Giúp ngư dân chọn thép đóng tàu

08/06/2017 08:00 GMT+7

Trước một số sự cố về tàu cá vỏ thép vừa qua, mối quan tâm lớn nhất của ngư dân hiện nay là làm sao chọn được loại thép tốt để đảm bảo an toàn, độ bền thân vỏ.

Theo Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (lô D12-13-14 đường Hồ Hán Thương, âu thuyền Thọ Quang, điện thoại 0236.3918.656 - 0236.3918.565), cấu tạo thân tàu vỏ thép gồm nhiều loại thép ống, thép góc L, U, I…trong đó nhiều nhất là thép tấm nên sức bền tàu phụ thuộc vào chất lượng loại thép này. Một số loại thép tấm cường độ trung bình như: LR, ABS, NK, GL, DNV, BV, KR, RINA, CCS, cường độ cao: Grade A (Nhật Bản), AH32, AH36 (Hàn Quốc), DH32, DH36, EH32, EH36, AH40, DH40, Hardox450, Hardox500. Hiện thị trường có nhiều loại thép tấm đóng tàu của Nhật, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc… được chế tạo bằng phương pháp cán nóng, tùy tốc độ cán mà hình thành lớp chai sắt với bề mặt bóng láng, óng ánh. Ngư dân lưu ý, chất lượng thép không nằm ở lớp chai sắt này mà ở kim loại cơ bản của tấm thép, yêu cầu thành phần cacbon thấp (≤ 3% ), cơ tính tốt, chống ăn mòn hiệu quả, tính hàn cao, chịu nhiệt tốt… nên mắt thường khó đánh giá được.

Ông Nguyễn Quang Kỳ, Tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy cho hay thép Nhật Bản nổi tiếng ngành luyện kim, đóng tàu tốt nhất và giá cao nhất, thép Hàn Quốc ở phân khúc giữa, có thể thay thép Nhật với giá thấp hơn và chất lượng khá tốt nên được sử dụng nhiều. “Nhiều nhà máy khi ký hợp đồng với ngư dân là thép Nhật, Hàn nhưng dùng thép kém chất lượng, giá thấp hơn 3 - 4.000 đồng/kg. Ngư dân không biết kiểm tra xuất xứ, chất lượng thép vì phải nắm phiếu xuất kho, hóa đơn, lô hàng với dấu hải quan, kiểm định”, ông Nguyễn Quang Kỳ chia sẻ.

Bí quyết nhận diện thép tấm

Do đó, một số ngư dân chọn luôn thép rẻ tiền với suy nghĩ tránh rủi ro bị lừa. Thế nhưng, tàu cá vỏ thép sử dụng 1-2 năm mới biết chất lượng thép. Đến giai đoạn 2 năm bảo dưỡng giữa kỳ và 5 năm bảo dưỡng định kỳ đưa tàu lên triền đà vệ sinh thân vỏ, sơn lại thì khuyết điểm thép tấm rẻ tiền mới lộ ra. Mắt thường cũng thấy ăn mòn mạnh cục bộ, rỗ, lõm mặt, gỉ cóc, gỉ chòm trên bề mặt thép, dùng búa gõ bung từng mảng thép, lúc này bề dày tấm thép đã giảm đi 1-3 mm. Hiện tượng này sẽ khủng khiếp hơn nếu trước đó xử lý bề mặt sơ sài, qua loa, sơn lót chống gỉ kém, điều này không xảy ra ở thép tấm chất lượng tốt. Một giám đốc kỹ thuật tiết lộ, ngư dân có thể kiểm tra ở khâu nhà máy xử lý bề mặt thép và sơn lót chống gỉ. Các nhà máy đóng tàu thường phun cát thổi bay lớp chai sắt phủ bề mặt thép tấm ra màu sáng bóng là thép tốt và xử lý đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Quang Kỳ chia sẻ ngư dân có thể đến Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy để được tư vấn phân biệt các loại thép. Trong đó, toàn bộ thép đóng tàu của Bảo Duy nhập trực tiếp từ Nhật Bản, loại Grade A, có dấu NK đăng kiểm đóng chìm. Ngư dân cũng có thể thuê đơn vị giám định độc lập, kiểm nghiệm mẫu thép hoặc kiểm tra một số dấu hiệu bắt buộc. Thép tấm tốt phải đóng dấu chìm ký hiệu, số serie và dấu các cơ quan đăng kiểm thế giới xác nhận như đăng kiểm Anh LR (Lloyd’s Register), Nhật Bản: NK (Nippon Kaiji Kyokai), Nauy DNV (Det Norske Veritas), Hàn Quốc KR (Korea Register of shipping), Pháp BV (Bureau Veritas)…, nếu không có thì chất lượng kém, không đáng tin cậy.

Ngư dân cũng nên tìm hiểu đơn vị đóng tàu, kỹ sư, thợ, thiết bị, yêu cầu cung cấp chứng từ thép tấm ngoại nhập và cam kết bồi thường nếu sai chủng loại thép. 

Ngư dân Nguyễn Trọng Vỹ (ngụ xã Bình Dương, H.Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ, ông đóng tàu cá vỏ thép nghề lưới chụp QNa 95678 tại Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy bằng thép tấm Nhật Bản, trị giá 17 tỉ đồng, công suất 940CV. Từ khi hạ thủy ngày 8.9.2016, tàu hoạt động rất tốt, đánh bắt được 20 chuyến với hơn 100 tấn hải sản, thu nhập gần 3 tỉ đồng. “Quá trình đóng tàu, nhà máy, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, đúng tiến độ, vỏ tàu bằng thép Nhật, được cơ quan đăng kiểm thông qua, tàu hoạt động chất lượng tốt, không có hiện tượng gỉ sét hay bong tróc”, ông Vỹ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.