Hải Phòng: Khai bút, viết thư pháp tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc

17/02/2024 20:56 GMT+7

Hàng trăm giáo viên, học sinh giỏi tiêu biểu trên địa bàn H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) tham gia lễ hội khai bút và thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Ngày 17.2, tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc ở xã Quảng Thanh, UBND H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) tổ chức Lễ hội khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024.

Lễ hội khai bút, viết thư pháp tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng, H.Thủy Nguyên khai bút tại Lễ hội khai bút và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc, xã Quảng Thanh

GIANG LINH

Lễ hội thu hút hàng trăm cán bộ, công chức, 121 giáo viên và 420 học sinh giỏi trên toàn huyện về dự khai bút và thi viết thư pháp.

Lễ hội khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024 diễn ra từ ngày 17.2 đến hết ngày 24.2.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều sản phẩm văn hoá, nét đặc trưng truyền thống của đất và người Thuỷ Nguyên như: hát đúm, ca trù hoặc những vật phẩm được các bàn tay khéo léo của các học sinh và thầy cô giáo làm ra được quảng bá, trình diễn.

Trạng nguyên Lê Ích Mộc quê xã Quảng Thanh (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) là một trong 3 vị trạng của thành phố Cảng. Thuở nhỏ, nhà nghèo, mồ côi cha, ông đến ở nhờ tại chùa Diên Phúc của làng để được học tập. Ông nổi tiếng là người thông minh, mẫn tuệ.

Lễ hội khai bút, viết thư pháp tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 2.

Nhà thư pháp Lê Anh Châu khai bút tại lễ hội với 4 chữ: Tam dương khai thái

GIANG LINH

Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502), triều đình mở hội thi kén người tài. Khoa thi Đình năm ấy, vua Lê Hiến Tông lấy đỗ 61 người, Lê Ích Mộc vượt lên đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh (tức Trạng Nguyên). Ông làm quan khi giai đoạn thịnh trị của triều Lê Sơ không còn nên ông xin trí sĩ tại quê nhà.

Nhà Mạc thay nhà Lê, giai đoạn đầu Vương triều Mạc có nhiều cải cách, tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, được nhân dân ủng hộ, bạn đồng khoa khích lệ, tiến cử, Lê Ích Mộc một lần nữa ra làm quan với mong muốn tiếp tục thực hiện ý nguyện của mình là góp phần cho quốc thái dân an. Dưới triều Mạc, ông làm tới chức Tả Thị Lang. Tiếc thay, khi Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh qua đời, mâu thuẫn trong nội bộ nhà Mạc trở nên gay gắt, triều đình bắt đầu suy vi. Bất bình với triều đình phong kiến lúc bấy giờ, Lê Ích Mộc một lần nữa trao ấn từ quan về ẩn cư tại quê nhà và mở trường dạy học.

Lễ hội khai bút, viết thư pháp tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 3.

232 học sinh giỏi các cấp bậc học trên địa bàn H.Thủy Nguyên khai bút

GIANG LINH

Quảng Thanh nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hóa của cả một vùng rộng lớn. Ông cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Ông còn đích thân trồng một rừng lim xanh tốt, địa danh rừng Lim Quan Trạng còn trường tồn mãi với thời gian. Năm 1538, Trạng nguyên Lê Ích Mộc qua đời tại làng Ráng, hưởng thọ 80 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ sau phấn đấu học tập.

Nhằm tôn vinh, bảo tồn các di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, trong nhiều năm qua, khu di tích Tưởng niệm Trạng nguyên, gồm: nhà tưởng niệm, từ đường, lăng mộ, đền Quảng Cư, chùa Lốt và chùa Vang luôn được gìn giữ, tôn tạo, tu bổ đã tạo thành một quần thể kiến trúc vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc.

Lễ hội khai bút, viết thư pháp tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 4.

121 giáo viên trên địa bàn H.Thủy Nguyên tham gia khai bút

GIANG LINH

Hàng năm, vào ngày 14 - 15 tháng 2 âm lịch, UBND H.Thủy Nguyên long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc nhằm tưởng niệm, tri ân công lao của trạng nguyên và khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó của nhân dân H.Thủy Nguyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.