Hà Nội: Vạ vật ra phường xếp hàng test để được ‘công nhận’ F0

Mai Hà
Mai Hà
25/02/2022 08:56 GMT+7

Nhắn tin cho số zalo của y tế P.Mai Động (Q.Hoàng Mai) không nhận được phản hồi, nhiều F0 tại đây dù người mệt lả vẫn phải ra phường xếp hàng đợi test để nhận được giấy chứng nhận F0 cho các thủ tục liên quan.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Thái Bảo (P.Mai Động) cho biết, sau khi test tại nhà 2 vạch dương tính, anh đã chụp ảnh gửi qua số zalo của trạm y tế phường sáng 24.2. Nhưng đợi mãi không có phản hồi, số điện thoại của trạm trưởng và trạm phó y tế gọi liên tục không được, chiều cùng ngày anh đành phải ra phường xếp hàng đợi test.

F0 ra xếp hàng chờ test tại P.Mai Động để được... công nhận là F0

Bảo phạm

“F0 mệt đứng không vững cũng phải xếp hàng nộp phiếu chờ mua kit test, dù chúng tôi đã test nhanh 2 vạch ở nhà. Phường không công nhận kết quả người dân tự test, trong khi các thủ tục nộp cho cơ quan hay bảo hiểm xã hội đều yêu cầu phải có chứng nhận, nên chúng tôi buộc phải ra phường. Nhưng F0, F1 đứng lẫn nhau nguy cơ lây chéo rất cao”, anh Bảo cho hay.

Bài chia sẻ của anh trên một diễn đàn mạng xã hội đã nhận được hàng trăm lượt phản hồi của những F0 cùng cảnh tại Hà Nội.

Chị L.P cho biết, P.Tương Mai (Q.Hoàng Mai) cũng tương tự, người dân dù test ở nhà 2 vạch nhưng phường vẫn yêu cầu phải mang bộ kit test ra test lại mới được công nhận là F0. Đến nay sau 15 ngày dù chị đã khỏi Covid-19, ra phường test lại âm tính nhưng vẫn chưa được trả lại quyết định khỏi bệnh.

Ngày 25.2: Cả nước 78.795 ca Covid-19, 15.835 ca khỏi | Hà Nội 9.836 ca | TP.HCM 2.206 ca

Đáng nói, nhiều phường khác tại Hà Nội đã cho người dân được tự test tại nhà, nếu dương tính gọi điện báo cho y tế phường, sau đó sẽ được theo dõi và thông báo qua Zalo của y tế phường.

Tại P.Phúc La (Q.Hà Đông), trạm y tế phường thông báo tới các tổ dân phố trên địa bàn cho biết, để khẳng định mắc Covid-19, người bị mắc là người có 2 lần làm test nhanh dương tính trong 8 giờ, hoặc xét nghiệm PCR dương tính. Khi mắc Covid-19, người dân cần chụp lại kết quả xét nghiệm, kê khai họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, người tiếp xúc gần gửi cho cán bộ y tế phụ trách tổ dân phố.

Nhiều phường khác như P.Việt Hưng (Q.Long Biên), P.Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm), P.Trung Văn (Q.Nam Từ Liêm)... cũng hướng dẫn cho người dân tự quay lại quá trình test Covid-19, gửi cho y tế phường qua số Zalo để làm các thủ tục công nhận F0, hoặc test ơ bất kỳ cơ sở y tế nào có chứng nhận gửi qua Zalo, không bắt buộc phải đến trạm y tế.

Người lớn, trẻ con xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm tại P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai)

đậu tiến đạt

Dù vậy, khi trả lời câu hỏi của Thanh Niên vì sao F0 vẫn phải ra phường xếp hàng đợi test để được công nhận là F0, mà không được gửi thông tin qua Zalo như một số địa bàn khác, ông Trần Văn Vịnh, Chủ tịch UBND P.Mai Động, hỏi lại: “Phường nào áp dụng?”.

“Chiều nay quận mới áp dụng quy định cho phép áp dụng gửi hình ảnh qua trạm y tế. Cái này là quy định của ngành y tế, đề nghị gọi cho trạm trưởng y tế”, ông Vịnh nói.

Trên thực tế, số F0 quá đông, nhiều cán bộ trạm y tế cũng dương tính khiến lực lượng y tế quá tải trầm trọng. Đơn cử tại P.Mai Động, dù số ca mắc mới mỗi ngày ghi nhận hơn 100 ca, song chỉ còn 4 nhân viên y tế làm việc, một số người khác đã mắc Covid-19.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia y tế, việc yêu cầu F0 phải ra phường xếp hàng đợi test lại để được công nhận là F0 rất phản khoa học, do nguy cơ lây nhiễm cao cho những người xung quanh. "Người dân hoàn toàn có thể tự test tại nhà, quay lại video hoặc ra cơ sở y tế khác test có dấu để được công nhận, gửi lại qua Zalo hoặc các kênh thông tin của phường để được công nhận. Không nên áp dụng cứng nhắc các quy định", chuyên gia này chia sẻ.

Đáng chú ý, trong công điện hoả tốc chiều qua 24.2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 của ngành y tế.

Đồng thời, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức tiếp cận; thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư đảm bảo người dân được nhận được tư vấn nhanh nhất từ cán bộ y tế và lực lượng hỗ trợ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.