Gỡ điểm nghẽn tạo đà hồi phục kinh tế

08/12/2021 07:10 GMT+7

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng lên đến 6,5% trong năm 2022, các đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng TP phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

Ngày 7.12, phát biểu khai mạc kỳ họp cuối năm, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá những quyết sách được thông qua tại kỳ họp này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) năm 2022 và phục hồi KT-XH trong 5 năm tới.

4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Nhìn lại bức tranh kinh tế năm qua, bà Lệ cho biết tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) tăng 5,6% trong 6 tháng đầu năm, đến quý 3 giảm hơn 24%. 2 tháng qua, TP.HCM dần mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động từng bước trở lại với nhịp độ bình thường; nhưng theo dự báo, GRDP năm 2021 ước giảm 6,78%.

Trong khó khăn đó, TP.HCM vẫn nổi lên một số điểm sáng đáng khích lệ và tạo tiền đề quan trọng để hồi phục kinh tế. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, nhập khẩu ước tăng 24,9%, tổng huy động vốn các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người… Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 370.483 tỉ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021.

Trong năm 2022, ông Bình cho biết sẽ tập trung 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh. Về tín dụng, TP.HCM tiếp tục các chính sách hỗ trợ DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN. “TP sẽ chủ động nắm bắt thông tin khó khăn của DN để kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng”, ông Bình nói. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ tập trung hỗ trợ tổ chức sản xuất, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động thông qua chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, hải quan, các gói kích cầu.

Trong năm 2022, TP.HCM dự kiến tổ chức ít nhất 4 hội thảo phổ biến các hiệp định thương mại tự do để cộng đồng DN tiếp cận, tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu vào thị trường trọng điểm…

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của TP.HCM vượt chỉ tiêu đề ra

Ngọc Dương

Cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6 - 6,5%. Nói về mục tiêu này, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết đây là chỉ tiêu phấn đấu rất cao.

Thành ủy TP.HCM đã xác định chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN”. Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai chiến lược y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân gắn với chiến lược phục hồi, phát triển KT-XH và các chiến lược khác.

Để cải thiện môi trường đầu tư, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết TP kiên quyết loại bỏ các quy định và thủ tục mang tính “giấy phép con” không cần thiết để giảm chi phí cho DN, đồng thời chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết về đất đai, thủ tục nhằm khuyến khích, mời gọi các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh và có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.

Cân nhắc việc học sinh lớp 1 đến trường

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết đã trao đổi với lãnh đạo TP.HCM về quyết định cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp sau khi có hơn 70% phụ huynh được khảo sát bày tỏ không đồng ý.

“Cái này mình không có gì phải gượng ép, nếu gia đình thấy không yên tâm thì thôi, mình sẽ tôn trọng quyết định đó. Việc học là trước mắt nhưng liên quan đến sức khỏe học sinh”, ông Nên nói.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trước mắt sẽ thí điểm học trực tiếp đối với lớp 9 và lớp 12; riêng đối với lớp 1 thì sẽ bàn thêm.

Trả lời Thanh Niên, đại biểu (ĐB) Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho biết trong phục hồi kinh tế cần ưu tiên chuyển đổi số và cải cách hành chính. Đồng tình với định hướng cải thiện môi trường đầu tư, ông Thắng cho rằng TP.HCM phải đảm bảo tính liên tục, kế thừa của các cam kết với DN.

“Ở mình có tư duy nhiệm kỳ. Đồng ý cần có dấu ấn lãnh đạo, nhưng các chính sách phải thống nhất, ổn định”, ông Thắng nói và cho rằng lãnh đạo TP.HCM nhiệm kỳ này phải đổi mới tư duy, sẵn sàng đối diện thách thức và tháo gỡ từng bước bằng công cụ lập pháp để phát triển. Để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, ông Thắng cho rằng cần phải giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu, kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là phát triển trung tâm tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn của thế giới. Muốn phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM, ĐB Thắng cho rằng T.Ư cần mạnh dạn trao thêm thẩm quyền cho UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM để thể hiện được sự sáng tạo, đột phá và dấu ấn.

Tại phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, ĐB Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nêu nghịch lý nguồn thu ngân sách đảm bảo, nhưng thu nhập của người dân giảm. Do đó, chương trình bình ổn giá hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của người dân đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

“Các chính sách hỗ trợ tín dụng, đào tạo việc làm cho người lao động, an sinh xã hội phải được kích hoạt lại trong thời gian sắp tới, bởi dịch Covid-19 đã làm phát sinh thêm hộ nghèo, hộ cận nghèo”, ông Phát nói và đề nghị TP.HCM phải rà soát sắp xếp lại các khu chế xuất - khu công nghiệp song song với việc mở ra xu hướng mới thu hút đầu tư ở các ngành công nghiệp bán dẫn, y sinh, vắc xin.

Ngán ngẩm công trình chậm triển khai

Nhiều ĐB bày tỏ sự sốt ruột trước tình trạng nhiều công trình, dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhất là các dự án “treo” nằm trên địa bàn các huyện vùng ven. ĐB Phạm Quỳnh Anh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết nhiều cử tri quan tâm đến việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn còn chậm so với tiến độ đề ra, UBND TP.HCM có quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Lý giải việc này, lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng các dự án giao thông cần nguồn vốn lớn, pháp lý để vận dụng chưa hoàn chỉnh, còn chồng chéo, một số vấn đề cần phải chờ hướng dẫn của bộ, ngành. Ngoài ra, một số vướng mắc trong kêu gọi nguồn vốn, kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án cũng gây nên nhiều khó khăn trong đời sống của người dân.

Trao đổi thêm về dự án chậm tiến độ, ĐB Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, dẫn chứng mấy ngày qua, triều cường gây ngập các tuyến đường ở Q.7, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh khiến người dân rất bức xúc. “Trong năm 2022, TP.HCM cần tăng cường đẩy nhanh tiến độ các dự án này để đưa vào sử dụng kịp thời, chống ngập cho địa bàn”, ĐB Đạt đề nghị.

ĐB Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, nêu thực tế tỷ lệ khiếu nại, kiến nghị của người dân về đất đai, xây dựng trên địa bàn TP.Thủ Đức và các vùng đô thị hóa rất nhiều, chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường. Các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường đã được đưa ra thảo luận tại nhiều phiên họp của HĐND TP.HCM nhưng vẫn chưa tháo gỡ hết. Do đó, ông Tùng kiến nghị UBND TP.HCM có chuyên đề dành riêng cho công tác này để tìm giải pháp đẩy nhanh. “Việc này cần phải được quan tâm đặc biệt vì giải phóng mặt bằng chậm trễ đã làm thất thoát nhiều cơ hội, bồi thường nhiều lần. Ở TP.Thủ Đức có nhiều dự án bồi thường giải phóng mặt bằng không kịp, khi quay lại thì giá bồi thường tăng lên gấp đôi, có chỗ tăng lên gấp 3 nên không thể triển khai theo kế hoạch”, ông Tùng nói.

Kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM diễn ra trong 3 ngày. Hôm nay 8.12, các ĐB chất vấn lãnh đạo một số sở, ngành và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.