Hà Nội không vội... không được

05/06/2016 05:21 GMT+7

Đánh giá cao những chuyển biến mạnh mẽ của Hà Nội thời gian gần đây, đặc biệt việc Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức hội nghị lớn về doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu thành phố xóa bỏ những rào cản đang làm trì trệ sự phát triển.

Tại hội nghị “Hà Nội 2016: Hợp tác đầu tư và phát triển” sáng qua 4.6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp (DN), doanh nhân, nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm đến tiềm năng, lợi thế của Hà Nội”, và chia sẻ, ngay tại hội nghị đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn đăng ký vào 52 dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của TP với tổng vốn khoảng 300.000 tỉ đồng.
“Hà Nội phải vội”
Trước sức ép của hội nhập, sức ép của tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách trong nước, với vai trò của thủ đô, với vai trò một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo thành phố phải quyết liệt hành động, chấm dứt tư duy "Hà Nội không vội được đâu" trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chia sẻ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cho Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng điểm mà DN còn gặp nhiều phiền hà như thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai.
Riêng với lĩnh vực đất đai, 49% số DN có thủ tục liên quan cho biết gặp nhiều khó khăn. Hà Nội cũng phải giải quyết nhiều vấn đề như chi trả chi phí không chính thức (44%), cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%)…
Ông Lộc cũng khuyến nghị cần tăng cường thông tin về hội nhập với các DN, bởi theo điều tra của VCCI, tỷ lệ các DN của Hà Nội biết sâu về các hiệp định rất thấp (5% DN hiểu về TPP, chỉ 2% hiểu về FTA với EU, Hàn Quốc…).
“Tỷ lệ này không chấp nhận được với một TP lớn như Hà Nội”, ông Lộc nói và cho rằng Hà Nội cũng cần khơi thông việc tiếp cận vốn với DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Theo điều tra của VCCI, chỉ có 37% DN Hà Nội tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân chung cả nước (53%).
Theo ông Đỗ Quang Hiệp, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, TP cần rà soát, chỉnh sửa toàn bộ quy trình phòng ban các sở ban ngành, tạo điều kiện cho DN nắm được quy trình và tiến độ hồ sơ.
Phòng đăng ký kinh doanh hiện nay của Hà Nội đang quá tải, DN phải xếp hàng lấy số, hồ sơ quá nhiều. Sở KH-ĐT phải giải quyết khoảng 120.000 hồ sơ trong một ngày với 3 phòng làm việc.
Đề nghị mở rộng thêm phòng đăng ký kinh doanh, hướng tới đăng ký qua mạng giảm thiểu áp lực cho DN. “Thường nói Hà Nội không vội được đâu, đến nay phải chuyển thành “Hà Nội phải vội” để tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Hiệp nói.
Gỡ bỏ rào cản trì trệ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển, xây dựng thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để phát huy, cần gỡ bỏ được các rào cản làm trì trệ hay thậm chí chệch hướng sự phát triển của thủ đô.
Cụ thể là môi trường đầu tư kém thông thoáng, đặc biệt là các rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường và khả năng tiếp cận đất đai; bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, kém hiệu quả mà tổng thể đã được dân gian khái quát thành câu thành ngữ hiện đại nổi tiếng "Hà Nội không vội được đâu".
"Trước sức ép của hội nhập, sức ép của tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách trong nước, với vai trò của thủ đô, với vai trò một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo TP phải quyết liệt hành động, chấm dứt tư duy "Hà Nội không vội được đâu" trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố”, Thủ tướng nhấn mạnh và cũng cho rằng mấy tháng qua đã ghi nhận sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho một giai đoạn mới, Hà Nội sẽ có sự chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng xứng đáng với niềm tin của cộng đồng DN.
Để phát triển mạnh mẽ, đúng hướng hơn, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Muốn như vậy, chính quyền TP phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình DN khởi nghiệp, DN sáng tạo nhanh chóng phát triển ở Hà Nội, thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính trong nước.
Trong xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ DN và người dân, cũng như để lãnh đạo TP có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời.
Đặc biệt, cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn, thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và DN ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn. Có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
"Tôi xin nhắc lại, xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài", Thủ tướng lưu ý và khẳng định, nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, Hà Nội là một trong những TP đẹp nhất của cả nước, nhưng vẻ đẹp đó đang dần dần mất đi trong quá trình đô thị hóa ồ ạt. Nếu không có giải pháp thỏa đáng, Hà Nội sẽ trở thành một TP tắc nghẽn, ô nhiễm, như một số TP trong khu vực Đông Nam Á.
Hà Nội cần “bẻ ghi” để TP không trượt đi trên con đường này. Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của DN, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan.
Tại hội nghị, UBND TP.Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư cho 23 dự án.
Tổng vốn đầu tư khoảng 36.900 tỉ đồng, tương đương gần 1,7 tỉ USD. Trong đó, có 7 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 700 triệu USD) và 16 dự án vốn đầu tư trong nước - tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD.
Các dự án này thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.