Gói thầu mua bồn nước ở Quảng Trị: Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa báo cáo gì?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
28/12/2023 10:50 GMT+7

Liên quan đến vụ khuất tất trong gói thầu mua hàng ngàn bồn nước tặng đồng bào vùng cao Quảng Trị mà Thanh Niên đã phản ánh, UBND H.Hướng Hóa đã có văn bản báo cáo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị.

Báo cáo do ông Phạm Trọng Hổ, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, ký dựa trên báo cáo của Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa. Theo UBND H.Hướng Hóa, sau khi nhận được thông tin trên Thanh Niên, UBND huyện đã làm việc với Phòng Dân tộc, Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị có liên quan đến gói thầu bồn nước này.

"Cài cắm" nhiều điều khoản lạ?

Báo cáo của Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa gửi UBND H.Hướng Hóa do bà Hoàng Thị Lan, Trưởng phòng Dân tộc, ký gửi đã lý giải một số vấn đề mấu chốt.

Nhắc lại, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Xuân (địa chỉ ở Quảng Bình) đã trúng thầu với mức giá hơn 4,5 tỉ đồng, dù đây là mức giá cao nhất trong 5 nhà thầu tham gia đấu giá và nhà thầu đặt mức giá thấp nhất (chỉ hơn 3,1 tỉ đồng vẫn không được lựa chọn).

Lý giải về vấn đề này, Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa cho rằng do các nhà thầu khác cung cấp một số văn bản trong hồ sơ dự thầu chưa hợp lệ hoặc chưa đầy đủ, nên bị loại. Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Xuân nghiễm nhiên xếp thứ nhất, cũng là đơn vị duy nhất được mời vào Quảng Trị để thương thảo.

Gói thầu mua bồn nước ở Quảng Trị: Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa báo cáo gì?- Ảnh 1.

Bỏ mức giá cao nhất, nhưng do 4 nhà thầu khác đều bị loại nên Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Xuân trở thành đơn vị duy nhất được mời thương thảo.

THANH LỘC

Liên quan đến gói thầu này, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An (một trong 5 nhà thầu tham gia) đã nêu kiến nghị với Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa, Công ty TNHH Đinh Phúc Nhân (đơn vị được Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa thuê để tổ chức đấu thầu). 

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An cho biết ngay sau khi nhận được công văn của bên mời thầu đề nghị làm rõ 2 nội dung "văn bản bảo lãnh dự thầu" và "tài liệu chứng minh nhà thầu đáp ứng tiêu chí kinh nghiệm hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự gói thầu nêu trên", công ty đã bổ sung đính kèm các văn bản, chứng từ đầy đủ... nhưng vẫn "rớt". Vì thế, công ty thắc mắc: "Vì sao cần phải quy định nhiều điều kiện ràng buộc trong hồ sơ mời thầu để hạn chế năng lực của nhà thầu trong khi là đây chỉ là gói thầu mua sắm và không cho các nhà thầu bổ sung hồ sơ với mục đích làm lợi cho ngân sách nhà nước?".

"Cứ cho là chúng tôi thật sự có thiếu sót (chủ yếu là câu chữ, mẫu mã văn bản…), thì cái thiếu đó rất nhỏ nếu đặt bên cạnh việc chúng tôi làm lợi cho ngân sách nhà nước gần 1,5 tỉ đồng. Chúng tôi bỏ mức thầu rất thấp, tự tin với chất lượng sản phẩm, năng lực của mình vì Sơn Hà là tập đoàn lớn, nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất bồn nước. Chúng tôi đang xem xét để tiếp tục làm văn bản kiến nghị lên Sở KH-ĐT, Cổng thông tin Đấu thầu quốc gia để làm rõ những ấm ức này", ông Trần Đức Thành, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An, nói với PV Thanh Niên tối 27.12.

Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu ở Quảng Trị nhận định rằng có rất nhiều ràng buộc mang tính "bắt chẹt" câu chữ được bên mời thầu cài cắm trong gói thầu này. Trong đó có nhiều đoạn như: "Tổ chuyên gia xác định, hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu cam kết theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu", chỉ vì nhà thầu... không đề cập gì đến các hộ gia đình hưởng lợi từ dự án. "Trường hợp nhà thầu đã làm rõ nhưng vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, bên mời thầu vẫn phải làm rõ lần 2 và nêu rõ ràng lý do chưa đạt để nhà thầu đáp ứng. Nhưng bên mời thầu lại cố ý mập mờ để loại trực tiếp nhà thầu", vị này nhận định.

Bên mời thầu cũng yêu cầu "nhà thầu phải bố trí tối thiểu 1 cán bộ có chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên được đào tạo chuyên ngành cấp thoát nước" để hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trong khi đó, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, Thông tư 08/2022/TT-BKHDT của Bộ KH-ĐT đã quy định rõ ràng không đòi hỏi nhân sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao. 

Cũng theo vị chuyên gia này, trên thực tế, trong quá trình cấp phát, đơn vị trúng thầu (Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Xuân) cũng chỉ cấp bồn về trụ sở UBND các xã chứ cũng không đưa về tận nhà dân và hướng dẫn lắp đặt.

Gói thầu mua bồn nước ở Quảng Trị: Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa báo cáo gì?- Ảnh 2.

Theo chuyên gia đấu giá và luật sư, gói thầu chỉ đơn giản là cung cấp bồn nước, không phải thực hiện thi công kỹ thuật phức tạp… nên việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị có mức giá cao nhất cần được xem xét lại.

THANH LỘC

Nhận định về vụ việc, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng căn cứ Điều 39 luật Đấu thầu 2013 về "phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp", không quy định tất cả mọi trường hợp đấu thầu đều phải lựa chọn mức giá đấu thầu thấp nhất. Tuy nhiên, pháp luật lại quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu được xác định bởi phương pháp giá thấp nhất và áp dụng đối với các gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ. 

"Ở đây, gói thầu chỉ đơn giản là cung cấp bồn nước, không phải thực hiện thi công kỹ thuật phức tạp… Thế nhưng, Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa vẫn lựa chọn đơn vị thầu có mức giá cao nhất. Đối với quyết định này, cần xem xét, thanh tra, kiểm tra có hay không dấu hiệu trục lợi từ hoạt động mời thầu hay không. Bởi lẽ việc mua bồn nước là vấn đề đơn giản, giá cả thị trường khá rõ ràng, yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, chủng loại, đặc trưng hàng hóa, công năng sử dụng hoàn toàn không có gì phức tạp", luật sư Lê Cao nói.

Luật sư phân tích về quy trình lựa chọn nhà thầu 

Báo cáo của Phòng dân tộc H.Hướng Hóa cũng cho rằng: "Ngày 11.12.2023, Phòng Dân tộc huyện ký Quyết định số 08/QĐ-PDT về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 15.12.2023 là đúng quy định". 

Tuy nhiên, cũng tại công văn này, Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa ghi nhận "ngày 11.12.2023 Phòng Dân tộc ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; ngày 12.12.2023 ký hợp đồng; ngày 16.12.2023 cấp hàng hóa". 

Như vậy, ngày 12.12.2023 Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa đã thực hiện thương thảo và ký kết hợp đồng đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Xuân, tới ngày 15.12.2023 mới thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu.

Gói thầu mua bồn nước ở Quảng Trị: Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa báo cáo gì?- Ảnh 3.

Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa thực hiện ký kết hợp đồng trước khi thực hiện công khai kết quả dự thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia.

THANH LỘC

Theo luật sư Lê Cao, điều này là trái quy định pháp luật về quy trình lựa chọn nhà thầu. Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đấu thầu 2013. Cụ thể, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được thực hiện như sau: a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu; c) Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; d)  Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; đ) Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Cũng theo luật sư Lê Cao, khoản 6 Điều 88 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật Đầu tư về lựa chọn nhà thầu quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng như sau: "Sau khi đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, bên mời thầu nhập kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu".

"Căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì trước khi thực hiện ký kết hợp đồng bên mời thầu phải trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Như vậy, việc Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa thực hiện ký kết hợp đồng trước khi thực hiện công khai kết quả dự thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia là không phù hợp với thứ tự thực hiện các công việc theo quy định của luật Đấu thầu", luật sư Cao nhận định.

Đáng chú ý, theo Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa, ngày 11.12.2023 đơn vị ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ngày 12.12.2023 ký hợp đồng, ngày 16.12.2023 cấp hàng hóa "là các mốc thời gian phù hợp, không vi phạm các quy định của pháp luật". Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 92 của luật Đấu thầu năm 2013 quy định  "nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu", Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa cho rằng thời gian để nhà thầu kiến nghị tính từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, chứ không liên quan đến các quyết định hay thông báo nào khác.

Tuy nhiên, về vấn đề này, luật sư Lê Cao lại cho rằng Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa đã đặt ra "tình thế đã rồi", khi chưa hết thời gian cho phép kiến nghị (10 ngày kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu) đã cho phép đơn vị trúng thầu cấp phát bồn nước. 

Liên quan đến vụ việc, nguồn tin của Thanh Niên cho biết Phòng Cảnh sát kinh tế Công tỉnh Quảng Trị vẫn đang khẩn trương làm việc với Phòng Dân tộc H.Hướng Hóa và các bên liên quan để thu thập hồ sơ, tài liệu nhằm làm rõ những nghi vấn trong gói thầu này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.