Hà Nội có nhìn thẳng vào việc xử lý Sóc Sơn ?

Vũ Hân
Vũ Hân
26/03/2019 07:22 GMT+7

Vấn đề Sóc Sơn trở nên nóng bỏng trở lại vào tháng 10.2018, đúng thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội. Nhưng cả kỳ họp đó cũng không ai nói đến Sóc Sơn.

Trong lúc việc xử lý những sai phạm liên quan đến lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận với nhiều câu hỏi chưa được trả lời, sáng 25.3 Thường trực HĐND TP.Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng, trong đó có chủ đề vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp.
[VIDEO] Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “băm nát” bởi biệt thự của giới nhà giàu
Lý do vấn đề này được chọn để giải trình là bởi “đây là vấn đề được Thành ủy, HĐND, UBND TP đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Đây cũng là nội dung được HĐND quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 HĐND TP khóa 15”, và TP xác định đây là “nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng”, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Mờ nhạt "điểm nóng" Sóc Sơn

Để tồn tại tình trạng này có biểu hiện cán bộ cơ sở bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm khiến nhiều công trình đã vi phạm với quy mô rất lớn rồi mới được phát hiện, gây ra nhiều bức xúc cho cử tri
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
Phiên giải trình có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Chủ tịch và các Phó chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo nhiều sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện; 25 chủ tịch xã, phường; 30 đội trưởng quản lý trật tự xây dựng… với tinh thần “trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn” (lời Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc).
Thế nhưng, suốt nửa đầu của phiên giải trình, các đại biểu (bao gồm cả đại biểu H.Sóc Sơn) xoay quanh chất vấn về “công trình 3B Thanh Nhàn được cấp phép 4 tầng nay đã xây tầng 5 mà chưa bị phá dỡ”, “hộ ông Nguyễn Văn Son ở 107 Thanh Nhàn” vi phạm với diện tích không lớn (theo Phó chủ tịch UBND P.Quỳnh Lôi, Q.Hai Bà Trưng), “công trình 225 Nguyễn Xiển”… với 3 cấp thẩm quyền đứng lên giải trình: từ chủ tịch xã/phường, đội trưởng đội trật tự xây dựng, đến chủ tịch UBND quận.
Nửa phiên sau, chỉ duy nhất câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Q.Cầu Giấy) có đề cập mờ nhạt đến vi phạm tại xã Phú Minh (H.Sóc Sơn) và xã Đông La, Đức Thượng (H.Hoài Đức)... Người trả lời câu hỏi này là lãnh đạo H.Hoài Đức, và tất nhiên vị này sẽ không nói gì đến chuyện ở H.Sóc Sơn.
Phiên giải trình bắt đầu từ 8 giờ sáng, kết thúc sớm hơn giờ dự định vì không còn câu hỏi nào, khiến Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết bà phải kết luận dài ra để các đại biểu chỉ nghỉ sớm trước… 15 phút. Tuy nhiên, đến cuối phiên, vẫn còn 2 nội dung chưa được nói đến, là vi phạm trên đất nông nghiệp và nhà “siêu mỏng, siêu méo” với lý do... không có thời gian.
Cũng cần nhắc lại rằng, vấn đề Sóc Sơn trở nên nóng bỏng trở lại vào tháng 10.2018, đúng thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội. Nhưng cả kỳ họp đó cũng không ai nói đến Sóc Sơn.

Cán bộ cơ sở có biểu hiện bao che, làm ngơ vi phạm

Liên quan đến Sóc Sơn, tại phần giải trình cuối cùng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sau khi có kết luận thanh tra, “UBND TP sẽ có chỉ đạo sớm để UBND H.Sóc Sơn và 9 xã trên địa bàn, Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng vào cuộc để xử lý dứt điểm”.
Mặc dù thừa nhận tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm qua từng năm, nhưng một vấn đề nhức nhối của Hà Nội là vẫn xuất hiện thêm vi phạm mới, dù trong 3 năm liên tiếp HĐND TP đều có chất vấn, giám sát liên quan đến vấn đề này. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chia tồn tại của Hà Nội ra làm 4 nhóm: các công trình vi phạm lâu nhưng chưa được xử lý, thậm chí có công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới ngay trên đó; vi phạm mới phát sinh; vi phạm trên đất nông nghiệp; và các công trình vi phạm tại các khu đô thị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, để tồn tại tình trạng này có biểu hiện cán bộ cơ sở bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm khiến nhiều công trình đã vi phạm với quy mô rất lớn rồi mới được phát hiện, gây ra nhiều bức xúc cho cử tri, dù đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống cơ quan báo chí T.Ư và TP.
Mặc dù thời gian qua đã có những công việc được thực hiện rất nhanh chóng, như chuyển 10 dự án vi phạm sang cơ quan điều tra ngay sau khi có kết luận thanh tra, nhưng sau hơn 3 năm TP cũng mới chỉ khắc phục được hơn 500 công trình, còn suýt soát gần 1.000 công trình tồn tại về trước chưa được xử lý. Không chỉ thế, 3 năm qua, TP “vẫn có công trình vi phạm mới phát sinh, thậm chí có công trình vi phạm nghiêm trọng” mà ông Chung “xác định có trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có trách nhiệm của UBND TP và Chủ tịch UBND TP”. Theo ông Chung, hiện TP vẫn còn hơn 2.200 nội dung được thanh tra các cấp thanh tra trong 10 năm vừa qua phải rà soát xử lý.
Về công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, ông Chung cho biết “TP đã chỉ đạo quyết liệt nhưng diễn biến rất phức tạp”, trong đó có phần “do buông lỏng từ cấp cơ sở và thanh tra, kiểm tra của TP cũng chưa kịp thời”. Trong 3 năm qua, có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch phường, xã của Hà Nội đã bị kỷ luật, cách chức; nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý, trong đó có những trường hợp Công an TP bước đầu phát hiện có dấu hiệu tội phạm liên quan đến làm giả giấy tờ, làm sổ đỏ để hợp pháp hóa sai phạm. “Chúng tôi đã đề nghị Công an TP điều tra làm rõ, xử lý nghiêm và thời gian tới sẽ công bố”, ông Chung nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhìn nhận vấn đề chính là ở trách nhiệm các đội quản lý trật tự xây dựng ở các quận, huyện, thị xã và cho rằng “thực tế vẫn tồn tại 80 công trình vi phạm cũ tại 7 quận, huyện, đến năm 2018 vẫn không nhúc nhích chút nào, rõ ràng trách nhiệm trước hết của các đội quản lý trật tự xây dựng”. Theo bà Ngọc, nếu lực lượng này làm đủ các nhiệm vụ được giao thì “chắc chắn không thể công trình vi phạm nào có thể phát sinh”. “Một gia đình xây nhà nếu chỉ đẩy 1 xe cát vào thì cán bộ quản lý trật tự xây dựng đã biết, nhưng tại sao có những nhà xây to như con voi mà lại không biết? Rõ ràng, các đồng chí làm chưa hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo rồi để đó, không xử lý”, bà Ngọc chỉ ra và nêu rõ: “Mới hơn 2 tháng đầu năm nay đã phát sinh 65 công trình vi phạm chưa xử lý; năm 2018 dù làm rất mạnh nhưng vẫn phát sinh 21 trường hợp "siêu mỏng, siêu méo". Đề nghị kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương; HĐND TP sẽ có chuyên đề riêng để tiếp xúc cử tri và kiểm tra, giám sát lại hoạt động của các đội quản lý trật tự xây dựng ở quận, huyện. Các đồng chí này chưa làm tròn trách nhiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.