Góc nhìn phóng viên: Y tế công, hãy cứ là 'nhà thương'

20/08/2019 06:09 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật cao, dịch vụ cao, thu giá tiền cao chót vót cứ để y tế tư nhân làm; ai có tiền thì cứ vào đó... Còn y tế công, vẫn cứ gọi là “nhà thương”...

Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập của Bộ Y tế đưa ra cho phép các bệnh viện ạng đặc biệt, hạng 1 được thu giá giường dịch vụ tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày, giá khám bệnh lên đến 500.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, các bệnh viện phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phần đông người có thu nhập trung bình, bệnh nhân bảo hiểm y tế... xong mới được làm dịch vụ. Bộ Y tế và các bệnh viện đều lý giải nhằm tạo cơ chế để phát triển đơn vị y tế công lập tự chủ tài chính; giữ bệnh nhân (BN) giàu có không ra nước ngoài; thu hút người nước ngoài đến Việt Nam trị bệnh; thu hút Việt kiều về nước trị bệnh.
Đó cũng là tạo điều kiện giữ nhân lực cho bệnh viện công, nhất là người tài. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh viện đã thu tiền giường bệnh với giá cao chót vót; có nơi lên đến gần 3 triệu đồng/ngày giường; giá khám bệnh VIP cũng đã lên đến 500.000 đồng/lượt. Bệnh viện mới xây, cơ sở vật chất khang trang hơn, thì giá có thể “chát” hơn. Mang danh phục vụ BN, nhưng BN nghèo thì không có “vé” được nằm điều trị ở một vài bệnh viện.
Nhìn lại mặt bằng bệnh viện ở Việt Nam, hiện rất nhiều nơi quá tải, BN không có chỗ nằm, giường bệnh kê san sát không lối đi, hành lang thì không có khoảng trống vì người bệnh, người nhà kê giường, chiếu. Mới đây người viết còn nghe có bệnh viện tuyến tỉnh định mua… chiếu cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm (!). Cơ chế tự chủ tài chính cho các bệnh viện lối ra về thu chi, nhưng cũng là “bít” chỗ nằm của nhiều người. Không ai muốn bệnh tật, khi bệnh mà buộc phải nằm hành lang, nằm chiếu, nằm... gầm giường.
Nhiều ý kiến cho rằng, kỹ thuật cao, dịch vụ cao, thu giá tiền cao chót vót cứ để y tế tư nhân làm; ai có tiền thì cứ vào đó hưởng cái gọi là “dịch vụ y tế theo yêu cầu”. Còn y tế công, vẫn cứ gọi là “nhà thương” và BN được gọi là “bà con”. Vì vốn kích cầu của nhà nước cho các bệnh viện vay cũng là tiền thuế của dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.