Hà Nội xén đường giảm ùn tắc: Căn cơ hay ‘giật gấu vá vai’?

04/02/2018 16:32 GMT+7

Sau “con đường đẹp nhất Việt Nam” Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội sẽ tiếp tục xén đường vành đai 3 dưới thấp để mở rộng thêm làn đường, nhằm giảm ùn tắc.

UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về việc xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân).
Theo đó, dải phân cách giữa trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Trãi đến nút giao đường Trần Duy Hưng (1,9 km), sẽ được thu hẹp từ 1 - 5 m; đảm bảo bề rộng mặt đường mỗi chiều từ 12 - 20 m; tổng mức đầu tư dự kiến 12,3 tỉ đồng, lấy từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện trong năm 2018.
Trước đó, cuối năm 2017, Hà Nội đã tổ chức xén thảm cỏ dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh để mở rộng đường, chống ùn tắc giao thông. Sở Giao thông vận tải cho biết, việc xén đường Nguyễn Chí Thanh là giai đoạn tiếp theo nhằm khớp nối đồng bộ hạ tầng với tuyến đường Trần Duy Hưng (đã được xén dải phân cách vào năm 2016) và hầm chui Trung Hoà.
Hiện Hà Nội còn tới 37 điểm ùn tắc giao thông như phía bắc cầu Chương Dương, đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; khu vực đường vành đai 3 trên cao xuống nút giao Pháp Vân - Giải Phóng; ngã tư Cầu Giấy (tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội)...
Vẫn là giải pháp tình thế
Anh B.V.Bình (Dương Nội, Nam Từ Liêm) cho biết mình là “nạn nhân” thường xuyên của ùn tắc khi phải di chuyển trên trục đường vành đai 3 từ cơ quan về nhà. Với dải phân cách giữa rất rộng dưới gầm cầu vành đai 3, sẽ có thêm làn đường mỗi chiều cho các phương tiện đi xuống. Nhưng anh Bình cũng khá bi quan khi cho rằng, việc xén dải phân cách đường vành đai 3 chỉ là giải pháp tình thế “giật gấu vá vai”, rất khó giải quyết ùn tắc ngay cho đoạn giao Nguyễn Trãi - Trần Duy Hưng.
Lý do, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc đoạn lên/xuống đường trên cao và đặc biệt là các nút giao với đường nhánh nối từ Vũ Trọng Phụng - Nguỵ Như Kon Tum. Trong khi đó, nút thắt ùn tắc lớn nhất tại khu vực này là nút giao ngã tư Lê Văn Lương - Tố Hữu dù đã có dự án làm hầm chui, nhưng tới nay vẫn chưa xây dựng. Nếu mở thêm làn phía trong mà không có giải pháp phân làn hiệu quả tại các điểm lên xuống đường trên cao, hay điểm giao đường nhánh, thì ùn tắc vẫn sẽ xảy ra.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông, từng đưa ra ý kiến giao thông Hà Nội như một “ma trận” mà để giải quyết cần chiến lược quy hoạch hợp lý. Trong khi đó, tốc độ chậm chạp trong phát triển về hạ tầng, đường sá đang tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hoá, đặc biệt là khu vực phía tây Hà Nội, ven các trục đường chính.
Theo một chuyên gia giao thông khác, cách đây 3 - 4 năm, vành đai 3 vẫn được xem là tuyến đường vùng ven vắng bóng xe qua lại. Nhưng hiện nay, đây lại là một trong những tuyến đường ùn tắc kinh hoàng, lý do rất dễ thấy khi trục đường này đang phải gánh hàng chục khu chung cư cao tầng đã và đang mọc lên rải khắp dọc tuyến từ Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng.
"Thảm cảnh" của đường vành đai 3 cũng là số phận của hàng loạt tuyến đường vừa mở đã ùn tắc như Lê Văn Lương, Tố Hữu và tương lai của nhiều tuyến đường khác tại Hà Nội.
"Hà Nội buộc phải xén phân cách để tạo thêm làn, nếu không thì ùn tắc ở tuyến vành đai 3 không thể cứu vãn nổi trong 1-2 năm tới", chuyên gia này nhìn nhận.  
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở thêm làn đường cũng như hàng loạt biện pháp cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ... mà Hà Nội đang áp dụng có thể giảm nhiệt ùn tắc cục bộ, nhưng rất khó giải toả ùn tắc một cách căn cơ. Một khi hạ tầng và giao thông vẫn đi lệch pha, thì giao thông vẫn chỉ chạy sau chữa cháy với các giải pháp tình thế, chỉ giảm được ùn tắc cục bộ trong giai đoạn ngắn hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.