Giữ hạnh phúc gia đình khi ‘cán cân’ thu nhập nghiêng về phụ nữ

06/10/2022 10:56 GMT+7

Thu nhập thua kém vợ có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tự ti, mặc cảm cho các quý ông. Tình huống này đòi hỏi sự khéo léo từ cả hai phía để giữ gìn tổ ấm.

Quan niệm đàn ông là “trụ cột” gia đình

Theo nghiên cứu Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đặt ra vào năm 2021 của PGS-TS Trần Thị Minh Thi (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), có đến 44,4% người được hỏi tin rằng vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình thuộc về đàn ông.

Quan niệm đàn ông là “trụ cột” gia đình đã ăn sâu tư tưởng của nhiều thế hệ người Việt

Tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” cũng được phản ánh trong cách các thế hệ người Việt lựa chọn bạn đời. Theo nghiên cứu nói trên, có đến 76,6% phụ nữ xem yếu tố công việc, kinh tế là tiêu chí quan trọng để lựa chọn bạn đời. Bản thân người đàn ông cũng tự nhìn nhận mình là “trụ cột” gia đình. Theo nghiên cứu Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố vào năm 2020, có đến 84,38% nam giới được hỏi cho rằng phụ nữ nên làm các công việc nhẹ nhàng, đơn giản và 82,66% đồng ý quan niệm phụ nữ nên ưu tiên chăm sóc gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp.

Sự ngầm phân chia về vai trò giới trong gia đình Việt ảnh hưởng lớn đến cách các thành viên trong gia đình nhìn nhận, hành xử với nhau. Ở không ít gia đình, những vấn đề lớn sẽ do người chồng quyết định, từ việc làm ăn, sinh con đến đối ngoại, báo hiếu với gia đình hai bên. Người chồng củng cố quyền quyết định những vấn đề trên không chỉ bằng danh xưng “trụ cột gia đình” mà còn bằng cả sức ảnh hưởng về kinh tế.

Tại nhiều gia đình, đàn ông luôn là người ra những quyết định quan trọng

Mặc dù hiện tại đã có rất nhiều thay đổi trong tư duy của các cặp vợ chồng trẻ, cụ thể có đến 40,5% tin rằng cả vợ lẫn chồng nên là “trụ cột” kinh tế của gia đình (theo nghiên cứu của PGS-TS Trần Thị Minh Thi), tuy nhiên không nhiều gia đình đạt được độ cân bằng về thu nhập của cả hai. Cụ thể, chỉ có 20,2% cặp đôi có thu nhập gần như tương đương nhau. Còn lại chiếm ưu thế vẫn là thu nhập của chồng (34,7%). Tỷ lệ phụ nữ có thu nhập cao nhất gia đình cũng chiếm đến 15,5% và đang tăng lên mạnh mẽ.

Ứng xử khi chồng “lép vế” vợ về kinh tế

Cái nhìn của xã hội về hình ảnh “trụ cột” gia đình tác động không nhỏ đến nam giới. Nghiên cứu Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa chỉ ra hơn 97% nam giới cho rằng họ nên là điểm tựa cho người phụ nữ của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ai không làm được điều này thường rất căng thẳng và xem đó như một thất bại. 83% nam giới trong nghiên cứu thừa nhận yếu tố kinh tế tạo ra áp lực vô cùng lớn.

Trong bối cảnh bình đẳng giới đang ngày càng được đề cao, phụ nữ ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường lao động và đạt được không ít thành công, “cán cân” kinh tế tại nhiều gia đình đã có những thay đổi mạnh mẽ. Việc người phụ nữ chiếm ưu thế về tài chính không còn quá xa lạ. Điều này vô hình trung tạo nên không ít áp lực lên cánh mày râu, những người được xã hội truyền thống và chính bản thân họ trao cho vai trò chu cấp cho gia đình.

Thu nhập thua kém vợ khiến không ít cánh mày râu cảm thấy áp lực

Anh Tấn Huy, chuyên viên kinh doanh tại một ngân hàng thừa nhận mình gặp áp lực lớn khi vợ có thu nhập cao hơn hẳn bản thân. “Tôi và vợ làm cùng chỗ với nhau. Vợ tôi là một người rất khéo và thông minh, doanh số bình thường đã cao hơn tôi, mới đây còn được bổ nhiệm lên vị trí trưởng phòng. Mặc dù tôi cố gắng nhìn nhận chuyện này ở góc độ tích cực nhất, nhưng không thể phủ nhận rằng cảm giác thua kém vợ không thoải mái chút nào”, anh Huy nói.

Không may mắn như gia đình anh Huy, chị Đào Lan Hương vừa mới chính thức ly hôn vì những xung đột liên quan đến thu nhập. “Chuyện lương tôi cao hơn thì đó giờ rồi, nhưng từ hồi chồng cũ không may kinh doanh thua lỗ thì mọi thứ nặng nề hơn. Anh ấy lao vào rượu chè và thường xuyên trách móc mỗi khi tôi đi công tác. Mỗi lần tôi lên tiếng phàn nàn là đều bị chồng mắng là “Ỷ kiếm được tí tiền rồi không xem chồng ra gì”. Tôi cảm thấy không được tôn trọng và thất vọng vì chính người đàn ông của mình”, chị nói.

Sự thành công của phụ nữ ở thị trường lao động đang tạo ra nhiều thay đổi trong cơ cấu thu nhập gia đình

Chia sẻ về vấn đề này, TS Xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP.HCM) nhận định: “Xét cho cùng người ta bảo “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Xưa nay quan điểm truyền thống đàn ông phải là người trụ cột. Bây giờ cái vai này đổi rồi thì đàn ông sẽ có sự tự ái nhất định, có sự tự ti và yếu thế nhất định. Điều đấy khó tránh lắm, đây là một tâm lý rất bản năng thôi.

Cho nên phụ nữ thành đạt phải nỗ lực gấp đôi để giữ được hạnh phúc gia đình. Ra ngoài họ có thể là nữ tướng nhưng về nhà họ vẫn là một người vợ. Còn nếu về nhà mà họ vẫn là nữ tướng, họ vẫn thể hiện vai trò quyền lực với chồng, với con thì giống như đánh mất đi “sức mạnh nữ tính” trong gia đình.

Về phía người đàn ông cũng đừng coi đó là một sự tự ái. Những gia đình phụ nữ kiếm nhiều tiền mà đàn ông lại tự ti mặc cảm thì tan vỡ nhanh lắm. Ví dụ đàn ông không có nhiều cơ hội kiếm tiền nữa thì nhường quyền cho vợ ra ngoài xã hội, mình ở nhà lo chu toàn cho con cái.

Quan điểm của tôi trong gia đình hiện đại thì đừng quan trọng ai kiếm tiền, quan trọng là phân công hài hòa trách nhiệm lo lắng cho gia đình. Lo lắng về tiền bạc cũng là một là cái lo lắng, mà lo lắng chăm sóc con cái, ổn định hạnh phúc gia đình cũng là một vai trò rất quan trọng, không kém chuyện kiếm tiền”.

Kiếm tiền hay chăm sóc con cái đều là những trách nhiệm quan trọng

Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.