Gỡ khó sản xuất kinh doanh, tập trung cho tăng trưởng

05/07/2023 06:38 GMT+7

Nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền, giảm lãi suất; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đã nói là làm, làm việc nào dứt điểm việc đó... cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong hành động để bằng mọi giá đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đặt ra.

Nghịch lý lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng thấp

Ngày 4.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 63 địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Theo Thủ tướng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 6 "cơn gió ngược". Trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài.

Gỡ khó sản xuất kinh doanh, tập trung cho tăng trưởng - Ảnh 1.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong ảnh: Nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đi vào hoạt động cuối tháng 4.2023

LÊ QUÂN

6 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc, giảm giờ làm; an ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro; thể chế, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm...

Thủ tướng cũng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5 - 1,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng; cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu DN…

Ngay từ tháng 10.2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng thêm 1,5 - 2% tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo này dựa trên lãi suất thực còn rất cao, chênh lệch lãi suất tiền gửi - cho vay còn khá cao (2 - 3%), cung tiền tệ tăng thấp (2,53%), nhiều DN khó tiếp cận vốn. Tiếp đó, Chính phủ, Thủ tướng đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương này để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho DN, người dân.

Song nghịch lý đang xảy ra trên thị trường tín dụng khi lãi suất liên tục giảm từ đầu năm tới nay, nhưng tăng trưởng tín dụng lại rất thấp. Thông tin về tình trạng này tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều cùng ngày, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm tới nay NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5 - 2%.

Tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7 - 0,8%, lãi vay giảm 1 - 1,2%. Dù lãi suất đã giảm song dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14 - 15%. Trong đó, dư nợ cho vay khoảng 12,4 triệu tỉ đồng, dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỉ đồng.

"Room tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các NH cho vay. Nói ế tiền cũng không hẳn, mà là tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm lại", ông Đào Minh Tú nói và lý giải do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp, nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của nhiều DN rất khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều DN không có đơn hàng, kể cả DN đầu tư nước ngoài (FDI). Thị trường bất động sản (BĐS) chưa sôi động lại, vẫn vướng cả dự án thương mại lẫn nhà ở xã hội, dù ngành NH đã rất quan tâm đẩy mạnh cho tín dụng BĐS. Các DN nhỏ và vừa trước đây rất khó tiếp cận tín dụng, nay càng khó hơn.

"Cũng có tình trạng nhiều DN muốn vay nhưng không chứng minh được có trả nợ được không. Ngược lại, nhiều DN thì NH mời chào vay nhưng không có nhu cầu vay, vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp", ông Tú nêu. Dù vậy, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và DN, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. Hy vọng với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm.

Gỡ khó sản xuất kinh doanh, tập trung cho tăng trưởng - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Nhật Bắc

Kịch bản ứng phó thiếu điện

Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nửa đầu năm, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm cả khu vực DN trong nước và DN FDI. Xuất khẩu sang các thị trường và khu vực cũng đều bị sụt giảm. Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện một số địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Cộng đồng DN phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị DN. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN và cộng đồng DN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, DN.


Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Để đảm bảo cung ứng điện, bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn và truyền tải liên miền; đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo điều kiện sản xuất. Bộ Công thương cũng đang phối hợp Bộ Nội vụ chuyển giao Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) theo chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện thanh tra Tập đoàn Điện lực VN (EVN), dự kiến thanh tra kết thúc vào ngày 10.7.

Về việc thỏa thuận giá tạm thời với các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công thương đang tiếp tục phê duyệt thỏa thuận giá tạm thời để các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp tham gia nối lưới. Tính đến ngày 29.6, Bộ đã phê duyệt 55/59 hồ sơ đề nghị phê duyệt, hiện còn 15/85 nhà máy chưa nộp hồ sơ đàm phán với EVN dù đã đôn đốc nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, công tác vận hành hệ thống điện trong tháng 7 dự kiến còn khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Bộ Công thương đã yêu cầu EVN phải bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023. Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó các tình huống khó khăn trong hệ thống điện, trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công thương, các cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo.

Gỡ khó sản xuất kinh doanh, tập trung cho tăng trưởng - Ảnh 4.

Nguồn: Mai Thu tổng hợp từ Bộ KH-ĐT - Đồ họa: Phúc Hải

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% rất khó khăn

Về giải pháp tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm, tại họp báo Chính phủ chiều 4.7, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh từ nay đến cuối năm cho thấy tình hình còn tiếp tục khó khăn. Để đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, là "nhiệm vụ hết sức nặng nề".

Theo ông Phương, dù Bộ KH-ĐT đưa ra một kịch bản thấp hơn (6%) thì tăng trưởng quý 3 cũng phải đạt 6,8% và quý 4 phải là 9%. Đây là 2 con số khá thách thức. Kịch bản 6,5% như kế hoạch của Quốc hội thì tăng trưởng quý 3 tối thiểu phải 7,4% và quý 4 phải 10,3%. "Dù quý 3/2022 đã đạt con số tăng trưởng GDP trên 10% rồi, nhưng năm nay khó hơn rất nhiều so với năm ngoái. Dù vậy, nhiệm vụ đặt ra chúng ta vẫn phải thực hiện", ông Trần Quốc Phương nói.

Về giải pháp, Bộ KH-ĐT đề xuất cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rà soát các động lực tăng trưởng, trong đó động lực xuất, nhập khẩu đang gặp khó khăn. Tập trung vào động lực phát triển tiêu dùng trong nước, khuyến khích đầu tư, trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn của cộng đồng DN, khơi thông được động lực từ đầu tư của khu vực tư nhân. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của xã hội, đặc biệt trên hai lĩnh vực là y tế và giáo dục, gắn với đó là bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Dự án giao thông vẫn gặp khó về mặt bằng, vật liệu

Gỡ khó sản xuất kinh doanh, tập trung cho tăng trưởng - Ảnh 6.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi

Phạm Anh

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, dù các địa phương đã nỗ lực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn. Đến giờ phút này, chưa địa phương nào bàn giao 100% mặt bằng của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, trong khi thời hạn đưa ra là ngày 30.6 phải có mặt bằng sạch.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, nhưng đến nay việc triển khai thủ tục vẫn chậm so với kế hoạch. Nhà thầu chưa đủ vật liệu đắp để thi công, trong khi thời tiết đang thuận lợi. Ngoài ra, các chủ sở hữu khu vực mỏ, bãi đổ thải yêu cầu mức hỗ trợ cao gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai. Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ TN-MT hoàn thành dứt điểm việc đăng ký khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản trong năm 2023, không để kéo dài sang năm 2024. Ông Thắng cũng đề nghị các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ TN-MT về khai thác mỏ vật liệu, không tạo thêm các điều kiện và thủ tục gây khó khăn cho nhà thầu trong việc khai thác mỏ.

Tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đã thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ cũng đang triển khai theo quy trình thanh tra, sau thời gian ngắn nữa sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm của các công ty này.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2023, Bộ sẽ tiến hành thanh tra 10 DN bảo hiểm. Trong đó, kiểm tra 5 DN bảo hiểm gồm 3 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt tập trung kiểm tra sự liên kết giữa hoạt động kinh doanh của các DN với các tổ chức tín dụng, NH thương mại. Bộ hướng nội dung thanh tra theo đúng nghị quyết của Quốc hội, phối hợp với NHNN để có được thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm, DN kinh doanh bảo hiểm...

Gỡ khó dự án bất động sản rất phức tạp, cần thêm thời gian

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS đã làm việc với nhiều địa phương trong thời gian qua: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.HCM… Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản của các tỉnh, DN gửi, nói về khó khăn, vướng mắc. Các văn bản đã được phân loại, chuyển đến cơ quan chức năng để giải quyết theo thẩm quyền từ cấp bộ, ngành đến UBND cấp tỉnh, sở… Về vốn, NHNN đã ban hành hàng loạt giải pháp, cơ chế về thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, mua bán trái phiếu, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội… để hỗ trợ hàng loạt DN vượt qua khó khăn. Thời gian qua, tổ công tác cũng triển khai theo nguyên tắc bắt đầu tháo gỡ từ phía các địa phương lên đến cấp bộ, ngành. Phối hợp với địa phương, tham mưu, trình Thủ tướng các nội dung liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của Thủ tướng.

Đối với các dự án lớn của Novaland, Hưng Thịnh ở Đồng Nai, Bình Thuận…, tổ công tác đã rà soát, xác định được các vướng mắc, khó khăn, đề xuất giải pháp cụ thể… "Tuy nhiên, thời gian làm việc chưa nhiều, vấn đề tồn tại lại phức tạp nên cần thêm thời gian để tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết dứt điểm", ông Nguyễn Tường Văn nói.


Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, dù kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực song tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn so với kịch bản đề ra; tình hình thị trường quốc tế còn rất khó khăn; dư nợ tín dụng tăng thấp; sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn… 100.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6%. Vốn FDI đăng ký tăng thêm tiếp tục bị ảnh hưởng. Những bất cập, vướng mắc của các thị trường trái phiếu DN, bảo hiểm, BĐS mới chỉ được xử lý bước đầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng GDP khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân. Với dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%; nợ Chính phủ 34,7% GDP; bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của VN so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Cho rằng đây là cơ hội cần nắm bắt, Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua việc tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Cùng với NHNN và ngành NH, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng DN phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị DN. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN và cộng đồng DN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, DN. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.