GS Trần Văn Khê, cây đại thụ âm nhạc dân tộc '100 năm mạch ngầm còn mãi'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/12/2021 14:19 GMT+7

Một sự kiện đầy cảm xúc, đó là lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TS Trần Văn Khê vừa được tổ chức ngày 23.12 tại Đại học Văn Lang (TP.HCM) để ghi nhớ công lao to lớn của một cây đại thụ âm nhạc dân tộc.

Tham dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TS Trần Văn Khê có ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Trần Vương Thạch - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM.

GS.TS Trần Văn Khê

thanh hiệp

Năm 2015, trước khi từ trần, GS.TS Trần Văn Khê đã tiến hành lập vi bằng về di nguyện, trong đó có nói tới việc thành lập Quỹ Học bổng mang tên ông để khuyến khích những học sinh, những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.

Sáu năm sau khi GS.TS Trần Văn Khê mất, Quỹ học bổng mang tên Trần Văn Khê đã được ra đời kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của Nhóm thân hữu Trần Văn Khê và nhiệt tâm đặc biệt của Ban lãnh đạo Đại học Văn Lang với việc chịu trách nhiệm đứng ra thành lập Quỹ.

Được biết, suốt một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy sâu rộng giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới, GS.TS Trần Văn Khê đã cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của GS Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam bộ…

Nhà báo Dương Trọng Dật, Viện trưởng Viện Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật và truyền thông Đại học Văn lang, Giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê đọc diễn văn kỷ niệm 100 năm sinh GS.TS Trần Văn Khê

Bìa tác phẩm Đường đến Dân tộc Nhạc học, tác giả Trần Văn Khê

Bà Nguyễn Thế Thanh giới thiệu hai cuốn sách chuẩn bị xuất bản để quyên góp tài chính Quỹ học bổng Trần Văn Khê

NVCC

Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, GS.TS Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương Bội tinh hạng nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao Động hạng Nhất do Chủ tịch nước cấp (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)…

Gần mười năm cuối đời, Giáo sư Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại Việt Nam. Với hàng chục nghìn cuốn sách báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng cùng nhiều kỷ vật sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Thư viện Trần Văn Khê tại ngôi nhà ông sống ở 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Đặng biểu diễn tân cổ giao duyên Thương quá Việt Nam, tân nhạc Phạm Thế Mỹ, vọng cổ Viễn Châu

Ban nhạc tài tử của thạc sĩ - nhạc sĩ Nhứt Dũng biểu diễn các tiết mục trong chương trình như bản Lưu Bình Kim, Duyên kỳ ngộ, Nam Ai, Tam khúc Vọng Kim Lang, Phi Vân Điệp Khúc, Đoản khúc Lam Giang…

GS.TS Trần Quang Hải từ Pháp gửi video clip chúc mừng sự ra đời của Quỹ học bổng Trần Văn Khê

Tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng độc tấu bài Sang Xuân

NVCC

Từ đây, ngôi nhà trở thành một địa chỉ giao lưu văn hóa có giá trị, mang đầy đủ dáng dấp của một nhà lưu niệm danh nhân nhưng đến nay bỗng trở nên dang dở. Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thế Thanh giới thiệu hai cuốn sách chuẩn bị xuất bản để quyên góp tài chính Quỹ học bổng Trần Văn Khê, gồm: Đường đến Dân tộc Nhạc học, tác giả Trần Văn Khê và Trần Văn Khê, trăm năm tâm và nghiệp của nhiều tác giả là thân hữu, môn sinh của GS Trần Văn Khê (tái bản có bổ sung dựa trên cuốn Trần Văn Khê tâm và nghiệp đã xuất bản năm 2016)

Buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TS Trần Văn Khê như được kéo dài ra trong không khí âm nhạc khi Ban nhạc tài tử của thạc sĩ - nhạc sĩ Nhứt Dũng biểu diễn các tiết mục trong chương trình như bản Lưu Bình Kim, Duyên kỳ ngộ, Nam Ai, Tam khúc Vọng Kim Lang, Phi Vân Điệp Khúc, Đoản khúc Lam Giang và tiếng đàn tranh réo rắt của NSƯT Hải Phượng độc tấu bài Sang Xuân...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.