Gỡ khó cho nông sản tỉ USD

Chí Nhân
Chí Nhân
23/01/2024 06:37 GMT+7

Tôm hùm bông gặp khó ở thị trường Trung Quốc, sầu riêng bị kiểm soát ở EU, một loạt nông sản có kim ngạch xuất khẩu tỉ USD khác phải đáp ứng chứng chỉ rừng khi vào châu Âu cuối năm nay... Đó là những thách thức đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải vào cuộc tháo gỡ quyết liệt để các nông sản tiếp tục mang về hàng tỉ USD cho đất nước.

Sầu riêng, tôm hùm gặp khó ở Nhật, EU và Trung Quốc

Đầu tiên phải kể đến là sầu riêng với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 2,2 tỉ USD. Thế nhưng ngay những ngày đầu năm 2024, loại trái cây tỉ USD này của ta đã gặp khó ở thị trường EU. Theo thông báo từ Thương vụ VN tại EU, ngày 17.1 EU đăng công báo cập nhật về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào liên minh này.

Theo đó, ngoài các mặt hàng của VN vào EU đang chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền thì bổ sung sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Đây là lần đầu tiên sầu riêng của VN xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng hóa chất trên trái sầu riêng tươi tại cửa khẩu với tần suất 10%. Quy định mới của EU sẽ có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo, tức sẽ được chính thức áp dụng vào ngày 6.2.2024 tới.

Gỡ khó cho nông sản tỉ USD- Ảnh 1.

Để những nông sản xuất khẩu như sầu riêng, tôm hùm bông... tiếp tục mang về hàng tỉ USD, đòi hỏi doanh nghiệp và cơ quan chức năng cùng vào cuộc đáp ứng các quy định, hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu

ĐÀO NGỌC THẠCH

EU tuy không phải là thị trường quan trọng nhất của mặt hàng sầu riêng xuất khẩu của VN, nhưng đây lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11.2023, xuất khẩu sầu riêng của VN đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ 2022. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của VN vào EU tăng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Czech tăng hơn 28.000%, đứng thứ 4 trong số những nước nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất của VN; xuất khẩu sang Pháp tăng 32%.

Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng ở Trung Quốc

Ngoài EU, Nhật Bản cũng nằm trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu chính sản phẩm sầu riêng VN và loại trái cây tỉ USD của chúng ta cũng đang gặp khó ở đây. Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết doanh nghiệp (DN) của bà vừa thiệt hại hàng trăm triệu đồng, liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng, ớt nhập khẩu từ VN bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Cụ thể, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một DN lớn tại VN từ ngày 5.10, với giá 132.000 đồng/kg. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Gỡ khó cho nông sản tỉ USD- Ảnh 2.

Xuất khẩu sầu riêng của VN dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024 dù gặp một số khó khăn

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ VN, khiến các DN tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ. Cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Riêng lô sầu riêng này, chúng tôi thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn với lô ớt, nếu không nhập khẩu bù thì khả năng cao sẽ còn bị phạt theo hợp đồng. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu bền vững của nhiều trái cây VN, đặc biệt là sầu riêng rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng chất lượng của loại trái cây này đang có vấn đề khiến các nhà nhập khẩu "đau đầu" khi liên tục gặp rủi ro", bà Oanh nói.

Ở ngay kế bên, sản phẩm tôm hùm lại gặp vấn đề tại thị trường chủ lực Trung Quốc. Trong những tháng cuối năm 2023, hàng trăm tấn tôm hùm tới lứa không tiêu thụ được do thị trường này tạm ngưng nhập hàng. Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến - Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin: Trung Quốc chiếm đến 98 - 99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của VN; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan chỉ chiếm 1 - 2%.

Nhưng từ tháng 5.2023, Trung Quốc ban hành luật về bảo vệ động vật hoang dã và danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ; và tôm hùm bông nằm trong danh sách này. Đến tháng 8.2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông của VN sang Trung Quốc bị ngưng trệ do hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu. Bên cạnh đó, VN có 46 cơ sở bao gói tôm hùm được phía Trung Quốc cấp phép nhưng chưa có vùng nuôi nào có mã số.

Gỡ khó cho nông sản tỉ USD- Ảnh 3.

Trong quá trình chờ chuẩn hóa “lý lịch”, Trung Quốc đang xem xét “cơ chế đặc biệt” cho tôm hùm bông của VN

C.T.V

Cà phê, cao su, gỗ... chủ động thích ứng với quy định chống phá rừng

Đây đều là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất cao. Năm 2023, cà phê mang về hơn 4 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ từ cách đây mấy năm đã đặt mục tiêu 10 tỉ USD... Vì vậy, để bảo đảm được đà tăng trưởng, các DN, hiệp hội, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến những ngành này đang khẩn trương triển khai các quy định để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, quy định chống phá rừng của EU (EUDR) sẽ có hiệu lực từ tháng 1.2025, theo đó các ngành như cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ của VN muốn xuất khẩu vào EU thì 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng, đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngay từ cuối năm 2023, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng của EU. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị đã khẳng định VN chủ động thích ứng với những thay đổi, trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây cũng là cơ hội để VN cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Với ngành hàng cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN, cho biết: VN có khoảng 700.000 ha cà phê, nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Cà phê được trồng không tập trung, chủ yếu hình thức nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. "Việc phải xác định thời điểm 31.12.2020 có diện tích trồng cà phê trên đất rừng hay không, nếu có thì xử lý thế nào? Việc truy xuất nguồn gốc tại vườn phải có hợp tác công - tư, đặc biệt là sự hỗ trợ của DN, bởi chi phí thực hiện sẽ rất cao", ông Hải lo lắng.

Ngành cao su thì lạc quan hơn, bởi theo ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su VN, năm 2014 diện tích cao su của nước ta khoảng 980.000 ha. Do giá cao su từ năm 2014 xuống thấp, nên một số diện tích cao su đã chuyển sang cây trồng khác hoặc mục đích khác, đến nay diện tích cao su khoảng 920.000 ha. "Nếu tính từ năm 2020, cao su VN không có trồng mới, chỉ có diện tích tái canh mỗi năm từ 15.000 - 20.000 ha. Đối với ngành cao su, rủi ro với quy định của EUDR là rất thấp, nhất là từ năm 2017 VN đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng", ông An tự tin.

Ở góc độ chính sách, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho rằng cần xây dựng kế hoạch hành động, tuyên truyền cũng như vận động nông dân với các giải pháp về kỹ thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vườn trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như chuẩn bị giải pháp ứng phó rủi ro phát sinh…

"Cơ chế đặc biệt" cho tôm hùm bông ?

Với tôm hùm, trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Hà Nội hồi cuối tháng 11.2023; Bộ trưởng Bộ Công thương VN Nguyễn Hồng Diên đề xuất Bộ Thương mại Trung Quốc hỗ trợ DN VN xây dựng thương hiệu nông sản, trái cây tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, thúc đẩy ký kết thỏa thuận khung về thương mại gạo, mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực…

Ngoài ra, đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian "quá độ" cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc để các DN thích ứng với các quy định mới từ thị trường này. Ông Vương Văn Đào cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc luôn đề nghị và thúc đẩy Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường cho nông sản VN cũng như sẵn sàng phối hợp với phía VN giải quyết, phản hồi về xuất khẩu nông sản.

Gỡ khó cho nông sản tỉ USD- Ảnh 4.

C.T.V

Mới nhất, từ ngày 15 - 19.1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam có chuyến làm việc tại Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc). Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có cuộc làm việc với ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, và đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan nước này. Hai bên đã thống nhất sẽ phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký nghị định thư, phía Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở VN đăng ký xuất khẩu.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để ký trong thời gian sớm nhất 3 nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi, và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ VN sang Trung Quốc. Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ VN, đơn vị chức năng hai bên phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm. Mặt hàng sứa muối được đưa vào Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên cho VN và sẵn sàng xử lý hồ sơ kỹ thuật bổ sung từ phía VN để mở thêm cho trái bơ nhập khẩu từ VN. Hai bên cũng thống nhất phối hợp chỉ đạo và tham dự giao ban thường niên giữa các cơ quan kiểm dịch, an toàn thực phẩm của VN và Cục hải quan các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS VN, cho biết: Ðối với nông, lâm, thủy sản, điều đáng ghi nhận là dù nhận nhiều thông báo SPS (hàng rào kỹ thuật) hơn các lĩnh vực khác nhưng số lượng cảnh báo trong năm qua đã giảm. Có một số nước nhận tới 280 cảnh báo thì VN chỉ có 67 cảnh báo, chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng số cảnh báo. Nếu so với chính số cảnh báo mà VN nhận trong năm 2022 là 72 cảnh báo thì năm 2023 đã giảm 5 cảnh báo. Đặc biệt, đối với thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của VN là Trung Quốc, năm 2023 chúng ta không nhận bất cứ cảnh báo nào.

Dù vậy, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS VN, lưu ý: Những năm gần đây, số lượng thông báo SPS từ các quốc gia liên tục tăng. Điều này chứng tỏ thị trường thế giới đang rất chú trọng tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan tới môi trường, lao động, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Trong bối cảnh đó, số lượng cảnh báo đối với VN lại giảm chứng tỏ chúng ta đã làm tốt hơn, chuẩn hơn các quy định SPS. Thực tế, người sản xuất, DN chế biến, xuất khẩu phải tuân thủ các quy định SPS thì mới mở cửa được thị trường, đồng thời cũng giảm được thời gian, chi phí cho DN khi xuất khẩu; từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao uy tín cho nông sản VN trên trường quốc tế.

Người sản xuất, DN chế biến, xuất khẩu phải tuân thủ các quy định SPS (hàng rào kỹ thuật) thì mới mở cửa được thị trường, đồng thời cũng giảm được thời gian, chi phí cho DN khi xuất khẩu; từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao uy tín cho nông sản VN trên trường quốc tế.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS VN

Năm 2024, ngành nông nghiệp VN đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỉ USD. Các DN đều cho rằng với năng lực sản xuất, chế biến của VN hiện nay thì mục tiêu này không khó. "Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải sẵn sàng cập nhật và tuân thủ các quy định SPS từ quốc gia nhập khẩu. Trong đó, các ngành hàng trọng điểm như lúa gạo, rau quả, thủy sản… phải cải thiện hơn nữa quy trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến để bảo đảm sản phẩm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh trên toàn cầu", ông Hòa khuyến cáo.

Quy định chống phá rừng của EU

Ngày 16.5.2023, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR). EUDR được ban hành nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31.12.2020. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của VN bị ảnh hưởng bởi quy định này. EUDR được áp dụng từ tháng 1.2025, riêng đối với các DN nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6.2025.

Không nên dừng ở việc mua đứt bán đoạn

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là trái cây. Khi đã thâm nhập được thị trường này thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, nhưng các DN phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng. Các DN xuất khẩu VN khi kinh doanh với Nhật Bản không nên dừng ở việc mua đứt, bán đoạn mà nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.

Phan Hậu

VN có hơn 3.000 mã nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc

Tính đến hết năm 2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 3.013 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho khoảng gần 3.000 DN của VN được phép nhập khẩu vào thị trường này. Hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh mục 128 sản phẩm thủy sản và 48 loài thủy sản sống của VN được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Gỡ khó cho nông sản tỉ USD- Ảnh 5.

Gỡ khó cho nông sản tỉ USD- Ảnh 6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.