GS Ngô Bảo Châu: Sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/11/2022 21:07 GMT+7

Tại buổi ra mắt Trường Toán Minh Việt diễn ra trực tuyến hôm nay 5.11, GS Ngô Bảo Châu , GS Phùng Hồ Hải đã chia sẻ những trăn trở, quan điểm không đồng tình về cách dạy toán, thi toán trong trường phổ thông hiện nay.

“Tôi không hiểu vì sao 7 hằng đẳng thức đáng nhớ lại phải… nhớ”

GS Ngô Bảo Châu cho rằng việc dạy học toán cho trẻ em nói chung có thể không cần rộng, sâu hay giỏi, chỉ cần đủ hiểu biết để không sợ toán thì đã hành trang rất quý cho cuộc sống sau này.

Sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời", GS Châu nói và cho rằng cần trao cho tất cả học sinh cơ hội để hiểu và thích học toán.

GS Ngô Bảo Châu
màn hình

Về việc dạy toán ở phổ thông, GS Châu nêu quan điểm quan trọng nhất là dạy cái gì, tập trung những gì cần dạy kỹ, những gì bỏ qua cũng được. Việc chọn cái gì để dạy rất quan trọng. Trong phổ thông có vài điểm mà theo ông rất quan trọng cần phải dạy, ví dụ ở tiểu học là phân số, THCS cần hiểu thế nào là giải phương trình bậc 2...

GS Châu chỉ ra rằng: "Trong chương trình thời tôi đi học tôi thấy có những cái hoàn toàn thừa mà chẳng hiểu sao lại rất quan trọng, ví dụ như 7 hằng đẳng thức đáng nhớ. Tôi thì không nhớ được 7 hằng đẳng thức đáng nhớ đó là cái gì và đến giờ tôi vẫn không thể giải thích được tại sao lại phải “đáng nhớ” đến thế".

Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để trẻ thấy mục tiêu của việc học toán, GS Ngô Bảo Châu cho rằng không quá cần thiết trong việc làm thế nào để học sinh nhận thức học toán để làm gì. Trẻ con không cần bắt chúng phải nhận thức quá nhiều, làm sao để trẻ học thấy vui đã là thành công rồi. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ thấy vui một kiểu, biện pháp này có thể lôi cuốn được đứa trẻ này nhưng lại không lôi cuốn được đứa trẻ khác.

GS Châu cho rằng học toán là một dạng thể thao trí óc, rèn luyện trí thông minh. Cách dạy toán ở Việt Nam theo ông "có gì đó sai sai", đó là bắt các em làm những bài toán tính toán rất “cơ bắp”, rất dài với nhiều chữ số, biểu thức mà không biết để đi đến đâu và chẳng để làm gì cả. Nhiều thầy cô thì rất thích đưa cho các em các bài toán mẹo, rất phản tư duy khoa học.

“Việc làm toán chuyên nghiệp có nguyên tắc là không có mẹo, chúng ta làm được cái gì thì chúng ta phải giải thích được tại sao làm được như thế. Việc học toán là phải làm sao khiến những cái trông có vẻ phức tạp, rối rắm, trở nên đơn giản, sáng sủa. Đó là vẻ đẹp của toán học và là điều tốt hơn mà chúng ta cần hướng đến trong việc dạy toán cho học sinh thay vì những cuộc thi đua”, GS Châu chia sẻ.

GS Châu cũng chỉ ra một quan niệm mà ông gọi là “hơi tiêu cực” của phụ huynh Việt Nam là học để đi thi, với môn toán thì nó đặc biệt trở nên tiêu cực hơn khi việc thay đổi cách thức thi từ tự luận sang thi trắc nghiệm. Điều đó khiến cho việc dạy học toán ở trường phổ thông chuyển sang học toán để thi trắc nghiệm.

“Bản thân tôi nghĩ việc thi trắc nghiệm không xấu nhưng đáng bàn ở cái cách mà phụ huynh và nhà trường đối phó với việc thi đó. Học sinh trong 3 năm THPT chỉ học để thi trắc nghiệm, làm hỏng tư duy toán học của các em. Đó là mặt tiêu cực của tâm lý nặng nề về thi cử ở Việt Nam”, GS Châu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, GS Châu cũng cho rằng phải hết sức cân nhắc khi lên án việc học để thi. Tại sao trẻ em Việt Nam về cơ bản là học toán tốt so với mặt bằng thế giới. Nghĩa là tâm lý học để thi cử có cả cái tốt và cái không tốt. Có thể phương pháp là phải bàn nhưng ý thức việc học toán là quan trọng cần được trân trọng. Nhưng cái không tốt là việc thay đổi đột ngột về phương pháp thi cử ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.

Muốn học toán để thông minh thì dạy toán phải dễ hơn

GS Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho rằng: “Có thể vì quá trân trọng môn toán, coi nó quá ư là quan trọng nên kỳ thi nào chúng ta cũng đẩy nó lên mức cao nhất và đó cũng là gánh nặng cho môn toán. Điều đó khiến cho tôi, dưới góc nhìn của người làm toán, thấy rằng nó làm mất cái hay của môn toán, thay vào đó là thiên về sự nặng nề, tra tấn. Thực sự là như thế”.

GS Phùng Hồ Hải
màn hình

GS Hải cho biết khi tham gia vào việc xây dựng chương trình môn toán: “Một điều mà GS Đỗ Đức Thái (chủ biên chương trình môn toán - PV) có chia sẻ với tôi và tôi rất tán đồng, đó là: học toán để thông minh hơn. Ngày xưa chúng ta nghĩ rằng thông minh thì mới học toán, còn những “ông” không học được toán thì nói vì em không thông minh…”.

Theo GS Hải, khi chúng ta biết mục đích “học toán để thông minh hơn” thì chúng ta mới tìm cách để triển khai. Điều đầu tiên chúng ta phải xác định lại đó là học sinh học toán đầu tiên là để các em có năng lực tư duy, để các em có khả năng mưu sinh trong cuộc sống.

Tính toán không phải chỉ là cộng, trừ, nhân, chia là chính mà là khả năng tư duy. Cùng với thời gian, học sinh cần phải được học toán để có nghệ thuật giải quyết vấn đề, học cách tồn tại trong cuộc sống. Điều đó phản ánh đúng vai trò của toán học trong giáo dục phổ thông. Mục đích trong xây dựng chương trình môn toán phổ thông mới đã rất rõ như vậy nhưng có thể người giáo viên và người làm sách giáo khoa không đọc đến những câu từ đấy.

GS Hải cho rằng: “Muốn học toán để thông minh hơn thì toán dạy trong trường phổ thông phải dễ hơn. Hiện nay học sinh đang học toán rất khó. Vấn đề ở đây không phải khó về yêu cầu độ thông minh mà cái khó là yêu cầu về tính phức tạp. Kể cả trong kỳ thi học sinh giỏi người ta ra những bài toán theo kiểu gộp 2 - 3 bài toán lại. Như vậy, học sinh phải biết 2 - 3 bài toán kia mới giải được, chỉ còn kỹ năng chứ không còn thông minh, vai trò thông minh ở trong những bài toán ấy rất thấp mà thành một dạng thợ giải toán”.

Bàn về việc thi cử, tâm lý học để thi, theo GS Hải, quan điểm hạn chế nhất của dạy học toán ở Việt Nam không phải lỗi ở việc thi, bởi nếu 10 chọn 1 không có cách nào khác ngoài việc thi, chỉ có điều chúng ta thi cái gì, kỳ thi yêu cầu cái gì và chúng ta chuẩn bị cho kỳ thi đó như thế nào.

GS Hải bày tỏ lo ngại cách mà học sinh chuẩn bị cho kỳ thi, quá trình để đỗ trong kỳ thi đó làm hỏng tư duy của những người vốn giỏi, thi xong họ không còn giỏi nữa và ra nước ngoài thì không thể cạnh tranh được vì học sinh ở nước ngoài ít thi hơn, họ dành thời gian cho những cái để thông minh hơn.

“Choáng” với việc quanh năm các em tham dự các kỳ thi giải toán

Nói về tràn lan những “kỳ thi toán quốc tế” dành cho học sinh từ tiểu học hiện nay và học sinh Việt Nam tham gia ứng thí rất nhiều, GS Ngô Bảo Châu cho rằng các kỳ thi toán quốc tế vừa có ý nghĩa rất tích cực và cũng rất tiêu cực, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các bậc phụ huynh cần có cái nhìn khách quan và cẩn trọng.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Không có lý do gì mà ở Việt Nam có tới 50 hoặc 100 kỳ thi toán khác nhau, cha mẹ học sinh đóng tiền để con ra nước ngoài thi lấy một cái chứng chỉ để cho vào hồ sơ apply học bổng chỗ nọ, chỗ kia… Cá nhân tôi rất không thích thú với chuyện đó”, GS Châu nói.

GS Phùng Hồ Hải cũng bày tỏ quan điểm: “Đúng là cần phải có những cảnh báo để không đi vào thái quá, làm mất hết bản chất của việc dạy học toán mà chúng ta mong muốn. Cách mà cha mẹ coi con mình như “công cụ” để giải toả những mong muốn của bản thân mình thì cần phải có chiến lược tuyên truyền để thay đổi quan niệm của phụ huynh.

“Thời bé tôi và anh Châu là nhóm những người phải đi nhiều nhất nhưng so với các em bây giờ thì thực sự tôi “choáng” và “chóng mặt” với việc quanh năm các em phải tham dự các kỳ thi. Vấn đề là cha mẹ các em sốt sắng đến mức đáng ngại về việc cho con mình đi thi. Kỳ thi lẽ ra là sân chơi, để các em thể hiện khả năng, đam mê của mình nhưng còn bây giờ nhiều em đi thi là vì động cơ, định hướng thái quá của cha mẹ”, GS Hải nói.

GS Hải cũng chia sẻ: “Thực sự là tôi thấy tiếc cho các em có năng lực, nên để các em bình tĩnh học tập, thấy yêu thích môn toán một cách tự nhiên thay vì bị ép quá khiến các em không “lớn” được nữa. Cha mẹ học ở nước ngoài không phải họ không quan tâm, sốt sắng cho việc học của con đâu nhưng họ điều độ hơn”.

Ra mắt Trường Toán Minh Việt

Ngày 5.11, Trường Toán Minh Việt (MVSM) chính thức mở cổng đăng ký online cho phụ huynh tại địa chỉ trang web: https://mvsm.org/. Theo lộ trình, trong năm học đầu tiên, MVSM mới chỉ mở 5 lớp dạy toán (trực tuyến) nâng cao cho học sinh cấp tiểu học và 4 lớp dạy toán giới thiệu căn bản cho học sinh THCS.

MVSM hợp tác trực tiếp với AoPS về chương trình giảng dạy. Mỗi buổi học trực tuyến kéo dài 60 - 90 phút, học sinh sẽ nghe giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc MVSM, cho biết: AoPS có tên tiếng Anh đầy đủ là The Arts of Problem Solving (tức nghệ thuật giải quyết vấn đề/bài toán), giúp học sinh phát triển tư duy logic, khơi thông khả năng sáng tạo, biết cách giải quyết vấn đề.

"Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp học sinh Việt thích toán, thoải mái với toán, sử dụng được toán, và có ý định học lên cao các ngành có dùng nhiều toán”, ông Tuấn Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.