Giữa xung đột, khủng hoảng, báo chí đối diện thách thức lấy lại niềm tin cộng đồng

21/06/2022 14:42 GMT+7

“Nếu không có dữ kiện thì sự thật không tồn tại; và nếu mất đi sự thật, lòng tin cũng tan biến”, đó là phát biểu của nhà báo Philippines Maria Ressa, chủ nhân giải Nobel Hoà bình 2021, tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu hôm 20.6.

Toàn cảnh hội nghị tại Bonn

Thuy mien

Diễn ra trong hai ngày 20-21.6 ở Bonn (Đức), diễn đàn năm nay của (GMF 2022) của Deutsche Welle tập trung vào chủ đề “Định hình tương lai từ bây giờ”.

Trong thời buổi khủng hoảng và chiến sự Ukraine vẫn tiếp diễn, chính khách, giới ngoại giao và đại diện truyền thông trên toàn thế giới tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh một thực tế cấp bách, đó là “cách con người đưa tin hiện tại sẽ quyết định sự sống của chúng ta trong tương lai".

“20 ngày trong vòng vây Mariupol”

“Đôi khi thông tin còn quan trọng cho sự sống còn của con người hơn cả thực phẩm. Suy nghĩ đó cho phép chúng tôi tiếp tục làm việc, trong lúc mỗi ngày trôi qua là tình hình càng thêm khó khăn hơn”, nhà báo Mstyslav Chernov phát biểu vào thời điểm nhận được Giải thưởng Tự do Ngôn luận Deutsche Welle hôm 20.6.

Cùng với đồng nghiệp Evgeniy Maloletka, nhà báo Chernov từ những ngày đầu tiên của chiến sự đã ghi lại những hình ảnh, thước phim về cuộc vây hãm thành phố cảng Mariupol ở miền đông nam Ukraine trong 20 ngày trước khi được di tản. Đến ngày 20.5, quân đội Nga thông báo những tay súng cuối cùng của lực lượng Ukraine tại nhà máy Azovstal đã đầu hàng và kiểm soát toàn bộ thành phố Mariupol.

Theo ông, bất kỳ nhà báo Ukraine hoặc nhà báo quốc tế nào có mặt tại diễn đàn này đều sẵn sàng từ bỏ mọi giải thưởng báo chí trên thế giới nếu có thể ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine. Dù vậy, giải thưởng được trao tại GMF 2022 là sự công nhận và ủng hộ quan trọng cho ông Maloletka, ông Chernov và tất cả nhà báo đang đưa tin tại Ukraine.

Nhận xét về Giải thưởng Tự do Ngôn luận, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết hai nhà báo Maloletka và Chernov đại diện cho lòng dũng cảm của hàng trăm nhà báo đang đưa tin từ Ukraine.

Về phần mình, Giám đốc Deutsche Welle Peter Limbourg đã nhấn mạnh những thách thức khi đưa tin về cuộc xung đột ở Ukraine. “Đây là một trong những giai đoạn của lịch sử khi mà báo chí chắc chắn có thể chứng minh sự tồn tại chính đáng của mình. Chúng ta không thể ngăn chặn chiến tranh, nhưng chúng ta có thể đóng góp cho những hành động chính trị mang tính chất quyết định bằng việc liên tục đưa tin về vận mệnh của hàng trăm ngàn người và phản ánh trên đầu đề của những bài báo”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, vào thời điểm tin thất thiệt lan rộng và những thách thức khác gây mất lòng tin đối với báo chí toàn cầu, ông Limbourg tự tin truyền thông thế giới cùng nhau có thể chống chọi và tạo nên sự khác biệt.

Nhà báo Philippines Maria Ressa tại diễn đàn
thuy mien

Chống tin vịt, tin sai lệch

Tại diễn đàn GMF 2022, nhà báo Ressa, chủ nhân giải Nobel Hoà bình 2021, nhấn mạnh: “Nếu không có dữ kiện, sự thật không tồn tại; và nếu mất đi sự thật, lòng tin cũng tan biến”. Theo nhà báo Philippines, các đại gia công nghệ đang góp phần làm trầm trọng hơn tin vịt và tin sai lệch. Đồng thời những lời dối trá, được lòng căm ghét và hận thù hà hơi tiếp sức, còn lan nhanh hơn cả thông tin thật.

Nhà báo Ressa là người đồng sáng lập Rappler, trang tin đi đầu chiến dịch chống tin giả và tin thất thiệt tại Philippines. Bà cũng là nhà đồng sáng lập Ban Giám sát Facebook Thực, một tổ chức các chuyên gia toàn cầu đang thu thập thông tin nhằm truy cứu trách nhiệm của Facebook về tình trạng phân phát tin vịt và thông tin bị bóp méo.

Bà Ressa nêu lên một thức tế là Facebook “đã thay thế nhà báo bằng những người có ảnh hưởng (influencer)". “Các thuật toán của mạng xã hội, hiện là nền tảng phân bổ thông tin lớn nhất trên toàn cầu, trên thực tế đang gây chia rẽ, phân cực và cực đoan hoá con người”, bà cảnh báo.

“Hậu quả của mô hình trên chính là giờ đây con người tiếp nhận những thông tin được đo ni đóng giày để thao túng cảm xúc của từng cá nhân”, nhà báo Philippines chỉ ra. Chẳng hạn, newsfeed của tài khoản Facebook sẽ chỉ đưa những tin tức mà chủ tài khoản quan tâm hoặc thường xuyên tìm kiếm.

Với việc phụ thuộc mạng xã hội để phân phối thông tin, báo chí giờ đây bị mắc kẹt vào mô hình tập trung vào việc thao túng độc giả trên mạng để đạt được lợi nhuận.

“Vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện tại là làm sao lấy lại niềm tin của cộng đồng. Bằng cách nào chúng ta xây dựng công nghệ tốt hơn, và như thế đoạt lại quyền phân phối thông tin. Hãy sử dụng công nghệ để nắm trong tay vận mệnh của chính mình”, nhà báo Ressa kêu gọi các tổ chức báo chí và truyền thông trên thế giới.

Các đại diện báo chí tham gia diễn đàn
thuy mien

Bà cũng đề nghị các nước hãy thông qua luật quản lý những công ty công nghệ, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho báo chí phát triển. Theo bà, chính phủ các nước nên phân bổ hơn 0,3% trong khoản hỗ trợ phát triển nước ngoài cho nỗ lực thúc đẩy báo chí có thể tiếp tục hoàn thành công việc của mình.

Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu Deutsche Welle là hội nghị quốc tế duy nhất tổ chức tại Đức dành cho các đại diện truyền thông trên toàn thế giới. Các đối tác chính của Deutsche Welle tham gia tổ chức diễn đàn năm nay là Văn phòng Ngoại giao Liên bang Đức (Bộ Ngoại giao Đức), bang Bắc Rhine-Westphalia, Quỹ Đối thoại Quốc tế của Ngân hàng Tiết kiệm ở Bonn, Bộ Hợp tác Kinh tế Liên bang và chính quyền thành phố Bonn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.