Hải quan 'siết' nhập khẩu cá tầm nhằm quản lý về nguồn gốc, xuất xứ...

20/02/2021 07:28 GMT+7

Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo đến hải quan các địa phương trong việc “siết” quản lý cá tầm nhập khẩu theo công văn của Bộ NN-PTNT trước đó về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.

Bộ này đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Cụ thể, theo luật Thủy sản và Nghị định 26/2019 của Chính phủ, các loài cá tầm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam bao gồm: cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), cá tầm Xiberi (Acipenser baerii).
Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, cá tầm bị cấm nhập khẩu trong các trường hợp nhập khẩu không nhằm mục đích phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm; cá tầm Đại Tây Dương (Acipenser brevirostrum), cá tầm Ban Tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I Công ước CITES.
Trường hợp không có tên trong Danh mục nêu trên nếu nhập để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép. Đặc biệt, cá tầm thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch động vật khi nhập khẩu, nếu dùng làm thực phẩm thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.