Hạ cánh nơi anh mê hoặc khán giả Việt

Nguyên Vân
Nguyên Vân
13/02/2020 06:37 GMT+7

Cuối tuần này, bộ phim dài tập Hạ cánh nơi anh ( Crash Landing on You, Hàn Quốc sản xuất, đang phát trên Netflix) sẽ kết thúc, và bộ phim vẫn đang “xoáy” người xem Việt Nam “hạ” xuống màn ảnh ngày một nhiều hơn.

Trên hàng chục fanpage dành cho Hạ cánh nơi anh, những bình luận quanh chuyện tình xuyên biên giới khởi đầu từ việc nữ tài phiệt Hàn Quốc Yoon Se-ri (Son Ye-jin thủ vai) đang bay dù lượn bị lốc xoáy cuốn sang khu vực phi quân sự Triều Tiên rồi “đáp” trúng đại úy Ri Jeong-hyuk (Hyun Bin đóng) luôn sôi nổi.
Không khó để thấy hàng nghìn khán giả chẳng ngại công khai độ tuổi vào thả tim, ấn like, chia sẻ cảm xúc đầy say mê về bộ phim, mặc những ý kiến chỉ trích phim “tô hồng hiện thực” hay “lãng mạn quá lố”.

Vượt vùng an toàn làm nên khác biệt

Cùng với chuyện tình vượt biên giới giàu kịch tính giữa chàng sĩ quan CHDCND Triều Tiên và nàng tài phiệt Hàn Quốc, điều khiến công chúng tò mò lẫn kích thích chính là chuyện tình ấy được “khắc họa” trong bối cảnh chưa từng có trên màn ảnh nhỏ: đời sống thường nhật của quân, dân Triều Tiên.
Được biết đến như “quốc gia bí ẩn nhất thế giới”, cuộc sống Triều Tiên, theo từng tập phim, được hé mở đầy ngỡ ngàng không chỉ với công dân Seoul sang chảnh Yoon Se-ri, mà còn với chính khán giả. Sự táo bạo của ê kíp làm phim (đặc biệt là biên kịch Park Ji-eun -người tạo nên thành công của Vì sao đưa anh tới) khi tạo nên sự đối lập giữa hai miền trong thời điểm nhạy cảm về chính trị giữa Triều Tiên - Hàn Quốc giúp Hạ cánh nơi anh trở nên hấp dẫn.

Cây cà chua do Se-ri trồng tặng Jeong-hyuk trước khi về Hàn Quốc, hình ảnh được chia sẻ nhiều trên cộng đồng mạng

Ở quân thôn thuộc Triều Tiên trên phim, internet, điện, điện thoại hay... thịt là những khái niệm xa xỉ. Tủ lạnh chỉ dùng để chứa... sách, gia cầm được nuôi trong nhà, chung cư luôn có một “đồng chí bấm thang máy”, quần áo, tóc tai của phụ nữ đều phải theo quy định/kiểu mẫu, người dân cúi chào trước chân dung nhà lãnh đạo... Trên phim là thế và thực tế cũng không khác xa mấy: internet bị giới hạn, người dân chỉ có thể vào các trang web được cho phép; Chính phủ Triều Tiên quy định về kiểu tóc cho người dân...
Yếu tố hài - lãng mạn được các nhà làm phim kết hợp một cách tài tình. Cảnh quay tưởng chừng châm biếm về sự lạc hậu ở Triều Tiên vừa tung ra đã được “đỡ” ngay bằng câu thoại hóm hỉnh, giải tỏa “hiềm khích” một cách dễ chịu. Thậm chí, ngay trong tình huống tưởng chừng nghiêm trọng khi Yoon Se-ri đối diện cục trưởng tổng cục chính trị - bố của Ri Jeong-hyuk, phim vẫn gây cười bởi tâm tư của cô tài phiệt: “Cháu chỉ là một công dân Seoul thiện lương sống với trăn trở làm sao dùng hết số tiền mình có, không biết mình có chết trước khi tiêu hết đống tiền đó không”.

Chăm chút cảnh quay, tinh tế từng tiểu tiết

Những giá trị cộng hưởng

Bên cạnh lý do “phụ” khiến Hạ cánh nơi anh duy trì độ “hot” như sự “cà khịa” của biên kịch khi “cài cắm” vào phim tình tiết thân mật ngoài đời của cặp diễn viên Hyun Bin - Son Ye-jin…, không khó để nhận ra sợi dây vô hình mà lay động len lỏi suốt phim. Song hành cùng tình yêu của cặp đôi chính, phụ là sự dõi theo của các ông bố, bà mẹ dành cho con mình. Dù là chính trị gia cấp cao hay tài phiệt máu lạnh cỡ nào, họ vẫn là những ông bố, bà mẹ bình thường, tìm mọi cách để bảo bọc cho con. Vì thế mà nước mắt khán giả tự nhiên rơi khi mẹ của Seo Dan (người có hôn ước chính trị với Jeong-hyuk) trong cơn say khuyên con gái mình nghe lời mẹ nhưng cũng đừng nghe quá mà không hạnh phúc, khi bố Jeong-hyuk trăn trở vì con trai mình phải bỏ dở ước mơ học piano để theo đuổi con đường chính trị...
Cùng với Hàn Quốc, phim còn thực hiện ở nhiều điểm quay lãng mạn tại Thụy Sĩ, Mông Cổ. Đó là cảnh Jeong-hyuk chơi piano bên hồ Brienz, bản nhạc tặng anh trai xấu số, cũng là giai điệu vô tình nghe được nhưng khiến Se-ri lạc quan hơn trước cuộc sống cô độc giữa xa hoa của mình. Là chiếc cầu treo Panorama, nơi Jeong-hyuk ngăn được ý định tự tử của Se-ri khi nhờ cô chụp ảnh giúp anh. Là thảo nguyên hoang sơ, nơi đoàn tàu họ đi dừng lại vì mất điện, nơi giúp Se-ri và Jeong-hyuk hiểu nhau hơn khi lần đầu anh thổ lộ những suy nghĩ trước sự bất lực của mình về tương lai...
Mỗi một lựa chọn cho từng khung hình như được “đo đạc” để không thừa thãi. Ngay cả những ngôi nhà trên phim đều “thay lời muốn nói” tâm tư thân chủ. Đối lập với căn nhà giản dị của đại úy hay căn nhà cổ điển mà ấm áp của bố mẹ anh là biệt thự lộng lẫy nhưng lạnh lẽo của Se-ri. Trái ngược với sự tách biệt giữa các tòa nhà sang trọng mà vắng tiếng người của các thành viên gia đình Se-ri là dãy nhà chật hẹp luôn tràn ngập tiếng cười của các gia đình ở quân thôn...
Mọi sự khác biệt trong tính cách của kẻ nam người bắc, sự đối lập tưởng như khó hòa hợp khi người bắc sang nam sống và ngược lại dần được hóa giải khi tình yêu xuất hiện. Và người xem, cứ thế, không thể tách khỏi hành trình tiệm cận của hai con người tưởng chỉ có thể là hai đường thẳng song song...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.