Hà Nội, niềm tin và khát vọng của dân tộc Việt Nam

18/12/2020 18:18 GMT+7

“Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

1. Từ Tây nguyên xa xôi mỗi ngày tôi đều được nghe câu nói đầy tự hào đó, và hình dung rằng Hà Nội ở đâu đó thật xa, rồi mơ ước một ngày nào đó sẽ được về thăm Hà Nội.
Năm 1996 mơ ước đó đã trở thành hiện thực, tôi được đơn vị cử ra Hà Nội tham gia một khóa huấn luyện. Vì là lần đầu tiên được đặt chân đến Hà Nội, tôi rất háo hức và tranh thủ dạo xem 36 phố phường. Đơn giản chỉ vài ba con phố, vậy mà chẳng hiểu sao tôi cứ loanh quanh mãi, đường sá nào là ngõ rồi ngách, hàng quán chằng chịt như mê cung. Khu phố cổ có những ngôi nhà cũ kỹ, xen lẫn là những di tích lịch sử. Nơi đây không ồn ào náo nhiệt như Sài Gòn thành phố tôi đang sinh sống, cũng không phải vẻ tẻ nhạt đơn điệu như phố núi cao nguyên quê tôi. Có một cái gì đó vô hình mơ hồ lắm, mà tôi một chàng trai với tuổi đời lẫn kinh nghiệm non trẻ chẳng thể nào lý giải được.
Mỗi thành phố có một cuộc sống, một tâm hồn riêng và Hà Nội cũng thế, phải đi, phải ở và phải cảm mới thấy được hết nét văn hóa rất riêng cũng như con người nơi đây. Một nhịp sống cứ nhè nhẹ dung dị trôi, cứ bình thản như vậy nhưng đó lại chính là nét riêng của đất kinh kỳ. Khi biết tôi từ trong Nam ra, những lời hỏi thăm trò chuyện của bác bán chè xanh quán cóc lề đường, tôi thấy giống hệt hình ảnh bác Phấn người Bắc hàng xóm nhà tôi thuở ấu thơ.
2. Ngày đó những năm cuối của thập niên 70, cả nước còn trong thời kỳ bao cấp, bị cấm vận với bộn bề khó khăn. Việc cậu bé lên sáu, lên bảy như tôi mỗi khi được ăn tô bún riêu, với từng mảng gạch cua lớn màu nâu hồng đóng chắc, nổi bật trên màu trắng của bún và màu xanh cuộn tròn xoăn tít của rau muống chẻ, những miếng tóp mỡ béo ngậy thì cứ mà xì xụp, thậm chí bưng cả hai tay mà húp, như muốn trút bằng hết những giọt nước cuối cùng thơm ngon, thanh ngọt vị cua là điều chẳng có gì lạ. Ấy vậy mà bác bảo đó là điều cấm kỵ, không được làm.
Bác bảo việc ăn uống phải chỉn chu từ tốn, phải tập luyện hàng ngày ngay từ nhỏ, và được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Dần dần trở thành một trong những nét truyền thống văn minh văn hiến ngàn năm của người đất kinh kỳ Tràng An, Hà Nội là quê hương của bác. Nét khắc họa đẹp đẽ từ lời ăn tiếng nói, ứng xử cho đến cách trò chuyện với nhau văn minh, văn hóa: lịch thiệp nhẹ nhàng, lễ phép kính nhường… Những điều đó được bác thể hiện qua câu thành ngữ tiền nhân để lại “Ăn bớt bát, nói bớt nhời”, hàng ngày trong tình làng nghĩa xóm, tình vợ nghĩa chồng, gia đình bao dung đùm bọc của người Hà Nội…
3. Ngắm cây cầu Long Biên duyên dáng bắc qua sông Hồng, cũng như diện mạo rất riêng của Hà Nội là những công trình kiến trúc và nghệ thuật do người Pháp quy hoạch xây dựng: những công sở, dinh thự, nhà hát Lớn… Người Pháp muốn thiết lập trung tâm chính trị văn hóa toàn Đông Dương thuộc Pháp lâu dài tại đây. Nhưng họ đã thất bại trong trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Dạo bước bờ hồ Hoàn Kiếm với tháp rùa ẩn hiện mặt nước lung linh, hình ảnh Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trả lại gươm thần… Nhìn quanh Hà Nội chỗ nào tôi cũng thấy một điều gì đó ẩn chứa những thông điệp thời gian sự kiện biểu trưng của dân tộc Việt Nam từ Văn Miếu đến đền Ngọc Sơn, từ chùa Một Cột đến Thăng Long tứ trấn,…
Cứ mỗi lần trở lại thăm, tôi cảm nhận Hà Nội đang lớn rộng từng ngày nên không khỏi ngỡ ngàng. Bốn bề các khu đô thị mới mọc lên, qua sông Hồng không chỉ có cầu Long Biên duyên dáng trăm năm tuổi mà có thêm những cây cầu hiện đại, những tòa cao ốc cao vút nhiều hơn. Vùng ngoại ô ngày nào giờ là quận nội thành đường phố thênh thang, người phố ngày càng trẻ hơn đẹp hơn, nhộn nhịp hơn. Đứng giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Lăng Bác nhìn sang tòa nhà Quốc hội, biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, chuộng hòa bình với lối kiến trúc mang đậm chất truyền thống văn hóa Việt. Tôi đã nhận ra thế đất “địa linh nhân kiệt”, đó là tinh thần “Hội nghị Diên Hồng”, hào khí Đông A của con dân nước Việt, một sức mạnh của truyền thống. Đó chính là mạch ngầm xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.