Giữ hồn lãnh Mỹ A: Mặc nưa bị đốn bỏ, 'dân bàn tay đen' thắt lòng

04/08/2017 08:36 GMT+7

Cầm trên tay những trái mặc nưa xanh mơn mởn nhưng anh Trí lại trầm ngâm: 'Bao nhiêu đây mặc nưa cũng không đủ làm 10m lãnh Mỹ A. Năm nay có khi không có lãnh Mỹ A rồi...'.

Mặc nưa mất mùa, lãnh Mỹ A điêu đứng
Càng tìm hiểu về lãnh Mỹ A, chúng tôi càng tò mò về trái mặc nưa, loại quả đã làm nên màu đen nhưng nhức như "thôi miên" người mặc. Không rõ ai đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tơ tằm và mặc nưa, chỉ biết rằng: "Trên đời này, không có gì hạp với tơ tằm như mặc nưa", ông Tám nói. 
Theo lời kể của ông Tám Lăng, ngày trước, mặc nưa chủ yếu được thu mua từ Campuchia. Sau này, nguồn mặc nưa đứt dần. Cây mặc nưa chỉ còn mọc rải rác ở bên hông nhà, ngoài bờ rào... Chẳng ai trồng loại cây này vì phải tới 5 năm mới bắt đầu có trái, bán lại rẻ với giá khoảng 7.000 đồng/kg. Cũng bởi thế mà nguồn mặc nưa cung cấp cho gia đình ông Tám Lăng chủ yếu là do thương lái đi khắp nơi thu mua về.
Trái mặc nưa, loại quả đã tạo ra màu đen đặc trưng của lãnh Mỹ A Ảnh: Nhân Phan
Cây mặc nưa thường ra trái từ tháng 6 Âm lịch đến hết tháng Chạp. "Cái giống này lạ lắm. Muốn ra quả thì phải chặt cành. Chịu đau đớn như vậy nên càng đỏng đảnh. Đốn quả thì phải dùng ngay. Trái vừa chín là hết mủ", ông Tám khề khà. Thợ nhuộm thì phải thức sớm, xay nhuyễn mặc nưa, lược lấy mủ hòa với nước theo đúng tỉ lệ. Nhuộm rồi phải phơi cho kịp nắng sáng. Gặp hôm trời mưa thì coi như bỏ vì loại trái này không giữ được lâu, chỉ chừng 2-3 ngày là cùng.
Ông Tám kể ngày trước có nhóm kỹ sư người Nhật sang nghiên cứu và tìm mọi cách để bảo quản trái mặc nưa nhưng cũng không thành. Năm nay, mùa mưa đến sớm, mặc nưa không đậu trái, vậy là mất mùa. Khi chúng tôi đến, may mắn cũng là lúc gia đình gom được vài cần xé mặc nưa. Cầm trên tay nhánh cây mặc nưa xanh mượt, bóng mọng, Trí nói giọng rầu rầu: “Mấy năm nay mặc nưa bị đốn bỏ dần. Từ đầu năm đến giờ chỉ gom được vài chục ký, chưa đủ để nhuộm được cây hàng nào". 
Số ít mặc nưa gia đình anh Trí thu gom được trong mùa này Ảnh: Thiên Hương

Mỗi năm gia đình ông Tám Lăng làm ra khoảng 5.000m lãnh Mỹ A theo đơn đặt hàng của khách. Những ai không đặt trước, muốn mua số lượng lớn cũng không có vì gia đình không làm dư ra nhiều. Năm nay mặc nưa chỉ được 20 - 30% so với các năm trước, anh Trí ước tính lãnh Mỹ A làm ra cố lắm cũng chỉ đạt 50% so với mọi năm. 

"Dân bàn tay đen" thiếu lớp kế thừa
Hiện tại, xưởng của ông Tám Lăng chỉ có 3 thợ nhuộm và 2 thợ dệt có thể làm lãnh Mỹ A vì dệt loại vải này đòi hỏi tay nghề cao, sức khỏe và thị lực tốt, còn nhuộm thì... "Bây giờ lớp trẻ không ai thích nhuộm mặc nưa vì nhuộm xong là đen cả tay, mang bao tay vào thì không vắt được vải. Lại thêm suốt ngày dang nắng ngoài đồng nên đến bây giờ, thợ nhuộm ở xưởng tôi đã 40 - 50 tuổi rồi mà vẫn không có ai kế thừa", anh Trí cho biết. 

Thợ nhuộm lãnh Mỹ A rất dễ nhận ra vì hai tay đen xì nên còn được gọi là "dân bàn tay đen". Anh Đặng Văn Nhanh (48 tuổi), thợ nhuộm mặc nưa ở xưởng ông Tám Lăng cho hay mủ mặc nưa bám vào là bám rịt đến tận khuỷu tay và rất khó tẩy rửa. Tuy nhiên, anh vẫn gắn bó với nghề này nhiều năm nay, một phần cũng vì muốn giữ lại cái nghề truyền thống của cha ông. Những tháng không có mặc nưa, anh Nhanh đi phụ hồ và làm những công việc khác để nuôi gia đình.

Phần thì trái mặc nưa ngày càng giảm sản lượng, phần thì thợ làm được loại vải này đa phần đều đã lớn tuổi mà thế hệ kế thừa lại gần như không có. Nỗi lo mai một cái nghề luôn đau đáu trong lòng các thành viên gia đình ông Tám Lăng.
Thợ nhuộm mặc nưa còn gọi là "dân bàn tay đen" Ảnh: Nhân Phan
Ông Tám có một câu nói mà trong nhà ai cũng nằm lòng: "Chừng nào tôi còn sống thì trong nhà còn lãnh Mỹ A". Gia đình có 10 người con, may thay, đã có cậu con trai út là anh Nguyễn Hữu Trí nối nghiệp cha, còn cô con gái thứ bảy thì theo nghề làm gấm. Ông Tám khoe: "Thằng Trí giỏi lắm, nó đi khắp nơi tìm tơ dệt lụa, rồi tìm tòi nhuộm những màu thiên nhiên khác".
Trí đậm người, da ngâm đen theo kiểu một anh nông dân bám mặt ngoài đồng, nhưng không phải đồng lúa mà là đồng phơi lãnh Mỹ A. Trí bước vào nghề từ những năm 2000. Tuy nhiên, cùng với những khó khăn của lãnh Mỹ A, nhiều lúc bản thân anh tưởng chừng cũng đã bỏ nghề. Đặc biệt là giai đoạn 2003 - 2004, lãnh Mỹ A không tiêu thụ được, Trí chuyển sang buôn bán, mở quán ăn. Vợ anh kể lại: "Mở quán nhưng lúc nào trong đầu ảnh cũng nghĩ đến chuyện làm lãnh, nhuộm màu".
Anh Trí, con trai út ông Tám Lăng và cũng là người tiếp nối cha làm lãnh Mỹ A
Những cây lụa dệt bằng màu tự nhiên do anh Trí tìm tòi Ảnh: Phan Giang
Khi chúng tôi gặp Trí, anh đang dở tay nhuộm lụa bằng những loại màu tự nhiên làm từ những cây cỏ trong dân gian như lá cẩm, tô phượng, huyết rồng... Ba năm trở lại đây, lụa nhuộm bằng màu tự nhiên mới bắt đầu được ưa chuộng nhiều hơn nhưng nào ai biết suốt gần 20 năm qua, người đàn ông này đã rong ruổi từ miền ngược đến miền xuôi, tìm gặp những người dân tộc, hỏi kinh nghiệm nhuộm vải bằng cây lá tự nhiên. 5 - 6 năm đầu, Trí chỉ mày mò duy nhất một màu, đến nay cũng mới chỉ tìm được sáu màu gồm màu kem, xám ghi, vàng đồng, vàng chanh, đỏ và hồng. "Tuy nhiên, lãnh Mỹ A thì chỉ duy nhất một màu đen", anh Trí khẳng định. 
Sắp tới đây, nhóm nhà thiết kế gồm Hằng Nguyễn, Huỳnh Tiên, Nguyễn Minh Công và Juun Đăng Dũng quyết định tổ chức show diễn mang tên The Dreamers với toàn bộ thiết kế làm từ lãnh Mỹ A sau đó sẽ bán đấu giá để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Tân Châu, An Giang. Đặc biệt hơn, một trong số những trang phục này sẽ trở thành trang phục dân tộc của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2017. Thông tin này không chỉ khiến gia đình ông Tám khấp khởi vui mừng mà còn khiến những người đã trót yêu vẻ yêu kiều, đài các của lãnh Mỹ A thêm vững tin về sức sống lâu bền của loại vải này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.