Hà Nội sẽ cấm xe máy sau 2025 thế nào?

Mai Hà
Mai Hà
08/12/2021 18:23 GMT+7

Giai đoạn 2026 - 2030, đơn vị tư vấn đề xuất vùng hạn chế xe máy của Hà Nội từ vành đai 3 kết hợp với QL5 kéo dài, trong phạm vi 5 quận trung tâm gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Tây Hồ.

Dự thảo đang hoàn thiện

UBND TP.Hà Nội vừa báo cáo HĐND thành phố tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với dự kiến trước đây.

Tính đến tháng 12.2020, Hà Nội đã có 7,1 triệu phương tiện, trong đó có 6,1 triệu xe máy, 167.000 xe máy điện và 869.000 ô tô

ngọc thắng

Dự thảo đề án phân vùng hạn chế xe máy đang được Sở GTVT Hà Nội xây dựng, với đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải. Dự thảo này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chia làm 2 giai đoạn: 2026 - 2030 và sau 2030.

Theo đó, tư vấn đề xuất vùng hạn chế xe máy giai đoạn 2026 - 2030 từ vành đai 3 kết hợp với QL5 kéo dài. Phạm vi gồm 5 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ và một phần các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên và huyện Gia Lâm (diện tích khoảng 145 km2, chiếm 4,4% diện tích thành phố).

Khu vực thí điểm được giới hạn bởi vành đai 3 cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Nguyễn Xiển - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Hoàng Sa - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh (QL5 kéo dài) - nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - cầu Thanh Trì có chiều dài khoảng 50 km.

Theo dự thảo đang được xây dựng, để cấm xe máy ở các quận trung tâm, Hà Nội sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông gồm các vành đai, trục chính đô thị với chiều dài khoảng 142 km, chuyển đổi mục đích sử dụng của 4 bến xe thành bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt để người dân gửi xe cá nhân; đầu tư 4 bến xe mới và 2 điểm trung chuyển xe buýt.

Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố có 2 tuyến đường sắt đô thị là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội; phát triển thêm 4.000 xe buýt và khoảng 7.300 xe taxi, xe hợp đồng.

Phương tiện công cộng giai đoạn này dự kiến đảm nhận trên 30% nhu cầu đi lại của người dân; năng lực vận tải có thể đáp ứng trên 75% số chuyến đi trong khu vực dự kiến phân vùng hạn chế xe máy.

Giai đoạn sau năm 2030, trên cơ sở rút kinh nghiệm, thành phố sẽ dần mở rộng phạm vi hạn chế hoạt động xe máy từ vành đai 4 kết hợp với các tuyến trục chính; phạm vi cụ thể gồm toàn bộ 12 quận hiện hữu và các huyện dự kiến lên quận với diện tích khoảng 650 km2 (chiếm 20% diện tích toàn thành phố).

Để làm được điều này, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các bến xe, bãi đỗ xe tĩnh, đồng thời đưa vào hoạt động thêm hai tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Yên Sở, Hoàng Mai; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; tăng số xe buýt lên 6.700 chiếc, xe taxi, xe hợp đồng lên 78.000 - 108.000 chiếc. Thành phố cũng sẽ bố trí phương tiện vận tải hỗ trợ khác như xe đạp công cộng với 10.000 chiếc, 15 - 20 tuyến xe buýt nhỏ.

Đơn vị tư vấn ước tính, phương tiện công cộng giai đoạn sau năm 2030 sẽ đảm nhận khoảng 45 - 50% nhu cầu đi lại của người dân, năng lực vận tải có thể đáp ứng trên 80% số chuyến đi trong khu vực hạn chế xe máy; 80% người dân khu trung tâm tiếp cận được xe buýt trong phạm vi 500 m.

Người dân đi lại ra sao?

Khi vào khu vực hạn chế, người dân gửi phương tiện cá nhân tại các bãi đỗ xe trung chuyển, chuyển sang sử dụng các loại hình vận tải khác. Người dân ở bên trong khu vực hạn chế (các quận) sử dụng giao thông công cộng và xe cá nhân, như ô tô con, xe đạp... Người dân ở trong các đường ngõ nhỏ sẽ đi mini buýt, xe đạp công cộng và đi bộ.

Thành phố sẽ cải tạo vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ tiếp cận hệ thống giao thông công cộng; mở rộng không gian đi bộ tại một số khu vực gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; bố trí làn xe đạp trên các trục giao thông chính.

Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ thu mua xe máy cũ, loại bỏ xe máy không đạt chuẩn về môi trường. Các loại xe máy được phép hoạt động ngoài giờ phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Xe máy chở hàng, chở người ứng dụng công nghệ được hoạt động trong khu vực hạn chế.

Theo tính toán sơ bộ, thành phố cần đầu tư khoảng 334.670 tỉ đồng từ ngân sách và nguồn đầu tư xã hội hóa cho kế hoạch hạn chế xe máy, chủ yếu để đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông công cộng.

Dự kiến, chủ trương này sẽ tác động khoảng 3,5 đến 6,5 triệu người dân đô thị theo từng thời kỳ, khiến họ thay đổi thói quen đi lại, sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chủ trương cấm xe máy liên quan nhiều đến người dân hơn là kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô nên phải cân nhắc kỹ lưỡng. Lý do, khoảng 70% người dân hiện nay di chuyển chính bằng xe máy.

Chuyên gia này cho rằng, Hà Nội cần có giải pháp để người dân lựa chọn chuyển đổi phương tiện, chứ không phải chỉ nêu chủ trương cấm xe máy. Ngoài ra, Hà Nội cần đa dạng phương tiện công cộng loại nhỏ như xe buýt 9, 12, 15 chỗ phù hợp với các tuyến phố chật hẹp. Khuyến khích việc sử dụng xe đạp, đi bộ ở cự ly ngắn, song song với việc thành phố phải bố trí làn đường riêng cho người đi xe đạp, giữ vỉa hè cho người đi bộ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.