Đề nghị đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp

04/06/2013 14:08 GMT+7

(TNO) “Ba khóa Quốc hội mới có một lần sửa Hiến pháp cho nên chúng ta cần phải nhìn trong 10 năm tới tình hình diễn biến như thế nào. Sau này lịch sử sẽ đánh giá vai trò của Quốc hội khóa 13, vì vậy mong rằng chúng ta sẽ có những cái nhìn thật xa”.

Với quan điểm như trên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã đề nghị QH xem xét bổ sung nhiều điểm mới vào bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. ĐB Tiên cho rằng cần đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đất đai cương thổ vào phần lời nói đầu của Hiến pháp.

“Hiện nay cơ bản về biên giới chúng ta cũng đã phân định với các nước nên chăng trong lời nói đầu chúng ta cần đưa vào để khẳng định chủ quyền, vị trí mà cha ông chúng ta đã để lại”, ông Tiên nói.

ĐB Nguyễn Văn Tiên
 ĐB Nguyễn Văn Tiên muốn đưa Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề cương thổ vào lời nói đầu của Hiến pháp

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Văn Tiên cũng đề xuất QH xem xét để Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thành các chế định độc lập. Ông Tiên lý giải sau khi Kiểm toán Nhà nước trực thuộc QH thì hầu như không có đại biểu nào phàn nàn về con số mà cơ quan kiểm toán đưa ra. Trong khi đó, các số liệu từ cơ quan thống kê luôn gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là tại kỳ họp này. Bên cạnh đó, ĐB này cũng đề nghị bỏ quy định tổ chức Hội đồng Hiến pháp bởi không cần thiết.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn
 ĐB Đỗ Ngọc Niễn đề nghị bổ sung quy định xây dựng quân đội thẳng lên chính quy hiện đại, không làm từng bước

Tại phiên thảo luận sáng nay, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị bổ sung quy định xây dựng quân đội chính quy hiện đại bỏ qua giai đoạn xây dựng từng bước như quy định trong dự thảo Hiến pháp.

Theo ông Niễn, việc bổ sung quy định này sẽ xác định tích tích cực trong định hướng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vị ĐB này cho rằng hiện khu vực và trên thế giới đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, diễn biến phức tạp khó lường trong các vấn đề khủng bố, sắc tộc, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… đang đặt ra cho mỗi quốc gia có sự chuẩn bị về nhiều mặt.

“Chúng ta đã trải qua chiến tranh thấm thía nỗi đau mất mát nhưng không có nghĩa là chúng ta luôn phải kiên trì giải pháp hòa bình. Xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ hiện đại không phải là khuyến khích chạy đua vũ trang hay đe dọa hay xâm lược ai cả mà là chuẩn bị cho tâm thế sẵn sàng tự vệ, bảo vệ và thực thi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần, nhân dân yêu cầu”, ông Niễn nói.

Các ĐB cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về hai nội dung lớn của Hiến pháp là chính quyền địa phương và các thành phần kinh tế.

Đối với chính quyền địa phương, đa số các ĐB cho rằng các phương án trong dự thảo còn chung chung, chưa làm rõ khái niệm tổ chức của chính quyền địa phương. Theo đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xác định chức năng nhiệm vụ sau này.

Đề cập đến các thành phần kinh tế, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị bổ sung lực lượng doanh nhân vào thành phần liên minh nền tảng bởi trong giai đoạn hiện nay, lực lượng doanh nhân có đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước, điều này cũng phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay.

“Nói một cách hình tượng cả khối đoàn kết đại dân tộc diễu hành trong bản Hiến pháp mới nhưng lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân là điều chưa hợp lý”, ông Lộc nói.

Về các thành phần kinh tế theo điều 54 của dự thảo, ông Lộc bày tỏ quan điểm tán thành phương án 3 khẳng định nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và không đề cập đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong thành phần kinh tế là phù hợp vì nói cạnh tranh thì phải bình đẳng theo quy định pháp luật. Khó có thể nói thành phần này là chủ đạo thành phần kia không phải chủ đạo. Thực tiễn hiệu quả hoạt động cũng đã cho thấy khu vực kinh tế nhà nước đang có nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập đàm phán gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới.

“Chúng ta thuyết phục các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng Hiến pháp lại ghi kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo sẽ gây khó khăn trong quá trình đàm phán”, ông Lộc lưu ý.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội trường sáng nay, nhiều ĐB khác lại cho rằng, cần phải để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, việc phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước sẽ tạo ra khó khăn trong việc xác định định, mục tiêu phát triển sau này.

Thái Sơn
Ảnh: Ngọc Thắng

>> Hiến pháp không cho phép chúng ta phiêu lưu
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Đề xuất giữ nguyên tên nước trong Hiến pháp sửa đổi
>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Trên 900.000 lượt ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Nhận được 44 triệu ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Người bị truy tố có quyền chọn trợ giúp pháp lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.