Gỡ rối rừng đặc dụng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
11/03/2024 05:20 GMT+7

Tỉnh Nghệ An vừa kiến nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh hàng trăm héc ta rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Điều đáng nói, diện tích này trước đây là rừng sản xuất của người dân nhưng chưa kịp khai thác thì bị biến thành rừng đặc dụng.

Câu chuyện bắt nguồn từ khoảng 20 năm trước, khi hàng trăm héc ta rừng ở nhiều xã thuộc H.Nam Đàn (Nghệ An) được cơ quan quản lý giao cho người dân sản xuất. Người dân đã trồng keo nguyên liệu và thông để khai thác cây và lấy nhựa. Năm 2010, Nghệ An lập hồ sơ đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch rừng đặc dụng tại H.Nam Đàn từ 628 ha lên 3.069 ha. Trong 2.379 ha rừng tăng thêm này có hơn 1.700 ha rừng phòng hộ, 410 ha rừng sản xuất, 240 ha đồi hoang và gần 29 ha đất vườn được chuyển sang rừng đặc dụng.

Điển hình như khu vực Đá Hàn, Khe Su của xã Nam Thanh (H.Nam Đàn) vốn là khu rừng nghèo kiệt, lác đác cây bụi, được giao cho người dân trồng keo sản xuất để phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 2007. Nhưng khi lứa keo thứ hai chuẩn bị cho thu hoạch thì khu vực này được biến thành rừng đặc dụng dù tại đây không hề còn rừng tự nhiên và không có di tích lịch sử nào cần bảo vệ. Khoảng hơn 40 ha keo đã trồng bị nghiêm cấm khai thác, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Bỏ ra cả trăm triệu đồng trồng keo nhưng không thu được đồng nào, người dân nhiều lần đề nghị chính quyền có phương án bồi thường hoặc đưa ra khỏi rừng đặc dụng. UBND H.Nam Đàn sau đó đã có nhiều văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi hơn 212 ha ở xã Nam Thanh và hơn 200 ha rừng đặc dụng ở các khu vực khác sang rừng sản xuất để đảm bảo quyền lợi và sinh kế lâu dài cho người dân.

Sau nhiều lần họp bàn của các cơ quan chức năng, Nghệ An thống nhất lập hồ sơ chuyển Bộ NN-PTNT phân loại rừng và kiến nghị đưa một phần diện tích rừng đặc dụng ở H.Nam Đàn thành rừng sản xuất. Việc đề xuất đưa rừng sản xuất thành rừng đặc dụng rồi 14 năm sau lại đề xuất đưa từ rừng đặc dụng về rừng sản xuất là "quá cồng kềnh", nhưng là đề xuất rất cần thiết, phù hợp với thực tế và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.