Hai tàu sân bay Trung Quốc sẽ hợp lực để giành ưu thế ở Biển Đông?

Văn Khoa
Văn Khoa
19/12/2019 08:20 GMT+7

Hai tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc có thể hợp thành một nhóm tác chiến để ngăn chặn máy bay, tàu Mỹ tiếp cận Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo tạp chí Naval and Merchant Ships .

Trong số hai tàu nói trên, tàu Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mới được đưa vào biên chế hôm 17.12. Tàu này được chế tạo dựa trên tàu Liêu Ninh, được cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Ukraine vào năm 1998 và đưa vào biên chế năm 2012.
Thay vì tác chiến một mình, tàu Sơn Đông sẽ cùng tàu Liêu Ninh tạo thành một nhóm tàu tác chiến nhằm ngăn chặn các tàu Mỹ hoặc Nhật tiếp cận Đài Loan để ủng lực lượng đòi độc lập ở vùng lãnh thổ này, theo tờ Naval and Merchant Ships, một tạp chí có trụ sở ở Bắc Kinh.
“Nhiệm vụ [khác] của [máy bay thuộc nhóm tác chiến] là ngăn máy bay ném bom tầm xa cất cánh từ một căn cứ hải quân ở Guam. Việc này nhằm ngăn chặn máy bay Mỹ nhắm vào các đội hình vận tải của PLA [Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc] và tàu ngầm Trung Quốc”, Naval and Merchant Ships viết.

[VIDEO] Hai tàu sân bay Mỹ khoe sức mạnh ngoài khơi Philippines

Ngoài hai tàu sân bay, nhóm tàu tác chiến nói trên còn có 2 khu trục hạm tên lửa tối tân Type 055, 10 tàu hộ vệ, 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và một tàu tiếp tế.
Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình ở Hồng Kông nhận định nhóm tác chiến có hai tàu sân bay sẽ giúp PLA mở rộng tầm tác chiến từ bờ biển thuộc đại lục Trung Quốc đến vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan, theo tờ South China Morning Post.
Ông Tống còn cho rằng nhóm tác chiến có 2 tàu sân bay cũng sẽ giúp Trung Quốc giành ưu thế quân sự ở Biển Đông. Hôm 18.12, Nhân Dân nhật báo đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai đến Biển Đông và “rất có khả năng sẽ đương đầu trực tiếp với tàu quân sự nước ngoài”.
Thực tế, Bắc Kinh đã có nhiều hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, như triển khai tên lửa đến các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp ở khu vực. Phát biểu tại tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở thành phố New York hôm 14.12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Trung Quốc “đang củng cố yêu sách biển phi pháp” và “đe dọa chủ quyền của các nước láng giềng” ở Biển Đông, theo South China Morning Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.