Góc chia sẻ: Dạy trực tuyến: 'Ai có qua cầu mới hay'

26/09/2021 07:18 GMT+7

Thật tình mà nói việc dạy học trực tuyến ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý những thầy cô giáo. Thầy trò chỉ gặp nhau qua mạng, màn hình tương tác vô tri vô giác đâu hiểu được tâm tư, tình cảm của thầy và trò.

“A! Cô giáo già hơn mẹ nữa!” giọng một bé vang lên trong tiết đầu tiên gặp gỡ làm cô giáo không khỏi ngỡ ngàng. “File âm thanh nhỏ quá! Các cháu không nghe được thầy ơi!”, một phụ huynh nhắn tin cho giáo viên trong giờ dạy trực tuyến tiếng Anh như thế.
Khoảng cách tương tác tưởng chừng như trước mắt nhưng lại xa vời cùng với khoảng không gian và thời gian mùa dịch bệnh. Micro, webcam, tin nhắn, thư điện tử là cầu nối giữa học sinh và giáo viên khi giảng dạy trực tuyến. Những dòng chữ, âm thanh trên điện thoại, máy tính chỉ mang tính chất giải đáp thắc mắc một cách máy móc chứ không thể xóa nhòa đi không gian lớp học với những cảm xúc chân thật của thầy và trò.
Những gì thấy qua màn hình máy tính hay điện thoại chỉ là phiên bản thay thế không hoàn hảo cho những cuộc gặp gỡ thực thụ ngoài đời. Với những thầy cô giáo lớn tuổi và không quen với công nghệ, việc dạy học với những thiết bị công nghệ quả là nan giải.
Nhiều thầy cô phải nhờ đồng nghiệp hay con cháu mình chỉ dạy và ghi lại trên trang giấy học trò những thủ thuật như tắt, mở máy tính, chia sẻ màn hình… Đôi lúc đang giảng dạy lại quên đi và thế là phải mở sổ tay ra tra cứu lại. Trong lúc dạy học, nhiều lúc phải loay hoay với những sự cố kỹ thuật như máy tính không kết nối với hệ thống giảng dạy, điện thoại học sinh không thấy màn hình chia sẻ… Phụ huynh hiểu thì thông cảm, còn không hiểu thì trách móc, thậm chí nhắn tin với những lời lẽ phản cảm thật buồn lòng.
Dạy trực tuyến “ai có qua cầu mới hay”. Câu lẩy Kiều bất chợt của một đồng nghiệp làm tôi nhớ bảng đen, phấn trắng vô cùng. Những giờ lên lớp như là một buổi diễn với vai chính là người thầy cùng với “dàn bao” hùng hậu là những cô cậu học trò đang ở lứa tuổi ăn, tuổi lớn với biết bao buồn vui, giận hờn theo tâm sinh lý lứa tuổi.
Khi đứng trên bục giảng, trước ánh mắt học trò, người thầy có thêm động lực để thổi hồn vào bài giảng. Những cánh tay đưa lên, những câu hỏi đáp giữa thầy trò mang lại không khí sinh động mà những buổi giảng dạy trực tuyến không thể nào có được. Ở một góc độ khác, những hoạt động học tập trên lớp chính là phương pháp để kiểm tra tính chính xác của hoạt động lắng nghe chủ động, đảm bảo rằng những gì người thầy nghe thấy chính là những gì học sinh muốn nói. Đồng thời cũng chứng minh cho học sinh thấy rằng người thầy không chỉ lắng nghe mà còn thấu hiểu các em.
Dạy học là một nghệ thuật và học trò cũng như môi trường sư phạm là chất xúc tác để người thầy nâng chất và hoàn thiện mình hơn. Những tình huống sư phạm từ thực tế lớp học luôn là những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp trồng người.
Dạy trực tuyến chỉ là công cụ hỗ trợ trong công việc chứ không thể nào thay thế được vai trò truyền thống của người thầy. Mong sao mùa dịch qua mau để trở lại với bảng đen, phấn trắng và gặp lại những em học sinh - những người đã song hành với người thầy trên con đường sư phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.