Hà Nội có một dòng sông không chảy

31/12/2020 10:43 GMT+7

Tôi cứ thường hay mơ mộng về thời kỳ sông Tô Lịch vẫn còn là một dòng chảy biếc xanh với tấp nập bán buôn trên bến dưới thuyền.

1. Tôi sống ở Hà Nội đã hơn hai mươi năm. Khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để biến một nơi không phải quê hương trở nên gắn bó.
Thật kỳ lạ, thay vì nhắc đến mùa thu bâng khuâng lá đổ mặt đường hay những nẻo phố thâm trầm co mình trong cái lạnh đầu đông, thì Hà Nội lại luôn hiện hữu trong tôi bằng hình ảnh một dòng sông im lìm như chưa từng biết chảy. Nó héo úa và gầy gò nhưng chất chứa trong mình bao nỗi ẩn ức, nuối thương về một thuở xa xưa.
Tôi cứ thường hay mơ mộng về cái ngày xa xưa ấy, khi mà sông Tô Lịch vẫn còn là một dòng chảy biếc xanh với tấp nập bán buôn trên bến dưới thuyền. Một con sông đã đi vào những trang huyền sử mang đầy màu sắc thần bí, tâm linh của mảnh đất Đại La này.
Những đền chùa, những đất làng dọc dải sông Tô như vẫn còn thấp thoáng đâu đây dấu tích của tiền nhân. Người đời sau vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện bi thương của gia đình thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng giấc mộng làm vua xuyên đời đổi kiếp. Rồi chuyện về tiết độ sứ Cao Biền trấn yểm những linh mạch của nước Nam, trong đó có sông Tô.
2. Sông đang chết hay đang quằn quại trong nỗi đau hấp hối. Dòng nước im lìm không một bóng cá tôm, thậm chí không sống nổi một cánh bèo.
Người ta cứ đổ lỗi cho Cao Biền, trong khi vẫn ngày ngày xả thải và ném rác xuống sông. Cái dòng nước đen ngòm hôi thối kia có lẽ nào cũng được sinh ra từ tà thuật?
Nhớ những ngày đầu mới lên Hà Nội, tôi ở trọ trong khu Khương Trung và hằng ngày đi làm tắt qua một con phố nhỏ thông ra đường Nguyễn Trãi. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy người ta có thể ngồi ăn uống ngon lành trong những mái quán tạm bợ ngay sát cạnh cái bờ sông bốc mùi hôi thối ấy. Và niềm ngưỡng vọng về những “người thành phố” văn minh trong tôi trước đó cũng bị mai một ít nhiều. Tất nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ thiển cận của một người trẻ (lúc đó tôi mới 20 tuổi) chứ không thể đánh giá cả cộng đồng chỉ qua một góc nhìn.
Rồi cuộc sống của tôi cũng có mấy lần dời đổi, nhưng chẳng hiểu vì nhân duyên gì, dẫu ở đâu thì con đường tôi qua hàng ngày vẫn cứ dính líu đến sông Tô.
Đầu những năm 2000, thành phố đã thực hiện dự án cải tạo lòng sông, xây cống, kè bờ. Không biết do tai nạn ngẫu nhiên hay do công trình đã động chạm vào chốn linh thiêng mà cũng đã có rất nhiều câu chuyện dị kỳ hư hư thực thực được đồn thổi trong đợt thi công này.
Tuy vậy, dự án vẫn được hoàn thành, bộ mặt sông Tô cũng đã thực sự được đổi thay. Những khu chợ tạm biến mất, những con đường được mở rộng, những ngôi nhà được xây mới, những hàng cây xanh mọc lên... Nhưng dòng nước thì vẫn vậy, lặng im không hề chảy.
3. Một buổi chiều đông, tôi đi đón con ở một trường tiểu học trên đường Nguyễn Khang (con đường nhỏ nằm sát cạnh sông Tô Lịch). Do nhớ nhầm giờ nên tôi đến lúc cổng trường chưa mở, phải đợi ở ngoài. Trời mưa trở rét khiến phố xá buồn thê lương. Ngắm dòng nước màu tối sẫm lăn tăn dưới mưa cũng buồn thê lương như phố, lòng tôi bỗng dâng lên một cảm xúc khó tả. Vừa như mang nỗi đau của tiền nhân vừa như mang nỗi buồn của hậu thế. Nghe thì có vẻ to tát thế nhưng đúng là nỗi nhức nhối vẫn còn nguyên đó. Những cống nước xả thải vẫn đêm ngày đổ ra sông và sông thì không biết đổ về đâu?
Không chỉ có sông Tô, hơn 20 năm sống ở đất này, tôi đã chứng kiến không ít những “lá phổi xanh” bị giết chết dần bởi bàn tay con người. Những hồ nước, ao chuôm bị lấn chiếm, bị biến thành nơi đổ rác thải. Những khoảng trống và vườn cây bị lấp kín dần bằng những khối bê tông... Và tôi không biết những linh hồn hồ ao kênh rạch có còn biết đau nữa không?
Cũng như rất nhiều người con đất Việt đã sống và gắn bó với nơi này, tôi mong muốn một ngày thấy Tô Lịch thực sự được hồi sinh. Và trong mỗi giấc mơ tôi luôn dào dạt sóng sông hồ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.