Xin chào Hà Thị Hậu! Hậu có thể giới thiệu bản thân và chia sẻ một chút về hoàn cảnh gia đình cũng như tuổi thơ của mình được không?

Tôi là người Kinh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở huyện Văn Bàn, Lào Cai. Nhà tôi có 6 anh chị em, tôi thứ 5. Sau khi học xong cấp 3 thì tôi chuyển lên Sapa ở và làm việc tại đó cho đến nay.

Tuổi thơ của tôi chỉ có đi chăn trâu thôi. Vì nhà tôi làm nông nên có nhiều trâu lắm, có cả đàn 7-8 con. Hồi đó, mỗi khi học về là đi chăn trâu, nhưng phải đi bộ chứ không có xe máy. Ngày nào tôi cũng phải đi bộ khoảng 5km để đến cái đồi rồi thả trâu ở đó, đến tối lại ra mang trâu về. Một ngày, tôi phải đi bộ từ 10 – 15 km vì nhiều lúc trâu đi lạc thì phải đi tìm. Bên cạnh đó, hằng ngày tôi còn phải đạp xe khoảng 12km để đi học.

Nhưng có một điều phải nói là từ nhỏ tôi bị hen suyễn. Sau đó, gia đình tôi đã chạy chữa được nhưng di chứng để lại là cứ đến mùa đông thì tôi bị ho, viêm họng. Trong những tháng mùa đông, tôi phải tốn cả chục triệu tiền thuốc. Nhưng từ khi tôi tập chạy bộ thì những triệu chứng như ho, viêm họng chấm dứt hoàn toàn. Tôi nghĩ việc chạy bộ đã khiến cho sức khỏe được cải thiện, tăng cường sức đề kháng nên không bệnh nữa.

Từ khi còn đi học, Hậu có năng khiếu về thể thao không?

Vốn dĩ từ nhỏ tôi đã chạy tốt rồi. Tôi nghĩ, việc phải đi bộ chăn trâu hay đạp xe hàng cây số trên địa hình đồi núi như ở quê đã giúp tôi có sức bền tốt. Ngay từ những năm còn là học sinh THPT, tôi đã bắt đầu tham gia các giải chạy việt dã và đứng top đầu của tỉnh Lào Cai ở cự ly chạy 3km.

Sau khi học xong cấp 3, tôi nhận thấy bản thân có năng khiếu về thể thao nên đi thi tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Tây nhưng không đủ điều kiện. Ở các phần thi năng khiếu như nhảy cao, nhảy xa… tất cả tôi đều thi rất tốt nhưng tôi chỉ cao 1m53, thiếu vỏn vẹn 2cm nên không được xét tuyển vào trường. Từ đó, tôi không chơi thể thao nữa. Tôi về quê làm nhiều công việc, từ buôn bán hàng thổ cẩm, mở cửa hàng bán quần áo rét cho khách nước ngoài. Sau này, tôi chuyển sang làm tour và cho thuê xe máy đến bây giờ.

Một thời gian dài không tập thể thao, vậy cơ duyên nào đưa Hậu đến với môn chạy bộ?

Tôi làm bên lĩnh vực du lịch, cụ thể là làm việc văn phòng, bán tour cho khách và cho thuê xe máy. Dịch Covid-19 bùng phát nên tôi nghỉ việc, phải ở nhà và tất nhiên bị… tăng cân. Chính vì vậy, tôi chạy bộ để giảm cân.

Lúc đó dịch Covid-19 đang phức tạp nên phòng GYM không mở cửa. Chỉ có chạy bộ là môn dễ dàng nhất để mình tiếp cận, vừa tập thể dục cho khỏe, vừa giảm cân, không mất nhiều thời gian. Một ngày chỉ cần chạy từ 1 đến 2 tiếng là được và cũng không bị gò bó, rảnh giờ nào thì chạy giờ đó. Môn chạy bộ cũng đơn giản, chỉ cần một bộ quần áo và đôi giày thôi là có thể chạy được rồi.

Thể thao, hay chạy bộ khó nhất vẫn là làm sao tạo một thói quen, vậy động lực nào giúp Hậu kiên trì trong những ngày đầu trở lại với chạy bộ?

Thú thật, tôi từng có một người bạn trai nước ngoài và anh ấy là người đã đưa tôi trở lại với môn chạy bộ như hôm nay. Anh ấy là người Mexico nhưng sinh sống và làm việc ở Hồng Kông. Khi chúng tôi đang quen nhau thì dịch Covid-19 ập đến. Thấy tôi tăng cân, chính anh đã khuyên tôi chạy bộ để lấy lại vóc dáng. Những ngày đầu, anh ấy là người động viên tôi liên tục, mua giày và những đồ đạc cần thiết để tôi đi chạy.

Quá trình tập luyện chạy của Hậu bắt đầu như thế nào?

Thời gian đầu, tôi chỉ chạy khoảng 4 vòng quanh bờ hồ, tầm 4km thôi. Sau đó, thấy tôi chạy tốt quá nên các thành viên trong một CLB chạy của Sapa mới rủ tôi đi chạy cùng. Chỉ 1 tuần sau kể từ khi chạy lần đầu tiên, tôi tham gia chạy địa hình cho vui với các thành viên CLB ở cự ly 21km. Từ đó, mọi người đều khuyên nên đăng ký chạy giải. Tôi làm theo và về nhất ở cự ly 21 km trong giải chạy đầu tiên tham gia, thậm chí về trước một VĐV nam hơn 28 phút.

Cho đến nay, Hậu đã tham gia bao nhiêu giải chạy và vô địch bao nhiêu lần?

Nhiều lắm, thật sự tôi không nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ những lần mà mình đã về nhất ở những cự ly ultra (siêu dài) từ 50km trở lên thôi. Ở những cự ly ultra, tôi đã vô địch 4 lần: 70km (2 lần), 100km (1 lần) và 50km (1 lần), đây đều là những giải chạy địa hình.

Qua những giải chạy, đâu là giải đấu đáng nhớ và khoảnh khắc mà Hậu nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất đối với tôi chính là giải chạy Vietnam Mountain Marathon (VMM) diễn ra ở Sa Pa, Lào Cai vào tháng 9.2022. Đây cũng là một giải chạy lớn của Đông Nam Á. Ở giải đấu đó, ngay từ lúc xuất phát, tôi phải chạy cùng top 1 của nam là một VĐV người Pháp - Gaetan Morizur. Chạy được khoảng 60km, tôi bắt đầu cảm thấy mệt và trong đầu lúc đó có suy nghĩ buông xuôi, chỉ cần về nhì chung cuộc là được. Tôi cảm nhận rằng cơ thể không muốn hoạt động và cũng không thể đi nổi nữa. Sau đó, khi đã chạy được 80km, tôi được đồng đội trong nhóm thông báo là chỉ cách VĐV nam kia 5 phút thôi. Tự nhiên lúc đó tôi lại thấy hứng thú, hưng phấn cao độ và cơ thể cũng bắt đầu hồi phục. Tôi lại tiếp tục cuộc đua của mình và đuổi kịp VĐV nam kia rồi về nhất chung cuộc của nam lẫn nữ. Rốt cuộc, nam VĐV người Pháp đó về sau tôi gần 20 phút.

Qua lần trải nghiệm kể trên, tôi thấy mình đã vượt qua được giới hạn của bản thân từ trước đến giờ. Đối với chạy những cự ly ultra, khi mình đến một mức nào đó thì cơ thể sẽ mệt mỏi và giống như đang “đình công” vậy. Nếu mình vượt qua được thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, để chiến thắng được sự mệt mỏi đó thì người chạy phải có một ý chí quyết tâm.

Theo Hậu, khó khăn nhất đối với một người chạy địa hình là gì?

Với tôi, điều khó khăn nhất của một người chạy địa hình là yếu tố thời tiết. Khi mình tham gia các giải chạy hoặc ngay cả khi tập luyện, nếu trời mưa, thời tiết xấu thì rất là khó để một VĐV có thể hoàn thành tốt được cuộc đua. Yếu tố thời tiết quyết định rất nhiều, nếu mưa thì đường sình lầy, còn nắng thì khiến cho cơ thể bị mất nước, ảnh hưởng lớn đến các VĐV.

Riêng với bản thân, tôi tập luyện ở Sapa, nơi hội tụ đầy đủ tất cả các yếu tố đó. Cộng thêm việc ngày nào tôi cũng tập luyện nên chuyện mưa nắng là bình thường. Tôi đã rất quen với những bất lợi về mặt thời tiết và chính điều đó giúp tôi có lợi thế lớn so với các VĐV khác. Dù trời mưa trơn trượt, hay nắng nóng… tôi đều có thể hoàn thành tốt cuộc đua.

Chạy địa hình chứa nhiều yếu tố nguy hiểm, vậy có bao giờ Hậu gặp chấn thương hay tai nạn trong quá trình tập luyện và thi đấu?

Tôi chưa bao giờ bị tai nạn gì nghiêm trọng cả, chỉ bị ngã bình thường thôi. Đối với một số người, khi ngã và bị lật sơ mi thì rất nguy hiểm, nhưng đối với tôi thì điều đó là bình thường. Trong quá trình tập luyện chạy hằng ngày trên địa hình trắc trở ở Sapa, cơ thể của tôi đã trở nên rất mềm mại rồi. Nên ngay cả khi lật sơ mi, tôi vẫn có thể tiếp tục chạy. Tuy nhiên, đối với nhiều người tập luyện không được đầy đủ, khi lật sơ mi thì họ phải nghỉ, nhưng tôi thì không.

Sau khi được nhiều thành tích nổi bật ở môn chạy bộ, công việc của Hậu có sự thay đổi không?

Tôi vẫn phải làm việc bình thường, vẫn bán tour cho khách và cho thuê xe máy. Tôi không thể chỉ tập trung vào chạy bộ được mà phải cân bằng với cuộc sống. Hiện tại, tôi là mẹ đơn thân nên cần phải làm việc để chăm sóc cho con trai.

Hậu có thể chia sẻ một chút về chuyện làm mẹ đơn thân của mình không?

Tôi là mẹ đơn thân, hiện đang sống với con trai 6 tuổi. Tôi ly hôn chồng cho đến nay được hơn 5 năm rồi. Tôi kết hôn năm 26 tuổi và ly hôn sau 1 năm chung sống. Tôi nghĩ rằng cuộc sống hôn nhân có rất nhiều điều phức tạp mà mình chưa hình dung được, nói chung là vì không hợp nhau nên chia tay. Sau khi ly hôn, tôi nghĩ rằng con trai nếu ở với mình sẽ tốt hơn nên tôi muốn tự mình nuôi con. Từ đó đến nay, một mình tôi phải đảm đương hết trong việc nuôi dạy con trai.

Hậu sắp xếp thời gian như thế nào để cân bằng cuộc sống, khi vừa chăm sóc con trai và vừa đảm bảo việc tập luyện?

Con trai ở quê cùng nhà ngoại, còn tôi làm việc ở Sapa. Mỗi tuần tôi sẽ tranh thủ về thăm con ít nhất 1 lần. Còn về việc luyện tập, tôi thường dậy sớm từ 5 giờ sáng. Tuy nhiên, thời gian luyện tập không thể cố định vì có hôm 5 giờ sáng tôi phải đi giao xe máy cho khách rồi mới về luyện tập. Mình phải tranh thủ và linh hoạt trong mọi thứ, nhưng vẫn phải duy trì cường độ tập luyện tối thiểu. Có những ngày mình tập nặng từ 3-4 tiếng. Ngoài ra, tôi còn đạp xe 1 buổi, chạy dài vào cuối tuần và tập nhiều bài bổ trợ nữa.

Nếu bận rộn như vậy, Hậu có muốn dành thời gian cho chuyện tình cảm cá nhân không? Hay giờ đây, ngoài con trai thì mình sẽ dành thời gian cho đam mê?

Tôi nghĩ rằng, chuyện tình cảm còn phải tùy vào duyên số. Tôi cứ sống như vậy, điều gì tới sẽ tới. Tôi sẽ tiếp nhận tất cả mọi thứ theo cách lạc quan nhất có thể chứ không ép buộc bản thân, cứ để mọi thứ tự nhiên sẽ tốt hơn. Thời điểm này, tôi muốn làm những điều mình thích. Tôi thích đạp xe và cũng thích bơi. Tôi thích chăm sóc con, thích nấu ăn cho con và đặc biệt là cùng con tập thể dục, chạy bộ khi có dịp. Sau khi đi làm, tập luyện chạy bộ thì tôi muốn dành thời gian để bù đắp tình cảm cho con trai.

Từ khi trở thành một người nổi tiếng trong giới chạy bộ, cuộc sống nói chung của Hậu có gì thay đổi?

Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ, quyết đoán hơn, và đặc biệt là đẹp lên vì cơ thể săn chắc hơn. Bên cạnh đó, mình cũng cảm thấy cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Đó là về mặt tinh thần.

Còn về mặt vật chất, thu nhập của tôi nằm ở mức bình thường, nhưng thua xa so với ngày trước, khi chưa có dịch bệnh. Trước kia, tôi làm toàn thời gian về bán tour du lịch, cho thuê xe máy… Ngày nào tôi cũng phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 11 giờ khuya. Nhưng bây giờ, tôi phải cân bằng để dành thời gian cho việc tập luyện nữa. Có những ngày, tôi chạy đến 8-9 giờ sáng, xong về nhà phải nghỉ ngơi một lát rồi mới làm việc nên về thu nhập không thể so với lúc trước được.

Khi thu nhập bị sút giảm như thế, Hậu trang trải cho cuộc sống như thế nào? Vậy còn tiền thưởng từ các giải chạy thì sao?

Thực ra, tiền thưởng từ các giải chạy chỉ là một phần nhỏ thôi, không thể bằng với công việc mình làm hằng ngày được. Ví dụ, trong một tháng có 5 giải, tôi không thể nào tham gia hết. Nếu chạy nhiều, tôi sẽ dính chấn thương. Dù thu nhập có phần giảm sút nhưng cũng đủ để tôi có thể trang trải cuộc sống.

Cuộc sống của Hậu trước và sau dịch Covid-19 có nhiều sự thay đổi. Vậy, Hậu cảm thấy thích cuộc sống nào hơn, sẽ là sự yên bình, êm ả như trước đây hay sôi nổi như bây giờ?

Thực sự, tôi thích cuộc sống hiện tại hơn, như bây giờ là tốt nhất. Tôi có thể cân bằng cuộc sống, theo đuổi được đam mê của mình. Tôi không bị gò bó bởi bất cứ điều gì và đang hưởng thụ cuộc sống này một cách hạnh phúc nhất có thể. Dịch Covid-19 xảy đến là điều không ai mong muốn. Nhưng có thể nói, từ đó mà tôi đã có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, bộc lộ được tiềm năng của mình.

Sau khi thành công ở nội dung chạy địa hình, Hậu bắt đầu lấn sân sang chạy đường trường, tại sao?

Thực ra tôi chạy địa hình tốt rồi nên tôi muốn thử sức sang nội dung full marathon (42km đường trường) chứ chưa tập luyện gì cả. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu mình tập luyện nghiêm túc cho nội dung marathon này thì thành tích của tôi sẽ không kém. Tôi từng có 3 lần tham gia chạy đường trường (42km) và có thành tích tốt. Tôi về nhì 2 lần và có 1 lần về nhất.

Thú thật, tôi thích tốc độ nên thích chạy đường trường hơn là chạy địa hình. Vì chạy đường trường buộc mình phải kiểm soát tốc độ, đẩy cơ thể lên ngưỡng chịu đựng rất cao. Còn ở nội dung chạy địa hình, từ trước đến giờ, tôi không có đối thủ nên cảm thấy hơi nhàm chán, vì nhìn đằng trước không có ai, đằng sau cũng không một bóng người. Chỉ có cuộc đua 100km vừa rồi (giải VMM ở Sapa, Lào Cai hồi tháng 9.2022) là khiến tôi thấy hứng thú. Khi đối đầu với top 1 của nam là VĐV người Pháp, tôi mới thấy đó là một cuộc đua thật sự. Trong khi đó, ở nội dung chạy đường trường thì mình vừa phải đua tốc độ với đối thủ, vừa duy trì tốc độ đó một cách đều đặn… nên khiến tôi thích thú hơn.

Là một người chuyên chạy địa hình, Hậu gặp khó khăn và thuận lợi gì khi chuyển sang chạy đường trường?

Tôi không tập chuyên cho chạy đường trường nên việc kiểm soát tốc độ chưa tốt. Tuy nhiên, vì tôi được tập luyện hằng ngày trên các ngọn núi ở Sapa nên việc chạy dốc không quá khó. Chính vì vậy, khi chạy đường trường, lúc qua những đoạn dốc thì thế mạnh của tôi sẽ được phát huy, giúp tôi có lợi thế hơn những VĐV khác.

Hậu có nghĩ là mình sẽ tiếp tục chinh phục những cự ly chạy “khủng” hơn?

Từ trước đến nay, cự ly dài nhất tôi chạy là 100km. Vẫn có cự ly dài hơn, nhưng không đồng nghĩa rằng cứ có cự ly dài là tôi sẽ đăng ký tham gia. Tôi đang muốn tích lũy thêm và tập trung vào các cự ly thế mạnh. Khi tham gia một giải nào đó, tôi muốn mình phải đạt kết quả tốt, và đặc biệt là không bị chấn thương, đó mới chính là thành công lớn nhất. Cự ly dài bao nhiêu tôi cũng chạy được, 100km, 200km hay thậm chí là 300km, nhưng vấn đề là sau khi kết thúc cuộc đua, tôi có bị chấn thương hay không, điều đó mới quan trọng.

Mục tiêu của Hậu trong thời gian tới là gì?

Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là trở thành VĐV chạy địa hình số 1 Đông Nam Á. Chính vì vậy, dù rất thích chạy đường trường nhưng hiện tại tôi đang dồn tâm sức để tập luyện chạy địa hình. Đến tháng 12.2022, tôi sẽ chạy ở giải UTMB (Ultra Trail Mont Blanc) ở Thái Lan, một giải chạy địa hình rất lớn và tôi đã lựa chọn cự ly phù hợp cho bản thân là 54km. Sau đó 1 tuần, tôi sẽ chạy chung kết của giải ATM (Asia Trail Master) được tổ chức ở Philippines với cự ly chạy hơn 70km. Chỉ có 5 nam và 5 nữ xuất sắc nhất của Việt Nam được chạy ở giải này. Hiện tại, tôi là top 1 nữ của Việt Nam.

Cảm ơn Hà Thị Hậu và chúc cô sẽ thành công với những cuộc thi của mình và cả trong cuộc sống!

Báo Thanh Niên
27.10.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.