GS đoạt Nobel vật lý: Học sinh Việt Nam rất xuất sắc

18/08/2015 20:44 GMT+7

(TNO) Giáo sư (GS) George Fitzgerald Smoot, đoạt giải Nobel vật lý năm 2006, nhận xét: Tôi cũng từng làm việc với học sinh nhiều nước trên thế giới như: học sinh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... thì tôi thấy học sinh Việt Nam rất xuất sắc.

(TNO) Sáng 18.8, GS George Fitzgerald Smoot (70 tuổi, người Mỹ), đoạt giải Nobel vật lý năm 2006, đã có buổi giao lưu với học sinh Việt Nam đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2015 và học sinh tỉnh Bình Định đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Một học sinh đặt câu hỏi cho GS George F. SmootMột học sinh đặt câu hỏi cho GS George F. Smoot
Chương trình do Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), ở thành phố Quy Nhơn.
Hầu hết các câu hỏi của học sinh dành cho GS George Fitzgerald Smoot đều xoay quanh những vấn đề công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel của GS, con đường đến với khoa học, làm thế nào hun đúc và phát triển niềm đam mê khoa học để đi đến sự thành công…
GS George Fitzgerald Smoot cho biết để có được thành công, ngoài nỗ lực cá nhân cũng cần sự chung tay của cộng sự, khả năng làm việc nhóm là rất quan trọng. Trong nghiên cứu khoa học, các ngành khoa học như toán, lý, hóa, sinh, tin học... đều có sự hỗ trợ lẫn nhau.
GS George F. Smoot trả lời các câu hỏiGS Smoot trả lời các câu hỏi
Ông khuyên các học sinh nên chọn học, nghiên cứu những ngành học mà mình yêu thích, say mê thì dù có khó khăn cũng sẽ có động lực để vượt qua.
Bạn Vũ Xuân Trung (học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình - Huy chương vàng Olympic toán học quốc tế năm 2015) hỏi: “GS yêu thích vật lý nhưng có lúc nào GS cảm thấy không còn yêu thích nó không ạ? GS có cách nào để khôi phục lại niềm yêu thích đó?”
GS George F. Smoot khen đây là câu hỏi rất hay và trả lời: “Nếu bạn thấy lo lắng về những khó khăn mà bạn đối mặt ở trường THPT hoặc ĐH thì bạn chọn hướng đi khác. Chẳng hạn như bạn theo một ngành học mà bạn nghĩ nó không hay thì nên chọn ngành khác. Thời đi học, tôi cũng có thầy dạy vật lý ở cấp THPT không được tốt lắm nhưng lại có thầy dạy bên hóa học rất tốt. Nhưng đó không phải là điều quyết định, có nhiều thứ quan trọng hơn để bạn chọn nó. Bạn nên chọn cái đáng giá hơn, mình quan tâm hơn thì sẽ có động lực để vượt qua được những khó khăn”.
Bạn Đinh Thị Hương Thảo (học sinh Trường THPT chuyên lê Hồng Phong, Nam Định - Huy chương vàng vật lý quốc tế năm 2015) đưa ra câu hỏi: “Nhiều học sinh Việt Nam muốn theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học của mình, như em là muốn theo đuổi ngành vật lý, nhưng em nghĩ điều kiện vủa Việt Nam thì chưa tốt bằng các nước tiên tiến khác. Vậy GS nghĩ gì về cơ hội và khả năng của các học sinh Việt Nam trong vấn đề này? Học sinh Việt Nam ra nước ngoài học, phẩm chất cần nhất là gì?".
“Đối với học sinh giỏi thì có rất nhiều cơ hội để đến các nước khác du học. Hơn nữa, Việt Nam là đất nước có kinh tế đang đi lên nên có nhiều tiền hơn để đầu tư nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, những bạn học sinh giỏi ra nước ngoài thì có rất nhiều cơ hội để học hỏi, nếu như các bạn đó quay về để giúp Việt Nam thì đó là một nguồn lực rất quý giá. Tôi cũng từng làm việc với học sinh nhiều nước trên thế giới như học sinh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... thì tôi thấy học sinh Việt Nam rất xuất sắc. Các em có niềm đam mê khoa học rất lớn, khi các học sinh Việt Nam đặt câu hỏi về khoa học thì họ đưa ra những vấn đề phản biện rất tốt và các em có kiến thức tương đối vững”, GS Smoot trả lời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.