'Hạ nhiệt' cửa ngõ Tân Sơn Nhất trước cao điểm

13/04/2024 04:47 GMT+7

Ngày mai (14.4), một nhánh cầu vượt tạm tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ chính thức thông xe, "hạ nhiệt" ùn tắc cho khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất ngay trước cao điểm lễ 30.4 - 1.5 và hè 2024.

Chạy đua tiến độ

Gần 2 tháng qua, TP.HCM chìm trong nắng nóng kinh hoàng. Mới 6 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, chói chang. Nhiệt độ ngoài trời nhiều thời điểm lên tới 43 độ C, nhưng bên trong rào chắn thi công công trình hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa), anh em kỹ sư, công nhân vẫn hối hả, cấp tập chạy nước rút hoàn thành càng sớm càng tốt công trình cầu vượt.

Cầu vượt tạm tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ thông xe vào ngày mai

Cầu vượt tạm tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ thông xe vào ngày mai

Nhật Thịnh

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cho biết từ 24.2, nhà thầu thi công đã mở rộng phạm vi rào chắn hiện hữu trên đường Phan Thúc Duyện (bên phía đường Thăng Long) ra đường Trần Quốc Hoàn thêm 13,5 m để thi công hầm chui xuyên qua đường Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình). Quá trình mở rộng rào chắn giai đoạn đầu khiến lòng đường Trần Quốc Hoàn hiện hữu 5 làn xe giảm xuống còn 3 làn xe. Vì thế, các đơn vị đã lắp đặt cầu vượt tạm 5 làn xe trên tuyến để giải tỏa áp lực phương tiện thoát ra từ hướng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Theo dự kiến ban đầu, tới 25.4 nhánh cầu đầu tiên mới hoàn thành, song, thời gian qua, phía nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ, gấp rút để sớm thông xe công trình, ổn định điều tiết giao thông trước cao điểm lễ 30.4 - 1.5.

Đến nay, một cầu tạm phía đường Thăng Long dài 66 m, rộng 14 m, 3 làn xe đã cơ bản hoàn thành. Từ ngày mai (14.4), người dân có thể lưu thông lên cầu vượt tạm này. Lúc này, các phương tiện sẽ lưu thông theo cả nút giao và cầu vượt để giảm áp lực giao thông cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, chủ đầu tư sẽ lắp thêm cầu tạm thứ hai với quy mô 2 làn xe, dài 100 m, rộng 9 m về phía công viên Hoàng Văn Thụ cho xe đi qua, dự kiến hoàn thành vào ngày 25.6. Từ 25.6 - 31.12, nhà thầu sẽ tiến hành thi công hoàn thiện toàn bộ hầm kín với quy mô dài 79 m, rộng từ 5 - 9 m.

Hạng mục hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện là gói thầu số 9 thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, công trình trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ cho khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất, kết nối với nhà ga T3 trong tương lai. Đây là gói thầu quan trọng nhất của tuyến đường xuyên qua khu đất sân bay Tân Sơn Nhất, có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng và là một trong những công trình khiến lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM lo lắng nhiều nhất.

Theo đại diện Sở GTVT TP, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ tổ chức một cổng vào cho hành khách đến và đi nên tình hình giao thông phức tạp. Khu vực bên ngoài sân bay có nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, kho bãi hàng hóa vận chuyển bằng máy bay… càng gia tăng áp lực giao thông lên đường Trường Sơn, nút giao Trường Sơn - đường vào ga Quốc nội - ga Quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện lưu thông quá cảnh qua đường Trường Sơn tránh các "điểm nóng" xung quanh như ngã tư Phú Nhuận, đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa... khiến lượng phương tiện dồn lên tuyến đường này càng tăng cao. Nếu không kịp hoàn thiện tuyến đường kết nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa trong năm nay, trước khi nhà ga T3 đưa vào khai thác thì khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ "khủng hoảng" về giao thông kết nối.

Trước đó, cuối năm 2023, các đơn vị cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình Cải tạo mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long) dài 134 m, mở rộng 14 - 19 m phía bên phải để đồng bộ hạ tầng cho khu vực sân bay. Dự án tuy không lớn, nhưng đặc biệt quan trọng giúp xóa "nút thắt cổ chai" ở vòng xoay Lăng Cha Cả - nút giao kết nối các tuyến Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Phan Thúc Duyện, Trần Quốc Hoàn vốn thường xuyên ùn tắc.

Lên phương án tổ chức lại giao thông toàn khu vực

Mới đây, Sở GTVT TP có công văn đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp, lên phương án nghiên cứu tổ chức, kết nối giao thông tổng thể tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh nhà ga T3, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sắp về đích. Sở đề nghị trước ngày 20.4, Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Tổng Công ty Hàng không VN (ACV) và Cảng hàng không Quốc tế Sơn Nhất cung cấp một số thông tin nhằm phối hợp nghiên cứu phương án tổ chức, kết nối giao thông tổng thể tại khu vực sân bay.

Các đường kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất hiện đều đã quá tải

Các đường kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất hiện đều đã quá tải

Nhật Thịnh

Theo Quy hoạch chung việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ban hành từ năm 2018, Bộ GTVT xác định sẽ sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu và tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (qua các đường Phan Thúc Duyện, 18E, C2 và C12); mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe; mở rộng đường 18E quy mô 4 - 6 làn xe để kết nối với nhà ga T3. 

Cùng với đó, bổ sung cầu vượt đoạn từ đường Phan Thúc Duyện (gần công viên Hoàng Văn Thụ) qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng đá Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm TP đến nhà ga hành khách T3. Đồng thời, sẽ có tuyến đường trên cao từ nhà ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 theo hướng đường Thăng Long ra tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh đi qua công viên Hoàng Văn Thụ xuống đường Hoàng Văn Thụ. 

Song song, bổ sung nút giao thông khác giữa tuyến đường trục nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với đường Cộng Hòa, Trường Chinh. Về đường nội bộ, ở phía nam quy hoạch xây dựng các tuyến đường nội bộ kết nối với trục giao thông bên ngoài và nội bộ khu nhà ga hành khách T3 với quy mô 2 - 6 làn xe. Phía bắc sử dụng 3 đường hiện hữu để kết nối khu dịch vụ hàng không với đường Tân Sơn và đường Quang Trung được nâng cấp, mở rộng theo nhu cầu khai thác.

Tuy nhiên, đến nay gần như mới chỉ có trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa chuẩn bị thành hình. Các dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng đường Thân Nhân Trung… vẫn vướng mặt bằng chưa thể khởi công. Hay dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ) và nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) là 2 dự án được kỳ vọng nhiều nhất, nằm trong nhóm 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã nhiều năm chưa thể triển khai do vướng mặt bằng. Các ý tưởng đường trên cao, đường ngầm, metro kết nối các nhà ga, kết nối từ nhà ga ra mạng lưới giao thông hiện hữu… lại càng xa vời.

Nhiều chuyên gia giao thông đã đề xuất bên cạnh có cơ chế đặc biệt thúc đẩy nhanh các dự án trên, cần tính toán làm thêm các cửa đón khách phía bắc. Có thể làm đường ngầm, đường trên cao...; quan trọng là điều phối giao thông về phía bắc. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai, làm đường kết nối với QL1, đường thoát phía nam, đường cao tốc... để đồng bộ khai thác cùng T3.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết hiện nay ACV đang rà soát, lên phương án kết nối giao thông phù hợp giữa các nhà ga bên trong sân bay, cũng như liên kết với hệ thống giao thông bên ngoài. Sau khi thống nhất phương án khai thác tại T3, ACV sẽ báo cáo Cục Hàng không phê duyệt phương án khai thác tổng thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.