Hai chị em xinh đẹp vào điểm nóng chống dịch

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/09/2021 12:34 GMT+7

Hai chị em xinh đẹp đi cùng nhau trên khắp các mặt trận, từ lấy mẫu xét nghiệm ở các điểm nóng Q.8 cho tới trực chốt chống dịch Covid-19 , điều phối tiêm vắc xin và đi chợ giúp người dân ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Đó là hai chị em Trần Thị Mai Thu, 29 tuổi và Trần Thị Hồng Trang, 22 tuổi, quê Bình Dương, đang sống ở TP.HCM. Thu kinh doanh mỹ phẩm còn Trang vừa tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM. Dịch bùng phát, hai chị em mong muốn trong thời gian này có thể làm được điều ý nghĩa cho cộng đồng nên đăng ký đi chống dịch.

Bị "mời" ra khỏi nhà trọ ngay trong đêm

Ban đầu, hai chị em vào đội trực chốt khu cách ly tại Q.3, TP.HCM. Sau một thời gian, hai cô gái chuyển qua đội điều phối lấy mẫu xét nghiệm cho các khu cách ly, phong tỏa và nhập liệu tại bến Phú Định, khu vực đường Phạm Thế Hiển, Q.8.
Kết thúc nhiệm vụ lấy mẫu, cả hai chị em tiếp tục làm tình nguyện viên hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Q.Phú Nhuận.
Từ ngày 23.8 cho đến nay, hai chị em chuyển sang đội cơ động của Đoàn thanh niên P.8, Q.Phú Nhuận. Gói ghém hành lý, cả hai ở trong khu vực được P.8 sắp xếp cho các tình nguyện viên. Mỗi ngày, hai cô gái thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như trực chốt, mua hàng giúp dân, đóng gói thực phẩm, điều phối tiêm vắc xin…

Hai chị em tình nguyện vào điểm nóng

Hai chị em tất bật với các nhiệm vụ

Trong hai tháng qua, Thu và Trang trải qua nhiều chuyện vui buồn. Có những kỷ niệm không thể nào quên như ngay từ lúc mới đi chống dịch được vài ngày, cả hai chị em bị chủ nhà “mời” ra khỏi nhà trọ ở Q.6 vì sợ ảnh hưởng tới mọi người ở nhà.
“Chiều hôm ấy, hai chị em vừa xong công việc đã phải ngay lập tức tìm chỗ ở mới và dọn đi ngay trong đêm. Giữa cơn mưa lớn, hai chị em tôi ôm hành lý từ Q.6 lên nhà trọ ở Q.Bình Thạnh. Sáng sớm hôm sau, cả hai đã có mặt ở Q.Phú Nhuận nhận nhiệm vụ được phân công tiếp”, Thu kể.

Đó là lương tâm, là sức khỏe cộng đồng, là niềm vui của người khỏi bệnh, là giọt nước mắt của người được cứu chữa kịp thời. Là chai nước, là cái bánh, là một hai câu hỏi thăm cổ vũ của người dân. So với tiền thì không biết bao nhiêu mới có thể mua được tất cả những điều đó

Trần Thị Mai Thu, 29 tuổi 

Với cả hai chị em, trong thời gian tham gia công tác chống dịch, không có nhiệm vụ nào là vất vả nhất vì “nhiệm vụ nào cũng có sự vất vả và nguy hiểm". Tuy nhiên, cả hai đều động viên nhau cố lên.
Chẳng hạn, trong những ngày đi trực chốt, Thu phải ngồi ngoài trời nắng nóng cả ngày hay đi chợ giúp dân thì số lượng hóa đơn quá nhiều. Ở mỗi điểm tiêm chủng, mỗi buổi có tới hơn 700 người dân tới nên ai cũng phải điều phối liên tục. Làm việc cường độ cao, mất nước, chị em Thu và Trang nhiều lần kiệt sức, phải nằm ngay trên sàn trong bộ đồ bảo hộ. 

Những giây phút mệt lả của 2 chị em

Mệt lả, kiệt sức

Hai chị em cũng chưa quên lần phải đi lấy mẫu trong hai con hẻm lớn bị phong tỏa ở Q.8. Số mẫu phải lấy là gần 1.000 mẫu, với gần 400 hộ gia đình. 9 giờ sáng, họ bắt đầu lấy mẫu. Vì lấy mẫu theo hộ gia đình nên phải có đủ các thành viên trong nhà mới thực hiện được. Bên cạnh đó, hai con hẻm khá lớn lại nhiều ngóc ngách, Thu và một bạn cùng đội điều phối nhanh nhất có thể nhưng khi xong một hẻm cũng đã là 12 giờ 30 phút.
Mọi người vội vã di chuyển sang con hẻm tiếp theo. Trời nắng mưa thất thường, đang lấy mẫu thì mưa rào ập tới, cả đội lại phải tạm dừng. Khó khăn bủa vây, các tình nguyện viên mệt lả, đói, khát nước không dám ăn uống gì vì nguy cơ lây nhiễm cao. Tới 18 giờ, việc lấy mẫu và nhập liệu kết thúc, mọi người mới trở về nhà. Nhưng điều buồn nhất, đó là kết quả xét nghiệm của hai con hẻm cho thấy có thêm rất nhiều F0, trong đó có nhiều trẻ nhỏ.

Điều phối điểm tiêm vắc xin, một buổi sáng hơn 700 người tới, Trang mệt lả đã nằm ngay trên sàn

Thu chia sẻ, việc hai chị em tham gia chống dịch đã giúp cả hai thêm mạnh mẽ và mở rộng thêm sự bao dung. Việc tận mắt chứng kiến những ca nhiễm khiến hai chị em thêm thương mọi người hơn, thay vì trước đó cả hai từng có lúc trách sao họ đi lung tung để rồi lây nhiễm.
“Nhiều lần tiếp xúc với các ca F0, chúng tôi đều trấn tĩnh bản thân không được sợ, phải lạc quan, tích cực và vui vẻ lên. Ngoài ý thức thì tâm lý, tinh thần của mỗi tình nguyện viên cũng là vũ khí để chống lại dịch bệnh. Vào điểm nóng chống dịch, hai chị em đều dặn nhau, không chỉ bảo vệ mọi người mà còn phải bảo vệ chính mình. Bởi mình phải khỏe mạnh mới giúp đỡ được người khác”, Thu bộc bạch.

Để sau này nhìn lại thanh xuân…

Quê của Thu và Trang ở tỉnh Bình Dương, nơi cũng đang có dịch căng thẳng. May mắn, cha mẹ cô ở xã vùng xanh, chưa ghi nhận ca nhiễm.
Ban đầu, gia đình không cho hai con gái cùng tham gia chống dịch vì lo lắng. Tuy nhiên, hai chị em cố thuyết phục trong suốt 3 ngày liền và cuối cùng cha mẹ cũng phải miễn cưỡng đồng ý với điều kiện phải gọi điện cho gia đình để báo cáo tình hình mỗi tối.

Hai chị em tự hào về năm tháng thanh xuân mình đang đi qua

Hai chị em tâm sự, khi đã gắn bó hơn 2 tháng chống dịch cùng nhiều người trẻ khác, cả hai đều hiểu những gì mình nhận được còn nhiều hơn những điều mình cho đi.
Nhiều người hỏi hai chị em rằng làm tình nguyện chống dịch có được trả lương không. Thu đáp lại: “Dạ có. Đó là lương tâm, là sức khỏe cộng đồng, là niềm vui của người khỏi bệnh, là giọt nước mắt của người được cứu chữa kịp thời. Là chai nước, là cái bánh, là một hai câu hỏi thăm cổ vũ của người dân. So với tiền thì không biết bao nhiêu mới có thể mua được tất cả những điều đó”. Cho dù sau này có khó khăn gì xảy ra, nhìn lại thanh xuân này sẽ là động lực để hai chị em tự hào bước tiếp…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.