Khó khăn không làm chùng lòng chiến sĩ, ngược lại, khi đối diện với nó, họ càng cho thấy khí phách, sự lạc quan và tin tưởng ở tương lai.  Tham gia chuyến hải trình thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 hồi tháng 5.2022 của đoàn công tác số 9 - TP.HCM, tôi có dịp gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ của nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”.

Trên đảo Thuyền Chài B, chàng trai Lê Tôn Trang, tay ôm súng, sừng sững đứng trong cơn nắng chói chang. Vẻ mặt nghiêm nghị, Trang hướng duy nhất một ánh nhìn về phía trùng khơi. Dưới chân Trang, sóng vỗ ì oạp.

Trang năm nay 19 tuổi (quê Quảng Ngãi), tự nguyện xin thực thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trường Sa. Ban đầu, Trang không cố hình dung nơi mình đến như thế nào, chỉ biết mình đi với một lý do: “Biết trước là khó khăn, nhưng em muốn góp sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trang mất mẹ từ nhỏ, lớn lên Trang không được sống với cha. Bà nội là người chăm sóc và dạy dỗ hai anh em Trang nên người. “Anh em ở đảo cũng sống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau lắm, như là anh em ruột thịt vậy”, Trang nói.

Chiến sĩ trẻ cũng kể lại, thời gian đầu, khó khăn nhất vẫn là phải thích nghi thời tiết, đặc biệt là những cơn nắng nóng ở đảo. “Riết rồi quen! Tụi em đã quen rồi. Ở đây, nắng gió phải chịu thua tụi em!”

Trang nói tiếp, giọng cứng cáp: “Và một khi đã quen rồi, em lại càng muốn gắn bó lâu dài với biển đảo. Việc muốn gắn bó xuất phát từ trong tâm, trong trái tim của em, như một mệnh lệnh vậy. Khi em đứng đây, em gác đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc - em thấy biển đảo mình đẹp vô cùng. Em rất tự hào và hãnh diện vì điều đó. Thực hiện nhiệm vụ ở đây, em được rèn luyện tính độc lập, không dựa dẫm vào ai, em thấy mình được trưởng thành”.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trong bài hát “Sức sống Trường Sa” mà ông sáng tác (phổ thơ của Đoàn Vũ Vinh), có câu: “Nắng gió thiêu thịt da những ngày khát mưa/ Muối đắng môi cười thèm cọng rau xanh”... miêu tả sự trần trụi nơi biên cương khắc nghiệt mà ngày đêm các chiến sĩ phải đối mặt. 

Nhưng khi nắng gió làm Trường Sa làm làn da ngăm đi, Trần Minh Huy (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) – chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đảo Sinh Tồn - lại cho đó là nét đặc trưng, nét đẹp của người lính hải quân.

Hỏi Huy có muốn nhắn nhủ gì với gia đình và với các bạn đồng trang lứa không, Huy khiêm tốn đáp: “Em muốn nói là ba mẹ cứ yên tâm, không cần lo lắng về em. Ở đảo, em sống rất tốt, rất khỏe. Hôm nay, có đoàn TP.HCM, được các anh chị cô chú đồng hương ra thăm, em vui lắm! Em cũng tin rằng thanh niên hãy vững lòng, sẵn sàng sải bước, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự để tham gia bảo vệ quê hương, giữ gìn đất nước”.

Đối với chiến sĩ Nguyễn Thiên Vũ (20 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang công tác ở đảo Núi Le B thì khi đi nghĩa vụ quân sự, ngoài việc thấy bản thân mình chín chắn, trưởng thành, Vũ cũng hiểu thế nào là trách nhiệm của một chiến sĩ trẻ: Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giúp đỡ ngư dân ra khơi bám biển.

Vũ chia sẻ: “Ở đây tụi em sống biết yêu thương, giúp đỡ nhau, động viên nhau những khi nhớ nhà. Gia đình em thì khuyên phải cố gắng lên, đừng buồn. Em thương ba mẹ lắm, nhớ ba mẹ lắm. Em sẽ cố gắng vì ba mẹ mà thay đổi”.

Những nỗi nhớ nhà luôn hiện hữu với người lính trẻ. Nhưng tố chất của người lính là mạnh mẽ và có tính cộng đồng cao. Sự đùm bọc, gắn kết của anh em chiến sĩ là niềm an ủi và động viên họ vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong “Trường ca biển” (tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012) có đoạn: “Trên bãi cát những người lính đảo/ Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà/ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững/ Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa”.

Có lẽ vì vậy, nên khi có cơ hội đặc trưng thật sự đến nơi “đầu sóng, ngọn gió”, nơi mà những nỗi nhớ cứ trôi lơ lửng hay được giấu vào một góc rất riêng tư của những người lính trẻ, tôi đã thấm thía thêm nỗi trách nhiệm và sự biết ơn vì sự quên mình neo mình nơi đầu sóng cả (còn tiếp)...

Báo Thanh Niên
13.06.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.