Gỡ nút thắt người dân bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành

07/10/2021 06:24 GMT+7

Cả trăm ngàn người dân TP.HCM và các tỉnh phía nam bị mắc kẹt nhiều tháng nay tại nhiều tỉnh, thành khác do giãn cách xã hội.

Các địa phương đang tìm cách tháo gỡ thủ tục để người dân được mau chóng trở về nhà học tập, sinh sống và làm việc.

Về quê nghỉ hè rồi “dính” lại đến 4 tháng

Giữa tháng 6.2021, chị N.T.L (28 tuổi) về Phú Yên thăm gia đình, dự kiến cuối tháng 6 trở lại TP.HCM để tiếp tục công việc.

Thế nhưng, TP.HCM và nhiều tỉnh khu vực phía nam liên tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nên kỳ nghỉ của chị L. kéo dài hơn 3 tháng rưỡi mà vẫn chưa hẹn ngày về. Chị L. cũng hỏi một số cơ quan ở Phú Yên như Sở GTVT, Văn phòng UBND tỉnh về điều kiện, thủ tục trở lại TP.HCM, nhưng không nhận được hồi đáp. Tương tự, chị T.M.L (ngụ Q.5, TP.HCM) đưa con cùng 2 đứa cháu về quê thăm ông bà, giúp con có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian học tập từ cuối tháng 5.2021 rồi mắc kẹt đến nay. Cuối tháng 9, chị L. hỏi thăm thủ tục đi lại thì tỉnh Bạc Liêu đồng ý cho đi về TP.HCM, nhưng kèm theo điều kiện tài xế khi trở lại phải cách ly 21 ngày. Điều kiện này khiến các tài xế không dám nhận chở khách do thời gian cách ly quá dài.

Chốt cửa ngõ vào tỉnh Long An trên QL1 giáp với Tiền Giang

BẮC BÌNH

Đầu tháng 10.2021, TP.HCM là một trong những tỉnh, thành đầu tiên chủ động đưa ra phương án đưa người TP.HCM bị mắc kẹt trở về lại TP. TP.HCM đã có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện đón người dân trở lại trong một số trường hợp cấp bách như đi khám bệnh, đón con về đi học, đi phỏng vấn… Nhận thông tin này, chị M.L chọn cách xin giấy phép từ Sở GTVT TP.HCM, rồi thuê tài xế từ TP.HCM đón mẹ con về. Tối 3.10, chị M.L nộp hồ sơ về Sở GTVT. “Đến nay đã gần 60 tiếng mà vẫn chưa có phản hồi nào”, chị M.L nói.

Covid-19 sáng 7.10: Cả nước 822.687 ca nhiễm, 757.086 ca khỏi ​| Dòng người về quê đã “hạ nhiệt

Phản ánh với Thanh Niên, anh N.V.Th (43 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho hay đã gửi đơn hơn 48 giờ vẫn chưa nhận được phản hồi có đủ điều kiện về hay không. Anh Th. cho biết vợ con đang ở Quảng Ngãi nhiều tháng qua nên khá sốt ruột chờ giấy thông hành.

Lực lượng công an phát bánh mì và hướng dẫn cho người dân vào TP.Cần Thơ (trên QL1, giáp ranh Vĩnh Long)

DUY TÂN

Về thủ tục đi lại cũng khá đơn giản, bao gồm giấy tờ chứng minh sinh sống, làm việc ở TP.HCM như hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân/CMND, giấy khai sinh (đối với trẻ em), kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, để trở lại thì cần có văn bản của UBND tỉnh thành đang cư trú hoặc văn bản của Sở GTVT TP.HCM. Đa số người dân chọn phương án nộp hồ sơ qua Sở GTVT nên đơn vị này giải quyết không xuể, trung bình mỗi ngày hơn 3.000 trường hợp.

TP.HCM sẽ thảo luận với các địa phương

Liên quan phản ánh của người dân về việc thời gian “giấy thông hành” còn chậm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An lý giải số lượng đơn đề nghị của người dân rất lớn, trong khi việc xử lý bằng email thì phải ngồi đọc, lọc dữ liệu, phân loại nên mất thời gian. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, Sở GTVT đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập thêm kênh tiếp nhận hồ sơ thông qua website của Sở (http://sgtvt.hochiminhcity.gov.vn). Cũng theo ông An, sau khi cấp mã QR cho người dân thì Sở GTVT TP.HCM cũng chủ động thông báo danh sách người dân về các tỉnh để phối hợp giám sát.

Một trong những rào cản lớn nhất mà người dân từ TP.HCM về các tỉnh phải đối mặt chính là quy định cách ly y tế của Bộ Y tế. “Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục trao đổi với các địa phương để thống nhất phương án đi lại”, ông An nói.

Bản tin Covid-19 ngày 6.10: Số ca nhiễm mới tiếp tục đà giảm | TP.HCM đang lấy lại sức sống

Giảm tối đa giấy tờ, thủ tục

Ngày 6.10, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết từ ngày 4.10, UBND tỉnh có văn bản thống nhất cho phép người dân các tỉnh và TP.HCM bị mắc kẹt ở Cà Mau, do thực hiện giãn cách xã hội, được di chuyển ra khỏi tỉnh mà không cần phải cấp giấy đi đường.

Theo đó, người dân, người lao động, học sinh, sinh viên, các chuyên gia... do giãn cách xã hội phải ở lại tỉnh Cà Mau, nay có nhu cầu về lại nơi cư trú hoặc đến các tỉnh, TP khác để nhập học, lao động, công tác... thì được phép di chuyển ra khỏi tỉnh (không phải cấp giấy đi đường). Trường hợp nếu địa phương nơi đến yêu cầu phải có văn bản cho phép của UBND tỉnh Cà Mau thì công dân liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh qua số điện thoại: 0946.245.248 để được hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An, đối với học sinh các tỉnh, thành đang kẹt tại tỉnh này, phụ huynh (hoặc người nhà) chỉ cần gọi trực tiếp vào đường dây nóng của Sở GTVT Long An sẽ được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể. “Chúng tôi sẵn sàng cấp giấy đi đường cho người có nhu cầu rước con, em của mình về địa phương để đi học. Học sinh từ 18 tuổi trở xuống chưa được tiêm vắc xin nên không thể xem người ở lứa tuổi này như người từ 18 tuổi trở lên, làm như vậy sẽ rất thiệt thòi cho họ”, ông Tuấn khẳng định.

Chiều cùng ngày, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho hay TP.Cần Thơ sẽ tạo điều kiện để công dân TP.HCM xuống Cần Thơ rước con em về cho kịp năm học, trên cơ sở tuân thủ các quy định vào TP như đã tiêm đủ vắc xin Covid-19, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ từ khi xét nghiệm, được chính quyền địa phương tại TP.HCM cho phép, hoặc có giấy chấp nhận tiếp nhận công dân, giấy thông hành do Sở GTVT TP.HCM cấp.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, điều kiện để người từ TP.HCM vào địa bàn tỉnh Đồng Tháp rước công dân về phải tuân thủ theo Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 30.9 của UBND tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, để từ TP.HCM - nơi có tình hình dịch ở mức nguy cơ rất cao - về Đồng Tháp rước con em thì UBND TP.HCM có văn bản gửi cho UBND tỉnh về tổ chức đón, rước người về. Nếu được sự chấp thuận của tỉnh thì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh sẽ cho vào địa bàn rước người. Thực tế chưa thấy giải quyết cho cá nhân từ TP.HCM rước người về, ngoài lý do thực hiện công vụ.

Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang quy định người vào địa bàn tỉnh vẫn phải có giấy đi đường do UBND cấp tỉnh nơi đi ký. Muốn di chuyển khỏi tỉnh Tiền Giang phải có giấy đi đường của UBND tỉnh Tiền Giang cấp. Các công dân di chuyển vào hoặc ra khỏi tỉnh phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian 72 giờ; vào địa bàn tỉnh phải được cách ly y tế theo quy định.

Tỉnh Bến Tre cũng quy định người muốn vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm PCR trong 72 giờ và có giấy đi đường do UBND cấp tỉnh nơi xuất phát cấp; khi vào Bến Tre phải tiến hành cách ly y tế 7 ngày. Sau đó, UBND tỉnh sẽ cấp giấy đi đường cho trở lại địa phương với lý do chính đáng. Công dân có con, em đang kẹt bên ngoài tỉnh cũng phải thông qua UBND cấp huyện để trình lên UBND tỉnh xem xét, cấp giấy đi đường đến địa phương ngoài tỉnh rước con, em trở về. Khi trở về cũng phải thực hiện thủ tục đầy đủ về xét nghiệm, cách ly y tế 7 ngày theo quy định.

Người khỏi Covid-19 từ 4 tỉnh phía nam không cách ly tập trung khi về quê

Ngày 6.10, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc “áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An”.

UBND các tỉnh, thành tiếp nhận người về từ TP.HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân. Cụ thể, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ngày đầu tiên khi tiếp nhận. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định. Về thực hiện cách ly, người đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền cấp), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19) sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K. Người tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19 sẽ thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, đồng thời thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày thứ nhất và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Người chưa tiêm vắc xin Covid-19 thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

Với những người đã tiêm vắc xin Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.