Hải cảnh Trung Quốc gây hấn nhiều nhất ở Biển Đông

07/09/2016 15:08 GMT+7

Hải cảnh Trung Quốc gây hấn trong hầu hết các vụ đụng độ ở Biển Đông trong sáu năm qua, đe doạ an ninh khu vực và đó là điều đáng lo ngại nhất ở vùng biển này, theo tổ chức CSIS, Mỹ.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết trong số 45 vụ đối đầu ở Biển Đông từ năm 2010 đến nay, hai phần ba là do lực lượng Hải cảnh Trung Quốc gây ra, Reuters cho biết ngày 7.9 dẫn nghiên cứu của CSIS vừa đăng trên trang web ChinaPower của cơ quan này.
Theo CSIS, Hải cảnh Trung Quốc gân hấn ở mọi vùng biển, chưa kể 4 vụ gây hấn khác do hải quân nước này tiến hành trong khi “đang thực thi pháp luật”. Nghiên cứu của CSIS cũng chú ý đến vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi năm 2014 liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc (hải Dương 981) ở vùng biển Việt Nam và căng thẳng leo thang kể từ khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines hồi năm 2012.
“Bằng chứng thực tế cho thấy rõ ứng xử của Trung Quốc (ở Biển Đông) đã đi ngược lại những gì đã được quy định”, bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu an ninh khu vực của CSIS nói với Reuters. Theo bà Glaser, việc gây hấn của lực lượng tuần tra biển Trung Quốc là điều đáng lo ngại và không thể xem nhẹ.
Xuồng cứu nạn tàu SAR 412 của Việt Nam tiếp cận tàu cá Việt Nam bị sự cố, làm dây lai dắt, phía sau là tàu hải cảnh Trung Quốc lảng vảng đe doạ, tháng 10.2015 Xuân Sơn
Theo CSIS, hành động được xem là gây hấn hoặc một vụ được gọi là đụng độ khi tàu hải cảnh hoặc hải quân của một quốc gia sử dụng các biện pháp cưỡng chế, uy hiếp đối với tàu hoặc ngư dân của nước khác, ngoài những hành động thực thi pháp luật thông thường và thường xuyên.
"Chúng tôi đang nhìn thấy sự bắt nạt, quấy rối và đâm húc bằng tàu (từ một nước lớn) đối với những nước có lực lượng cảnh sát biển yếu hơn hoặc tàu cá nhỏ hơn nhằm khẳng định chủ quyền trên toàn vùng Biển Đông”, bà Glaser nói tiếp với hàm ý nhắc đến sự uy hiếp của Trung Quốc nhờ lực lượng hải cảnh hùng mạnh và những đội tàu cá chuyên nghiệp (dân quân biển).
Tàu hải cảnh Trung Quốc (trái) uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam tháng 5.2014  AFP
Khảo sát của CSIS dựa trên những thông tin về đội tàu Trung Quốc hồi năm 2013 cho biết Bắc Kinh có đội tàu hải cảnh lớn nhất thế giới. Văn phòng tình báo hải quân Mỹ cũng có nhận định tương tự, Hải cảnh Trung Quốc sở hữu 205 tàu, trong đó có 95 tàu lớn có trọng tải hơn 1.000 tấn, được xem là hùng mạnh hơn rất nhiều so với những nước khác trong vùng, kể cả Nhật.
Cục Đại dương của Trung Quốc, cơ quan quản lý lực lượng hải cảnh, không đưa ra bình luận nào đối với nghiên cứu của CSIS, theo Reuters.
Với tần suất và mức độ va chạm trong thời gian gần đây, bà Glaser tin rằng những vụ gây hấn và đụng độ phi quân sự có nguy cơ gây chấn thương hoặc tử vong tồi tệ hơn những vụ đối đầu giữa các lực lượng hải quân tuần tra Biển Đông. Tuy nhiên, bà cho biết đối đầu giữa lực lượng cảnh sát biển và cả hải quân chưa được ghi nhận trong cuộc khảo sát của CSIS nhờ những thoả thuận tránh đối đầu quân sự trên biển giữa các nước được mở rộng cho cảnh sát biển trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.