GS Trương Nguyện Thành: Ngày của mẹ, nhớ về chuyện Má và tôi!

10/05/2020 14:17 GMT+7

Ngày của Mẹ, tôi ngồi xem clip bài hát Mama của II Divo. Tôi bồi hồi nhớ lại đám tang của Má. Đấy có lẽ là lần đầu tiên tôi khóc!

Ngày của Mẹ, ký ức về Má hiện về. Từ những ngày tôi còn nhỏ xíu ở Việt Nam cho đến tận bây giờ. 

Ngày tôi rời ông bà Nội ở Bình Định để trở lại Sài Gòn thì Ba tôi đang nằm trong Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị sau một tai nạn dẫn đến liệt nửa người. Thời gian tôi đi bán thuốc lá dạo thì Má vào bệnh viện chăm sóc cho Ba.

Đứa con nhõng nhẽo của Má

Vài năm sau, tôi về Lái Thiêu làm ruộng, cày mướn, chăm lo mấy em ăn học. Trong lúc ấy, Má ở lại Sài Gòn để tiện bề lo thuốc men cho Ba. Thời trẻ tôi được ở bên Má rất ít mãi cho đến khi tôi bảo lãnh Má và mấy em nhỏ qua Mỹ, khi tôi vừa nhận chức Assistant Professor (Giáo sư trợ lý) ở ĐH Utah. Có lẽ vì tôi không có cơ hội ở bên Má bằng những anh em khác trong gia đình nên từ ngày qua Mỹ Má quan tâm cho tôi nhiều hơn. Và cũng vì thế mà tôi trở nên "nhõng nhẽo" hơn với Má!

GS Trương Nguyện Thành thời nhỏ ở cùng ông bà Nội.

T.N.T

Cuộc sống ở Mỹ khá buồn tẻ cho người Việt Nam lớn tuổi không biết ngôn ngữ và văn hóa . Tôi khuyên Má đi học lớp tiếng Anh cộng đồng với mục đích là để gặp bạn bè cho vui. Má rất vui khi được đi học vì Má chỉ học đến lớp 5, do hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học. Mùa hè ở nhà nhiều, không gặp bạn bè thường xuyên  nên khi gần nhập học Má háo hức như những đứa trẻ chờ đến ngày khai giảng để gặp bạn vậy.

Má tôi là người tính rất hiền và khá nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ. Tuy đi học được một năm rồi, giao tiếp tiếng Anh cũng biết chút đỉnh để xã giao nhưng vẫn còn nhút nhát. Hôm tựu trường, Má muốn tôi dẫn Má vào đăng ký lớp học. Thật sự trường đã quá biết Má rồi, chỉ cần vào văn phòng thì cô thư ký sẽ đưa cho lịch học và đến lớp thôi nhưng Má vẫn rụt rè và muốn tôi dẫn đi. Trong khi ấy, tôi muốn Má làm quen với xã hội  một ít để có thể sống thoải mái hơn. Đóng kịch với Taki và Takara (2 con của GS Trương Nguyện Thành - ND) quen rồi, thế là tôi có một màn kịch để đóng. 

Ngày tựu trường, tôi chở Má đến trường. Khi đến cổng tôi nhìn vào đồng hồ rồi thốt lớn: "Ôi chết rồi, con quên con có cuộc họp rất quan trọng và cũng gần trễ giờ rồi. Thôi Má xuống xe vào văn phòng lấy lịch học rồi lên lớp vui vẻ nhé. Con phải đi gấp!". Má với nét mặt lo lắng: "Ủa, con không dẫn Má lên đăng ký lớp học sao?". Tôi trả lời: "Má cứ lên văn phòng trường nói cô thư ký đưa cho. Con phải đi gấp chứ không là trễ họp. Cuộc họp này không trễ được". 

Lúc đó, Má hơi bực lên: "Tao có biết gì đâu mà nói!". Tôi tiếp tục "đóng kịch": "Má không biết nói thì má lấy tay làm dấu. Mấy bạn làm văn phòng quen rồi, chúng hiểu cả. Thôi Má xuống xe lẹ đi, con phải đi gấp!". 

GS Trương Nguyện Thành lúc đi học ở Mỹ được bạn bè đặt biệt danh là "ThanhStein"

T.N.T

Má xuống xe với tâm trạng không vui và lo lắng. Tôi lái xe đi nhưng không quên nhìn gương chiếu hậu để coi Má phản ứng sao. Má nhìn theo xe, mặt nhăn nhó và hơi mếu máo như đứa con nít ngày đầu đến trường. Mỗi lần nhớ lại tôi không thể nhịn được cười. 

Chiều đi làm về thấy Má ngồi trên ghế coi tivi mà mặt lạnh như tiền. Tôi cười hỏi Má: "Hôm nay Má đi học gặp bạn bè có vui không?". Má trả lời một cách cộc lốc: "Chẳng có vui gì cả!.

Tôi biết Má giận chuyện hồi sáng. Tôi bước vào bếp thấy không có đồ ăn tối mà Má thường nấu sẵn chỉ chờ tôi về là dọn ra ăn. Tôi quay lại phòng khách ngồi bên Má hỏi: "Ủa, Má chưa nấu đồ ăn tối à. Thường con thấy Má nấu trước mà. Sao hôm nay không thấy đâu cả?". Má như được mở lời để trút cơn giận, với giọng cộc lốc: "Không có đồ ăn gì cả. Sáng tao nhờ dẫn tao vào đăng ký lớp học có một tí mà không làm thì tao cho đói. Tao không có nấu gì hết". Bình thường là cách xưng hô Má với con nhưng khi giận thì Má chỉ có mầy với tao thôi… 

 

GS Trương Nguyện Thành ngày tốt nghiệp đại học.

T.N.T

Nhìn vào mắt Má là tôi biết rồi, thế là tôi có cơ hội đóng kịch tiếp. Tôi nằm lăn ra sàn nhà ăn vạ vừa ôm bụng vừa rên: "Ôi Má ơi, con đói bụng quá. Đói chịu hết nổi rồi Má ơi. Hôm nay họp qua trưa nên không có giờ ăn trưa luôn. Ôi đói quá". Tôi vừa rên vừa nhìn coi Má phản ứng sao để còn điều chỉnh màn kịch. Đây là cách con nít ăn vạ, tôi học từ chúng đấy. Má vẫn tiếp tục tỏ ra bực mình, không chịu nấu ăn dù nét mặt thì hiện lên một tí lo lắng. Tôi rên càng to hơn và giọng càng thảm thiết hơn. 

Má nhìn tôi lo lắng rồi nói "Mày đúng là thằng con trời đánh mà!" rồi đứng lên đi xuống bếp. Hoá ra, Má đi lấy đồ ăn Má đã nấu sẵn nhưng dấu kỹ không để tôi thấy!

Những ngày Má bệnh

 

Năm đó, Má tôi gần 60 tuổi như tôi bây giờ. Nhưng vì năm tháng lo cho chồng và gia đình từ khi Ba tôi bị liệt nửa người nên sức khỏe của Má kém hơn nhiều so với những người cùng tuổi. Đặc biệt, Má còn bị bệnh tiểu đường khá nặng.

Một hôm, Má than phiền bị đau lưng. Ban đầu uống thuốc giảm đau thấy đỡ nhưng mấy ngày sau không còn hiệu quả. Tình trạng đau lưng của Má vài hôm sau nặng hơn làm Má không ngủ được. Lúc ấy tôi đưa Má vào bệnh viên để khám. Bác sĩ tìm ra nguyên nhân đau lưng là "viêm cột sống" và cho nhập viện ngay. Bác sĩ bảo với tình trạng tiểu đường của Má, việc chữa trị tất cả các bệnh viêm đều rất khó và cần thời gian. Má được truyền thuốc trụ sinh qua mạch máu cả tháng trời mới hết. Má không còn đau lưng nhưng ngồi dậy không được nữa.

Lúc ấy, bác sĩ cho tôi coi hình X-Ray cột xương sống của Má và chỉ vào 3 đốt xương cột sống gần thắt lưng. Chứng viêm đã bào mòn chúng nên việc đi lại sẽ rất khó khăn trong thời gian tới và cần phải tiếp tục chữa trị để phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu. Bác sĩ cho biết thêm là bệnh viêm đã được chữa hết nên không cần phải ở bệnh viện nữa và chuyển Má qua một viện dưỡng lão không xa lắm để lo phần phục hồi chức năng của cột sống.

GS Trương Nguyện Thành thời trẻ.

T.N.T

 

Một hai tuần sau, Má bắt đầu than phiền là ở viện dưỡng lão đồ ăn Mỹ ăn không được, lạt lẽo. Thêm nữa, cả ngày nằm coi ti vi ở Mỹ mà không hiểu gì cả cũng chán. Thế là Má bảo "Thành, con xin phép cho Má về nhà đi. Má nằm ở đây cả ngày, ăn không ngon, không nói chuyện với ai được, rồi xem ti vi  thì không hiểu gì. Xin cho Má về nhà đi. Có nằm chết ở nhà cũng còn vui hơn". Tôi cứ "Dạ dạ" rồi làm lơ.

Nhưng từ hôm đó, mỗi lần tôi tới thăm, Má đều hỏi tôi điều này. Cuối cùng, không có thể né tránh được nữa tôi nghiêm nghị nói :"Má à! Về nhà cũng được. Nhưng khi tụi con đi làm ai chăm sóc cho Má khi Má cần gì, như chuyện đi vệ sinh. Ở đây Má cần gì thì chỉ bấm nút là có người đến ngay. Còn Má muốn về nhà thì ngày nào Má đứng dậy đi ra xe được thì con chở Má về". Nghe đến đấy, Má giận.  

Vài ngày sau, khi Má đã bớt giận, tôi nói: "Nếu Má muốn về nhà thì từ nay mỗi lần con tới thăm con sẽ tập cho Má. Sẽ đau tí nhưng nếu Má muốn về nhà thì phải cố gắng chịu đựng nhé". Má bảo: "Miễn sao tao được về nhà là được".

GS Trương Nguyện Thành lúc nhận giải thưởng là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi nhiều triển vọng của Mỹ.

T.N.T

Mỗi ngày tôi thăm Má hai lần, sau giờ ăn trưa và giờ làm việc. Tuần đầu tiên tôi mời bác sĩ vật lý trị liệu đứng trong phòng của Má làm dấu cho tôi biết khi nào dừng lại. Ban đầu, tôi dùng hai cái quay nâng chân và đầu của giường bệnh để gập người Má lại. Tôi quay đến lúc Má than đau "Đau quá Thành ơi, đau quá con ơi" thì tôi dừng và để nguyên ở vị trí ấy. Má nhăn mặt rên rỉ. Tôi vuốt tay và vuốt tóc Má rồi bảo: "Mỗi lần Má đau, Má nhắm mắt lại và hít thở thật chậm, rồi thở ra thả lỏng người nhé". Vài hơi như thế nét mặt của Má dịu lại và tôi để Má nằm yên ở vị thế ấy khoảng 10-15 phút trong khi nói chuyện đến lúc Má không còn nghĩ về đau nữa. Vài ngày như thế thì tôi lại tăng góc nâng lên và Má trở lại quy trình làm quen với cái đau như ban đầu đến lúc tôi nâng tối đa mà cái giường cho phép.

Sau gập giường tôi bắt đầu tập cho Má ngồi, tập đi...

 

GS Trương Nguyện Thành trước khi về Việt Nam.

T.N.T

Ba tháng sau, từ ngày chuyển qua Viện dưỡng lão chỉ nằm một chỗ, một chiều bác sĩ, y tá và một số bạn già đứng trước cửa viện tiễn Má ra về. Má rất hãnh diện đi hơi khập khiễng bắt tay cảm ơn mọi người rồi tự mình ra xe.

Đó có thể là một trong những ngày vui nhất trong đời của Má và của tôi.

Chia tay với Má 

Những năm sau đó, Má được sống vui vẻ và được thằng con "trời đánh" dẫn đi chơi, thăm danh lam thắng cảnh gần hết nước Mỹ. Rồi một ngày, bác sĩ cho biết Má bị bệnh ung thư gan và sẽ sống được không quá bốn tháng nữa!

Bệnh ung thư gan giết dần chức năng của gan và tiết nước vào bụng làm bụng phình to ra rất đau đớn. Hai tháng cuối cùng mặc dù rất lo lắng nhưng tôi phải giữ tinh thần thật vững mỗi khi bên Má để Má bớt sợ hãi.  Khi bụng căng to, tôi phải chở Má vào cấp cứu để bác sĩ rút nước ra. Nhìn họ đưa cây kim to gần bằng nửa cái ống hút vào bụng Má mà tim tôi đau như cắt. Má rên đau đớn làm tôi chảy nước mắt.

Và rồi một ngày bác sĩ nói với tôi: "Khi gan không còn hoạt động nữa thì Má anh sẽ mất. Nhưng thời gian này mỗi lần rút nước ra là một lần đau đớn cho Má anh và nguy cơ nhiễm trùng lên cao. Tần suất phải rút sẽ tăng dần và đến một lúc chúng tôi cũng sẽ không làm nữa. Anh nên suy nghĩ có nên để Má anh đi sớm hơn. Như tôi đã nói, Má anh sớm muộn cũng sẽ mất trong vòng vài tuần. Nhưng càng về sau thì Má anh càng đau đớn.’

Đây có thể là quyết định khó nhất trong cuộc đời tôi!

Tôi tham khảo ý kiến với các anh em. Mọi người đều nói: "Má sống được ngày nào hay ngày đó. Tại sao lại muốn Má mất sớm hơn chứ?". Bản thân tôi rất thương Má, giờ nào Má còn sống thì giờ đó tôi có cái cảm giác còn có thể "nhõng nhẽo" với Má. Nhưng như thế thì tôi quá ích kỷ với cảm xúc của mình.

Má sợ hãi khi phải đợi chờ cái chết và cũng không muốn tiếp tục chịu đựng nỗi đau đớn. Cuối cùng tôi cũng đến quyết định cho Má được ra đi một cách nhẹ nhàng. Tôi nói: "Má à, chúng con rất thương Má nhưng đã đến lúc Má phải về với Ba rồi"...

Giờ đây, đôi lúc khi ăn tối, tôi có cảm giác như Má vẫn bên tôi. Tôi không còn cơ hội để được "nhõng nhẽo" và "ăn vạ" với Má như ngày nào nữa.

Ngày của Mẹ, tôi ngồi xem clip bài hát Mama của II Divo. Tôi bồi hồi nhớ lại đám tang của Má. Đấy có lẽ là lần đầu tiên tôi khóc!

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.