Hà Nội tắc đường trầm trọng: Vì mưa hay do 'ai cũng điền vào chỗ trống’?

Mai Hà
Mai Hà
24/05/2022 12:31 GMT+7

Tắc cứng mọi nẻo đường trong cơn mưa như trút vào giờ cao điểm sáng hôm qua 23.5 và sáng nay, nhiều người dân Hà Nội phải vật lộn hàng tiếng đồng hồ để đưa con đi học hay đi làm.

Ùn tắc kéo dài khiến sáng nay nhiều xe ô tô và hàng trăm xe máy thậm chí còn tràn cả sang bên làn ngược chiều lối lên cầu Vĩnh Tuy, khiến dòng xe cộ hướng ngược lại “chết cứng” vì không di chuyển được.

Anh Hiếu (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mất tới 30 phút sáng nay mới thoát được bùng binh chỉ vài trăm mét phía trước khu đô thị Times City. Lý do dù làn đường phía trước khu đô thị rất rộng, nhưng tất cả ô tô đều dàn hàng ngang, chỗ nào trống còn lại đều được “điền” luôn xe máy.

Nhiều xe ô tô và hàng trăm xe máy đi ngược chiều trên lối lên cầu Vĩnh Tuy sáng nay 24.5

otofun

Bức xúc vì tắc đường do ô tô đi lấn làn, một tài khoản trên mạng xã hội Otofun mắng ý thức người đi ô tô vì “trời mưa to, có 4 làn xe thì chiếm hết cả 4”. Chia sẻ này đã nhận được hàng nghìn bình luận tranh cãi trái chiều. Đa số đồng tình và chia sẻ trải nghiệm tiêu cực khi chứng kiến nhiều lái xe ô tô cố tình lách xe lên bịt luôn làn xe máy.

Một tài khoản cho biết giờ tan tầm đoạn lên cầu Chương Dương đi hết chiều rộng chỉ được khoảng 3 ô tô, nhưng xe ô tô kiểu gì cũng đan so le đến 4 xe. Thậm chí xe máy đi sát lề còn bị ô tô tạt đầu, xuống xe thì bị chê “kiến thức luật xe máy không bằng một góc của ô tô. Có tiền mua ô tô nhưng nhận thức và văn hoá lùn”.

Dù vậy, nhiều tài xế ô tô lại chia sẻ, dù đã đi đúng làn đường dành cho ô tô, nhưng “xe máy hở tí là điền vào chỗ trống ngay, rồi nhảy sang làn ngược chiều gây tắc cứng cả 2 làn”.

Tắc đường Hà Nội do nhiều nguyên nhân

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tắc đường trầm trọng trong giờ cao điểm hôm qua và hôm nay tại Hà Nội do mưa lớn, khiến lượng người sử dụng ô tô tăng cao hơn so với bình thường để đưa con đi học hay đi làm. “Lượng xe ô tô quá cao tập trung vào khung giờ ngắn khiến ùn tắc trầm trọng hơn, đây là nguyên nhân chính gây tắc đường”, ông Quyền nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, không chỉ mưa to mới gây ùn tắc, cảnh tắc đường giờ cao điểm mỗi sáng hay chiều tan tầm tại Hà Nội còn do nhiều nguyên nhân. Ngoài hạ tầng đường xá không đáp ứng được với lượng phương tiện tăng cao, còn do ý thức của người tham gia giao thông kiểu “điền vào chỗ trống”, không chỉ ô tô mà ngay cả xe máy.

“Ý thức tham gia giao thông còn hạn chế vẫn là hiện trạng lâu nay, không nhường nhịn hoặc đi đúng làn, nhiều người cứ có khoảng trống là đi vào không kể là làn ô tô hay xe máy. Thậm chí đi ngược chiều gây ra ùn tắc trầm trọng hơn”, ông Quyền nói.

Ùn tắc kéo dài xảy ra trên đường Nguyễn Trãi sáng 23.5

trần cường

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, để giải bài toán giao thông của Hà Nội hay TP.HCM cần có một giải pháp tổng thể, thay vì đưa ra những giải pháp mang tính tình thế lúc hạn chế xe máy, lúc hạn chế ô tô.

“Bài toán tổng thể phải bao gồm cả phát triển hạ tầng, bãi đỗ xe, phát triển phương tiện vận tải công cộng, giúp tăng khả năng đi bộ trong phạm vi đường ngắn từ 300 - 500 m. Không có bài toán tổng thể, không có nhạc trưởng mang tính chỉ đạo dài hạn thì các giải pháp triển khai sẽ khó khả thi. Ví dụ hạn chế ô tô thì phải có những điểm gửi xe để di chuyển từ ô tô sang vận tải công cộng phải có, hay hạn chế xe máy thì phải có phương tiện thay thế. Các giải pháp vì thế tới nay chưa có tính thuyết phục, vận tải công cộng chưa phát tiển đến ngưỡng có thể hạn chế xe cá nhân”, ông Quyền nói.

Hà Nội sẽ xử lý nhiều điểm nóng ùn tắc

Trong quý 2/2022, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục lên phương án xử lý thêm nhiều điểm nóng ùn tắc, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Cụ thể, tại đường Khương Đình đoạn từ Nguyễn Trãi đến Thượng Đình (Thanh Xuân) có chiều rộng chỉ 5,5 - 6 m, hai bên hầu hết không có hè, lề đường thường xuyên xảy ra ùn ứ. Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban Duy tu bổ sung biển cấm dừng, cấm đỗ đầu đường Khương Đình giao với đường Nguyễn Trãi.

Tại nút giao thông Ngã Tư Sở thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm, Sở GTVT Hà Nội giao Ban Duy tu thực hiện kiểm đếm phương tiện trước khi có biện pháp xử lý cụ thể.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tổ chức lại giao thông khu vực phía dưới cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ vốn thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm; Tập trung xóa điểm nóng ùn tắc lại lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Bạch Mai - Trương Định; Đại La - Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã tư Vọng - Giải Phóng; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; khu vực nút giao QL5 - đường vào Nhà máy sữa Vinamilk...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.