Gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp: Doanh nghiệp tha thiết khẩn cầu

24/09/2021 09:26 GMT+7

Trước khó khăn chồng chất bởi dịch Covid-19 , đặc biệt là dòng tiền cạn kiệt, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tha thiết khẩn cầu tới Thủ tướng sớm ban hành gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp (4%/năm) và nới điều kiện vay để tiếp cận vốn.

Khó khăn lớn nhất là hết tiền

Theo số liệu kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê công bố, 8 tháng năm nay, do tác động bởi Covid-19, cả nước có 85.500 DN rời khỏi thị trường. Đáng chú ý, trong số đó, 43.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 DN rời khỏi thị trường.
Trong khi đó, khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện về tình hình “sức khỏe” tài chính của trên 21.500 DN cũng cho thấy, có tới 69% phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19.
Số DN cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Điều mà các DN mong mỏi là được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tiêm vắc xin cho lao động, lưu thông hàng hóa… để có thêm tiền trả lương, thêm vốn phục hồi sản xuất.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và một số thành viên của Ủy ban đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần nghiên cứu để sớm đề xuất ban hành gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách cho các doanh nghiệp (DN) đang khó khăn bởi dịch Covid-19. Quy mô gói này có thể tính toán ở mức 2.000 - 4.000 tỉ đồng, từ đó có thể tác động lan tỏa tạo ra gói dư nợ tín dụng lên tới 60.000 - 100.000 tỉ đồng.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền

NGỌC THẮNG

Về phía cộng đồng DN, trong một bức thư gửi tới Thủ tướng gần đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%/năm, cùng các gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và DN hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác. Ông Lập đề nghị cần có gói hỗ trợ từ nhà nước, giảm lãi suất đối với cả nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay.
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết hiện nay rất nhiều DN đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các DN có thể tiếp cận được vốn. Theo ông Nam, chỉ khi nào gỡ được khó khăn này mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.

Doanh nghiệp sản xuất đang kiệt quệ dần vì Covid-19

NGỌC THẮNG

Giảm lãi suất và tăng bảo lãnh để DN được vay

Một khó khăn khác hiện nay là nền kinh tế có tới hơn 90% DN vừa và nhỏ, trong số này đa phần đều có năng lực tài chính hạn chế, tài sản đảm bảo không có… nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Phó chủ tịch thường trực VINASME phân tích thêm, theo quy định, các ngân hàng được phép cho DN tiếp cận nguồn vốn với tài sản đảm bảo dưới hình thức tín chấp, về mặt khung pháp lý đã có nhưng trên thực tế, ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay; tỷ lệ DN được vay tín chấp rất thấp, đặc biệt đối với các khoản vay mới.
“Giảm lãi suất chỉ dành cho đối tượng đã đủ các tiêu chuẩn để vay nhưng vấn đề DN cần nhất là phải được vay. Do đó, cộng đồng DN mong muốn gói hỗ trợ lãi suất có thể mở rộng hơn nữa đối tượng vay”, ông Tô Hoài Nam nói.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá việc hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách và điều kiện vay như thế nào không phải của mỗi ngành ngân hàng mà cần phải có nhiều bộ, ngành vào cuộc. Ví dụ gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng năm 2009, các ngân hàng đã bị “ám ảnh” bởi thủ tục cho vay và việc kiểm toán, thanh quyết toán sau đó.
Vì vậy, rút kinh nghiệm riêng việc kiểm toán sau khi kết thúc rất chúng ta cần xác định mức độ dung hòa như thế nào, giao trách nhiệm rõ từ đầu, có chấp nhận mức độ sai sót nhất định và chỉ kiểm toán đại diện mẫu (nếu có), hay lại bắt buộc quay trở lại kiểm toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình 100% như năm 2009. Nếu thế thì sẽ rất khó triển khai, các ngân hàng rất e ngại vì sai sót nhỏ có thể xảy ra do tình thế lúc này và rủi ro dẫn tới yếu tố hình sự hoặc chậm quyết toán như vừa qua.
“Quan điểm của chúng tôi nếu có tung ra gói hỗ trợ lãi suất thì phải cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề trên”, TS Lực nói và đặt ra trường hợp nếu không có gói hỗ trợ này thì các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục giảm lãi suất như đã cam kết, tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN, gồm cả DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay các DN nhỏ và vừa rất khó khăn, nhiều DN không có khả năng tồn tại, thiếu dự án khả thi, nếu ngân hàng cho vay sẽ rất rủi ro. Trong khi đó, theo luật Tổ chức tín dụng, các ngân hàng không được cho vay DN thua lỗ, còn luật Quản lý nợ công thì quy định Chính phủ không được bảo lãnh vốn vay của DN.
“Như vậy làm sao DN nhỏ và vừa vay được. Tôi nghĩ chúng ta cần vực dậy và phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa ở các địa phương. Hiện cả nước có 28 quỹ nhưng hoạt không hiệu quả. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh DN nhỏ và vừa như một số quốc gia vẫn làm. Như vậy, mới góp phần giải được bài toán tiếp cận vốn hiện nay với khu vực DN này, cùng với những giải pháp khác.
Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, một mình giải pháp tiền tệ - tín dụng không giải quyết được nhiều khó khăn, thách thức lớn hiện nay, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp khác như tài khóa, an sinh xã hội và chiến lược, chính sách phục hồi sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh còn dịch bệnh cũng như sau này”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.