Trái hẳn với những ngày đầu buộc phải thích nghi với đời sống tập thể và trên biển, những giờ cuối cùng trước khi trở về đất liền thật đặc biệt. Ai cũng mang trong mình những suy nghĩ, cảm xúc rất riêng.

Chị Nguyễn Thụy Tường Linh, Phó bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn cùng tổ sinh hoạt với tôi. Đôi lần, tôi thấy chị đứng ngắm biển, rất lâu. Gần cuối hành trình, chị viết bài cảm nhận về chuyến đi. Đó là một lá thư chị gửi về con mình.

Mở đầu thư, chị viết:

“Con thương yêu! Đã hơn 10 ngày mẹ xa nhà. Đây có lẽ là khoảng thời gian mẹ xa con lâu nhất từ trước đến giờ. Những buổi chiều lên boong tàu nhìn biển cả mênh mông, mẹ nhớ nhà, nhớ con thật nhiều. Biển dài rộng thế kia, tưởng như không bờ không bến nhưng nếu ta cứ đi rồi sẽ đến được bến bờ con ạ”.

“Sau 2 ngày lênh đênh, mẹ bắt đầu đặt chân lên đảo. Đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết, cuộc sống lao động và chiến đấu của đồng bào chiến sĩ nơi đây khó khăn rất nhiều. Những điều hằng ngày chúng ta được hưởng như một sự đương nhiên thì ở đây đôi khi còn một sự cố gắng rất lớn hoặc có đôi khi cũng là điều không thể”, chị Linh viết tiếp.

“Đó là nước ngọt cho sinh hoạt, điện thắp sáng, rau xanh hoặc thậm chí là bóng râm để giảm bớt sự gay gắt của nắng cũng trở thành xa xỉ. Và hơn tất cả là sự thiếu vắng tình cảm gia đình khiến ánh mắt của những chiến sĩ hải quân cứ đau đáu ngóng trông. Biển trời mênh mông thế này nỗi cô đơn chắc cũng dài rộng hơn đôi lần”...

Tôi để ý đoạn chị xúc động, bày tỏ mong muốn với con mình: “Mẹ đã gần như không kìm được lòng mình khi hỏi một chiến sĩ về nỗi nhớ và câu trả lời nhận được là “Con nhớ “người” ”. Cho nên mẹ mong con biết trân trọng hơn những gì đang có luôn nỗ lực hơn từng ngày, bởi, sự toàn vẹn và bình yên của Tổ quốc để chúng ta có được điều kiện sống học tập và làm việc như hiện nay đã được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và xương máu của biết bao nhiêu người”.

Chị Linh muốn có kỷ niệm thật đặc biệt với đảo xa. Và chị muốn con mình biết được sự nỗ lực vượt khó ý chí kiên cường và hơn hết là tình yêu với biển đảo quê hương với Tổ quốc thiêng liêng.

Đón bình minh ngoài đảo xa. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Bác sĩ Lê Minh Khôi (Đại học Y Dược TP.HCM) cũng sáng tác nhiều bài thơ về Trường Sa trong chuyến hành trình.

Trong “Tia chớp và Cánh cung”, bác sĩ Khôi viết về sự thiêng liêng của biển đảo quê hương: “Tôi đứng đây biển cả mênh mông/ Đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn sừng sững/ Ánh mắt, nụ cười, bàn tay nồng ấm/ Những đứa con nòi giống Lạc Hồng. Tàu nổi còi rồi, rưng rưng thinh không/ Hẹn nhé Phúc Tần, Sơn Ca, Nam Yết/ Sóng vỗ thân tàu thay lời tiễn biệt/ Mai đất liền sẽ thương lắm Trường Sa”...

Còn anh Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội nhiếp ảnh TP.HCM sáng tác bài thơ tên “Nhật ký hành trình”, ghi lại những điểm đảo mà đoàn công tác đi qua.

Tôi ấn tượng với đoạn anh Trung sáng tác về lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma của đoàn công tác tại vùng đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma.

Đó là giây phút thiêng liêng, xúc động giữa trùng khơi, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, các đại biểu TP.HCM kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công ơn và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu.

Anh Trung viết: “Trước Gạc Ma quặn đau lòng/ Nhớ thương chiến sĩ Biển Đông chưa về/ Nén hương cỗ bàn tái tê/ Xin người phù hộ đất quê yên bình/ Buổi chiều lên đảo Cô Lin/ Năm xưa cuộc chiến bên mình bên kia/ Bao người ngã xuống xa lìa/ Giờ đây thành lũy biên cương quê nhà...”.

“Tàu neo lại, người lính đảo hướng mọi ánh mắt về tàu. Nơi đó là quê hương và đang rất gần... Tôi đã nói chuyện với nhiều anh lính trẻ trên Tốc Tan, Đá Le... Họ hồn nhiên, nhớ nhà nhưng vẫn ngời sáng lòng tự hào vì được sống những ngày nhiều ý nghĩa nơi đầu sóng ngọn gió...”, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn Hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) ghi lại nhật ký hành trình.

Chuyến công tác đi Trường Sa tháng 5.2022 là lần trở lại của anh Quỳnh sau một thập kỷ. Thấy được sự đổi thay trên đảo, anh Quỳnh mừng lắm.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tạo chùa Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn. ẢNH: LONG HỒ

Những ngày cuối của chuyến đi, anh viết: “Rồi những đại biểu trên chuyến tàu KN-290 sẽ quay lại cuộc sống bình thường. Ai cũng sẽ nhớ về chuyến đi đặc biệt này. Tôi tin, tất cả chúng ta đều ý thức được một điều: những yên bình, tiện nghi mà ta đang thụ hưởng, có mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều người, trong đó có những chiến sĩ Trường Sa. Hãy sống cho xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng nhưng cao cả đó!”

Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM cho hay, anh rất muốn những bác sĩ trẻ được đi Trường Sa, thăm những người chiến sĩ đang ngày đêm bám đảo, để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

“Từ niềm tự hào đó, chúng tôi thấy được vai trò, trách nhiệm của người trẻ chúng tôi. Phải phấn đấu nhiều hơn nữa về trí tuệ, tài năng và sức trẻ để làm sao cho góp một phần nhỏ trong công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc bằng chuyên môn và nghiệp vụ của mình, mà cụ thể là ngành y”, anh Hoàng nói.

Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM cho biết thêm: “Chúng ta có những sứ mệnh riêng. Những  cán bộ, chiến sĩ hải quân bảo vệ Tổ quốc để chúng tôi có được sự yên bình tại đất liền. Thì với vai trò trách nhiệm của các y bác sĩ trẻ, chúng tôi làm sao phấn đấu hết sức mình trong chuyên môn y nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân mà trong đó có rất nhiều người thân, gia đình của các đồng chí, chiến sĩ để các đồng chí yên tâm làm nhiệm vụ”.

“Niềm khát khao hơn nữa, hy vọng đội ngũ y bác sĩ trẻ có cơ hội được công tác tại các đảo và những nơi nào khó khăn, cần sức trẻ, tham gia để hòa chung hai màu áo blouse trắng và hải quân đưa đất nước tiến lên trên con thuyền mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tương lai”, anh Hoàng cho hay.

Chuyến công tác thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cũng có sự tham gia của các vị chức sắc, tôn giáo.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm trước chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Đại đức Thích Nhuận Hạnh, Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó trưởng ban Phật giáo Q.1, cho biết ông có một cảm xúc vô cùng đặc biệt với chuyến thăm Trường Sa đầu tiên trong đời. “Cảm xúc thì rất nhiều, không biết nói sao cho hết. Tôi chỉ biết thay mặt cho chư tôn giáo phẩm TP.HCM tri ân và biết ơn quân dân Trường Sa đã quyết tâm và giữ vững quê hương mình. Về tuyên truyền tín đồ biết Trường Sa như thế nào, có cơ duyên ra nơi đây, ủng hộ giúp sức cho những người công tác nơi đầu sóng ngọn gió”.

Anh Hạ A Dềnh, Giảng viên Trường Kinh thánh Cơ Đốc Phục lâm Việt Nam, chia sẻ rằng, đến với chuyến đi Trường Sa lần này, anh học được nhiều bài học, đặc biệt là phải có hành động san sẻ nhiều hơn với tuyến đầu Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó trưởng Ban Tôn giáo TP.HCM cũng tâm sự: “Trước tôi, các vị chức sắc tôn giáo đã được tạo điều kiện đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, khi trở về, các vị cũng thông tin lại nhiều, và tất cả chức sắc tham gia có suy nghĩ rất tích cực để triển khai công việc, vận động tín đồ thể hiện tinh thần vì Trường Sa thân yêu. Đặc biệt có nhìn nhận đúng hơn trong công tác đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền của các thế lực xấu về biển đảo”, ông Lượng nói.

Trong chuyến hải trình dài ngày thăm các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, các đại biểu của đoàn công tác số 9 - TP.HCM đã tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa tại vùng đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Phó trưởng Ban Tôn giáo TP.HCM cũng cho biết, cá nhân ông sau chuyến đi này sẽ tiếp tục trao đổi lại với các vị chức sắc, các tín đồ tôn giáo có cái nhìn nhận thức đúng hơn về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước với việc giữ gìn biển đảo quê hương, đặc biệt là đối với Trường Sa. Qua đó, cũng góp phần nhỏ trong công tác tuyên truyền, vận động, chung sức chung lòng giữ vững biển đảo đất nước mình”.

Về phía doanh nghiệp, ông Dương Công Đức, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Vietcotek, chia sẻ: “Tôi tận mắt chứng kiến sự vất vả gian nan của các chiến sĩ đang ngày đêm đứng canh vùng biển đảo Tổ quốc, giúp người dân yên bình, trong đó có doanh nghiệp chúng tôi an tâm sản xuất”.

Ông Đức cho hay, lãnh đạo TP.HCM cũng đã có những trao đổi với các doanh nghiệp là sau chuyến đi sẽ cùng ngồi lại bàn bạc tính toán để có những chương trình hỗ trợ lâu dài cho Trường Sa. Đặc biệt là vấn đề năng lượng.

Báo Thanh Niên
13.06.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.