Gương từ người lớn

31/05/2022 04:17 GMT+7

Câu chuyện học sinh một ngôi trường quốc tế tại TP.HCM đánh nhau đến nay đã lan ra khắp cộng đồng mạng xã hội , ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh (HS) vì cách hành xử của người lớn.

Qua câu chuyện này, không chỉ HS mà cả nhà trường, phụ huynh cũng học được bài học về ứng xử.

Nhà trường phải khéo léo, thiện chí, nhanh chóng trong công tác hòa giải và tiếp xúc các bên. Luật Giáo dục ghi rõ nhà trường phải có trách nhiệm “Bảo đảm an toàn cho người dạy và người học”. Khi sự việc xảy ra dù trong hay ngoài nhà trường, mà có liên quan đến HS của mình thì phải giải quyết ngay và nghiêm, xử lý công bằng, kiên quyết. Cần cử các chuyên gia tâm lý chia sẻ, tìm hiểu HS. Đồng thời phải có động thái trấn an, xoa dịu, lắng nghe, đối xử công bằng với phụ huynh hai bên để tìm tiếng nói chung. Nhà trường không nên chậm trễ, để vấn đề lên cao trào, sẽ khiến phụ huynh bức xúc.

Khi xảy ra vụ việc, nhà trường cũng cần có người phụ trách đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các bên, đồng thời giữ câu chuyện êm đẹp và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đừng quên mục tiêu của mình là bảo vệ những đứa trẻ.

Từ những vụ việc HS đánh nhau, đã đến lúc nhà trường cần tăng cường dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để thích ứng với xã hội hiện nay. Dạy trẻ kỹ năng sống, kỹ năng lên tiếng, kỹ năng tự bảo vệ và cung cấp thông tin, kỹ năng hỗ trợ can thiệp đối với bạn bè và xã hội. Giáo viên và những người làm công tác giáo dục cũng cần được đào tạo những kỹ năng này.

Bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ trường học nào, ngay cả ở trường quốc tế. Mỗi HS đều có thể bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt, trong trường và cả trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cách ứng xử và bảo vệ con cái như thế nào để không ảnh hưởng đến nhận thức lệch lạc và tạo ra hành vi bạo lực cho chính đứa con của mình là vấn đề quan trọng.

Mục tiêu cuối cùng đạt được trong câu chuyện bạo lực học đường là giáo dục nhân cách, cách hành xử, ứng xử của HS chứ không phải là câu chuyện ai thắng ai thua. Ứng xử nhân văn của nhà trường và phụ huynh mới là cách giáo dục tốt nhất trong trường hợp này. Nếu phụ huynh ứng xử không khéo thì nhân cách của con sẽ bị méo mó sau này.

Phụ huynh cần kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh, thiện chí để hòa giải và tìm hướng khắc phục trong tương lai. Tuyệt đối không nên có thái độ thách thức. Phụ huynh cũng tuyệt đối không nên vì bênh con mình, muốn tìm lẽ phải hay công lý cho con bằng một “cơn bão truyền thông”, không nên câu kéo sự quan tâm của cộng đồng mạng vào chuyện của con mình. Những người trên mạng xã hội không thực sự hiểu rõ chuyện của con mình, sẽ dẫn câu chuyện đi xa ngoài tầm kiểm soát. Càng tuyệt đối không vì bênh con mình mà làm tổn thương một đứa trẻ khác bằng cách đưa ảnh của một đứa trẻ gây ra bạo lực lên mạng xã hội.

Mọi hành vi của người lớn, thầy cô giáo và cha mẹ là những tấm gương để các em soi vào học tập, nó gây ảnh hưởng rất nhiều từ suy nghĩ đến hành vi lối sống của các em.

Phụ huynh nếu muốn giáo dục con, xin hãy tôn trọng thầy cô và cư xử văn minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.