗi lo cứ hiện hữu, ngày đêm cứ bám riết lấy mình trước khi ta dấn thân.

Nhưng rồi, ta sẽ là gì nếu chịu thỏa hiệp với những nỗi sợ đó? Ta cần phải vượt qua, nếu không để vươn tới những giá trị cao đẹp hơn, để gắn kết, để hài hòa với người xung quanh thì chí ít, đó là để khám phá, vượt lên chính bản thân mình.

Cứ nhìn vào những người lính can trường ngoài đảo đó, họ dẹp bỏ niềm riêng để vì một lẽ sống, một lý tưởng chung của đất nước, nỗi sợ của mình có nghĩa gì đâu?...

Báo Thanh Niên
18.06.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.