Hai bài văn 'đúc khuôn': Biến tướng của học thêm

28/11/2023 09:50 GMT+7

Hai bài văn 'đúc khuôn' của học sinh trong đợt kiểm tra gần đây gây lên mối lo ngại về tình trạng dạy thêm kiểu 'chép văn' đầy nguy hại.

Bài văn sao chép gần như "đúc khuôn"

Với đề bài phân tích bài thơ Bạn đến chơi nhà của tác giả Nguyễn Khuyến, giáo viên hy vọng sẽ bắt gặp những nét bút học trò cảm nhận cái hay, cái đẹp của ngôn từ và thơ ca.

Câu từ hẳn nhiên còn vụng về, ý tứ ngô nghê, diễn đạt sẽ còn gượng gạo nhưng tôi trân trọng từng bài viết thật của học trò. Bởi các em đang tập làm văn, tập cảm nhận thơ ca, tập viết bài phân tích văn học… Thế rồi ngòi bút đỏ chấm bài trên trang giấy bất chợt đứng khựng lại, ngờ ngợ "vừa đọc bài văn này hồi nãy", "sao quen quá", "hay là…". Lật lại xấp bài, tôi bắt gặp hai bài văn sao chép gần như "đúc khuôn".

Tôi hụt hẫng bởi trong mỗi tiết lên lớp, giáo viên đều hướng dẫn kỹ năng viết một bài văn phân tích thơ, rèn giũa thường xuyên bằng những bài viết tương tự và luôn động viên trò tự lực viết văn. Thế mà trò trả lại cho cô giáo bài văn sao chép y đúc…

Đau với hai bài văn 'đúc khuôn'… - Ảnh 1.

Hai bài văn rập khuôn

NVCC

Càng đau lòng hơn bởi đây là hai học sinh có ý thức học tập tốt, năng lực viết văn thuộc dạng khá giỏi. Thế mà hai bài văn trưng ra trước mắt lại "gạo" bài từ một cái khuôn ở đâu đó rồi cứ thế chép văn đổi điểm số. Dò hỏi, tôi mới biết các em cùng theo học thêm một "lò". Đáng lo vô cùng khi có những lớp dạy thêm cho học sinh "chép văn" đầy nguy hại như thế!

Bài trên lớp đã học trước ở lớp học thêm, đề kiểm tra đã giải trước ở lớp học thêm, trò cứ thế mà nhớ lại, giải lại đề, viết lại văn. Nếu không chấn chỉnh tình trạng dạy thêm biến tướng và tiêu cực như thế này, chúng ta sẽ tạo ra những cỗ máy học để đạt điểm số cao chót vót, giật thành tích đứng đầu và ganh đua danh hiệu xuất sắc. Còn tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, kỹ năng tự học lại bị mài mòn, triệt tiêu ngay từ những ngày thơ bé cắp sách đến lớp học thêm.

Hai bài văn 'đúc khuôn': Biến tướng của học thêm  - Ảnh 2.

Vấn đề dạy thêm, học thêm lại thu hút sự chú ý của dư luận sau đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH


Học sinh đánh mất tư duy sáng tạo vì học thêm máy móc

Hai bài văn "đúc khuôn" kể trên khiến chúng ta lo âu trước tình trạng học thêm tràn lan, tiêu cực dẫn đến hệ lụy trò đánh mất tư duy sáng tạo, mài mòn năng lực phản biện.

Mới đây, vấn đề dạy thêm, học thêm lại thu hút sự chú ý của dư luận sau đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phiên thảo luận Quốc hội hôm 20.11.

Nếu chỉ dạy thêm, học thêm trong sáng và thuần khiết theo quy luật cung-cầu của thị trường thì có lẽ tiếng xấu đã chẳng đổ dồn và lời ta thán, bức xúc của dư luận đã chẳng "dậy sóng" như bấy lâu nay.

Dư luận phản ứng bởi một bộ phận giáo viên lạc lối từ những lớp dạy thêm. Để duy trì khoản lương ngoài giờ vượt xa đồng lương chính khóa, một số nhà giáo dùng đủ chiêu trò để rủ rê, ép buộc học sinh phải đến lớp học thêm. Tình trạng "găm bài", "gạ đề" hay phân biệt đối xử giữa học sinh có và không học thêm là một thực tế nhức nhối. "Con sâu làm rầu nồi canh" - tiếng xấu đổ dồn khiến lòng người thầy chân chính nhức nhối vô cùng.

Trước đây, vào năm 2019, 2020, đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện từng bị bác bỏ bởi một số lý do như:

  • Không thể xem giáo dục như một ngành nghề kinh doanh (mua bán chữ nghĩa)
  • Sản phẩm của giáo dục là con người chứ không phải là một món hàng
  • Nếu giáo dục được xem như một cửa hàng có tiền mới được vào và khách hàng được xem như "thượng đế" thì truyền thống tôn sư trọng đạo sẽ bị thương tổn trầm trọng và nhiều yếu tố tiêu cực sẽ xảy ra khi nhiều thầy cô chạy theo mãnh lực của đồng tiền, dẫn đến mất công bằng trong giáo dục
  • Lạm dụng việc học thêm sẽ khiến học sinh dần dần mất đi tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập, sự tự học và sáng tạo

Tuy nhiên, hiện nay học thêm là nhu cầu của học sinh khi chương trình các môn học vẫn còn khá nặng dù Bộ GD-ĐT hồi năm 2011 đã có hướng dẫn giảm tải. Các em học yếu thật sự có thể đăng ký học thêm để bổ sung những lỗ hổng trong kiến thức.

Vì vậy, thay vì cấm hoàn toàn thì nên đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng ngành giáo dục phải có quy định cụ thể và chặt chẽ để tránh tình trạng giáo viên ép học sinh đi học thêm.

Đào Đình Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.