Hà Nội: Thành ủy viên phải gương mẫu, không để vợ con lợi dụng làm trái quy định

27/06/2023 18:34 GMT+7

Theo quy chế làm việc, các thành ủy viên Thành ủy Hà Nội phải có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh; không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những việc trái quy định, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và cá nhân…

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (gọi tắt là BCH), Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cán bộ Hà Nội phải gương mẫu, không để vợ con lợi dụng làm trái quy định - Ảnh 1.

Trụ sở Thành ủy Hà Nội

NGUYỄN TRƯỜNG

Nội dung quy chế thể hiện, BCH quyết định những vấn đề chiến lược, các chủ trương, biện pháp quan trọng trong các lĩnh vực công tác của thành phố nhằm cụ thể hóa và thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố…

BCH căn cứ các văn bản hướng dẫn của T.Ư, chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường Đảng bộ thành phố theo quy định của Điều lệ Đảng; chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình đại hội, đề án nhân sự BCH khóa sau…

BCH cũng định hướng và chỉ đạo Ban chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Thường trực Thành ủy Hà Nội có 8 nội dung thuộc thẩm quyền. Trong đó, về tổ chức, cán bộ, Thường trực Thành ủy Hà Nội quyết định thẩm tra những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý khi có vấn đề phải xem xét về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Bộ Chính trị và một số vấn đề quan trọng khác về cán bộ (bằng cấp, học hàm, học vị, độ tuổi, tài sản, thu nhập…) để đưa ra Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, kết luận.

Đối với thành ủy viên, quy chế nêu rõ, phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn sự thống nhất ý chí, hành động và đoàn kết trong Đảng; không nói trái, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của T.Ư và Thành ủy Hà Nội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng.

Các thành ủy viên phải có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh; xây dựng gia đình văn hóa; không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những việc trái quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và cá nhân. Sinh hoạt Đảng hai chiều theo quy định của T.Ư; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân.

Đối với chức danh Bí thư Thành ủy Hà Nội, quy chế nêu, Bí thư Thành ủy là người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, chịu trách nhiệm cao nhất trước BCH, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy; cùng BCH, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thủ đô về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực của thành phố và chịu trách nhiệm trực tiếp về những công việc được phân công…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.